ClockThứ Hai, 08/08/2022 09:48

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo Bộ Y tế, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Người dân đi tiêm các mũi nhắc lại nhiều hơnTriển khai 109 điểm tiêm chủng cho người dânBộ Y tế tiếp tục nhắc phải tiêm vaccine COVID-19 nhanh hơnBộ Y tế cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19

Tại Việt Nam số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay vẫn tiếp tục thực hiện hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; đặc biệt là việc tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong 7 tháng của năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh, gần 11.000 ca tử vong. Như vậy, đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người khỏi bệnh và trên 43.000 ca tử vong.

Trong tháng 7/2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong, thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%. Hiện còn hơn 6.000 ca mắc COVID-19 đang theo dõi và điều trị.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam và các biến thể này bắt đầu chiếm ưu thế.

Gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang theo dõi một biến thể đáng quan tâm mới mang tên BA.4.6. Đây là biến thể phổ biến ở 4 khu vực, chiếm tỷ lệ ca mắc mới lên tới 10,7%. Bắt đầu từ ngày 1/8, CDC Mỹ thêm BA.4.6 vào danh sách các biến thể phải theo dõi hàng tuần. Dòng phụ này là của biến thể BA.4 của Omicron và đã lây lan trong vài tuần tại Mỹ. Biến thể mới được xếp vào nhóm đáng lo ngại khi khả năng lây truyền cao hơn, giảm hiệu quả điều trị, tăng mức độ nghiêm trọng hoặc giảm khả năng trung hòa từ các kháng thể.

Trước thực tế này, Bộ Y tế lo ngại số ca mắc trong nước đang gia tăng trở lại và với xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ để chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch. Các đơn vị có liên quan kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ còn 24 ngày hoàn thành tiêm cho trẻ

Trước nguy cơ "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành y tế phải đảm bảo nguồn nhân lực, chất lượng y tế dự phòng và hạ tầng, tăng cường y tế cơ sở; tăng lương, phụ cấp cho nhân viên y tế.

Mặt khác, theo các chuyên gia, tiêm vaccine hiện nay được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Thực tế thời gian qua, vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả trong công tác phòng bệnh ở Việt Nam nói riêng và ở các nước trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, kháng thể bảo vệ của vaccine phòng, chống COVID-19 hiện nay giảm theo thời gian nhất định.

Việt Nam là nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vaccine. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Tính đến ngày 8/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 248 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vaccine cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm là tháng 10 và 11/2021 tiêm được 39-40 triệu liều/tháng).

Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến chiều 7/8, tổng số mũi tiêm trên cả nước là: 12.753.656. Trong đó kết quả tiêm mũi 1 là: 8.206.303 trẻ (đạt tỷ lệ 71%); tăng 0,3% so với ngày trước đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 53% là: Hà Nội (52%); Hà Tĩnh (48%); Đà Nẵng (38%); Quảng Nam (42%); Thành phố Hồ Chí Minh (46%).

Kết quả tiêm mũi 2 gồm: 4.547.353 trẻ (đạt tỷ lệ 39%); tăng 0,3% so với ngày trước đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 22% là: Hà Nội (19%); Vĩnh Phúc (21%); Đà Nẵng (16%); Quảng Nam (13%); Khánh Hòa (18%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao gồm: Ninh Thuận (73%); Sóc Trăng (81%); Vĩnh Long (69%); Bạc Liêu (73%).

Như vậy, tuy chỉ còn 24 ngày nữa trên cả nước phải hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, thế nhưng hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 cả nước mới đạt gần 72%; mũi 2 gần 40%; vẫn còn 7 tỉnh, thành tiêm thấp, trong đó có 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID 19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi thẻ căn cước công dân

Ngày 7/1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Huế cho biết đã tăng cường thêm thời gian phục vụ ngoài giờ hành chính đối với công dân có nhu cầu làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Đẩy nhanh tiến độ cấp đổi thẻ căn cước công dân
GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu

Năm 2024, TP. Huế tập trung chỉ đạo hoàn thành 18 đồ án QH, quy chế, bao gồm 11 QH phân khu, 1 quy chế quản lý kiến trúc thực hiện để phủ kín QH phân khu các phường, xã và 6 đồ án QH lập, điều chỉnh để phù hợp QH chung đô thị tỉnh. Đến nay, các đồ án điều chỉnh QH các phường thuộc phạm vi thành phố trước khi mở rộng đã cơ bản hoàn thành trình thẩm định theo kế hoạch; các đồ án QH các phường, xã sáp nhập vào thành phố đã hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt và đảm bảo phủ kín 100% QH phân khu trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TIN MỚI

Return to top