ClockChủ Nhật, 06/05/2018 16:03

Bộ Y tế tụt dốc về cải cách hành chính

Từ vị trí số 11 trong số 19 bộ, ngành vào năm 2016, Bộ Y tế đã “tụt dốc” 7 bậc, xuống vị trí áp chót chỉ sau một năm về xếp hạng cải cách hành chính.

Bộ Y tế đề xuất đổi mới chia tuyến khám chữa bệnhBộ Y tế khuyến cáo: Hàng chục nghìn người có nguy cơ mắc sốt xuất huyếtBệnh nhân mắc cúm nhập viện tăng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấpCông bố quyết định thanh tra Bộ Y tế

Theo kết quả công bố về chỉ số cải cách hành chính năm 2017 thì Bộ Y tế là đơn vị đứng gần cuối danh sách xếp hạng (chỉ đứng trên Ủy ban Dân tộc).

Như vậy, đang từ vị trí số 11 trong số 19 bộ, ngành vào năm 2016, Bộ Y tế đã “tụt dốc” 7 bậc, xuống vị trí áp chót chỉ sau một năm. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế chỉ có thể tiến lên bền vững khi không còn quá tải bệnh nhân (ảnh minh họa)

Tới thời điểm này, tất cả dịch vụ hành chính công của Bộ Y tế đã đạt từ mức độ 2 trở lên, trong đó có 51 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4. Riêng lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị của ngành y tế đã kết nối hệ thống một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực khám chữa bệnh thì không ít bất cập. Đơn cử như thủ tục nhập viện, mỗi nơi một kiểu. Có nơi lo bệnh nhân trốn, không thanh toán viện phí, có nơi yêu cầu đặt cọc một khoản tiền nhất định mới cho nhập viện, có nơi tiếp nhận ngay người bệnh sau đó sẵn sàng kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Trong bối cảnh bệnh viện phải tự chủ về tài chính, lấy thu bù chi và quá tải như hiện nay thì ngay cả Viện Huyết học Truyền máu Trung ương- một trong những đơn vị tích cực về cải cách hành chính cũng chưa thể làm hài lòng người bệnh ở mức cao nhất có thể.

Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những điều bệnh nhân phản ánh, chúng tôi chỉ đạo ngay đến các khoa phòng để điều chỉnh tất cả những sai sót, khiếm khuyết mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đóng góp ý kiến để khắc phục, hướng tới sự hài lòng của bệnh”

Mới đây, Bộ Y tế đã lựa chọn Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện công lập, nhưng không một bệnh viện tuyến Trung ương nào đăng ký tham gia mà chỉ tự đánh giá và mong muốn có thêm thời gian để khắc phục những tồn tại.

Mặc dù quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn từ 4 đến 8 bước, tùy từng loại bệnh, việc chờ khám cũng giảm trung bình gần 50 phút/1 lượt, nhưng thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến lúc nhận đơn thuốc vẫn ở mức cao, chưa nơi nào đạt chuẩn 90 phút.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc thủ tục hành chính còn phiền hà thì cơ sở y tế được tự chủ tài chính hoàn toàn trong bối cảnh quá tải bệnh nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân phải chờ khám lâu.

Ông Nguyễn Duy Nho ở Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, trong một lần điều trị mới đây tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông đã chứng kiến nhân viên y tế cố tình làm cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải chờ lâu, buộc phải chuyển sang dịch vụ theo yêu cầu. Và dĩ nhiên khi đó bệnh viện đạt được mong muốn tăng nguồn thu.

“Không thể chấp nhận được kiểu làm việc của y, bác sĩ ở đây, chậm chạp, khệnh khạng. Bộ phận siêu âm đủng đỉnh lắm, gây khó khăn, bắt chờ đợi lâu để người bệnh phải sử dụng dịch vụ thu tiền. Tôi chờ từ sáng đến 16 giờ chiều, mệt quá, phải siêu âm dịch vụ”, ông Nguyễn Duy Nho nói.

Tại những bệnh viện quá đông bệnh nhân, nhiều người đến khám phải chờ rất lâu mới đến lượt. Không ít người nhịn ăn, chờ từ sáng đến trưa mới được xét nghiệm máu, nên bị hạ đường huyết, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bệnh viện là “bộ mặt” của ngành Y nên những bất cập như vừa nêu chính là lý do khiến Bộ Y tế bị đứng ở vị trí áp chót bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017.

Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế Phạm Văn Tác thừa nhận, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và việc cập nhật kiểm soát ban hành các thủ tục hành chính chưa kịp thời khiến các bệnh viện còn lúng túng trong thực hiện. Bộ sẽ tập trung khắc phục để cải thiện thứ hạng trong năm nay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Bộ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, gắn thực hiện cải cách hành chính, làm hài lòng người bệnh với điểm thi đua của đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện.

“Đây là công việc phải làm thường xuyên và đột xuất khi cần thiết. Nếu nghe thấy thông tin về một bệnh viện nào đó có vấn đề về chất lượng thì Bộ Y tế và Sở Y tế sẽ kiểm tra, không chỉ để phạt mà nhắc nhở, chấn chỉnh, giúp bệnh viện tốt lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khảo sát đánh giá chất lượng từ Bệnh viện tuyến Trung ương đến trạm y tế xã xem sự hài lòng của người bệnh như thế nào, có như vậy mới có tác động toàn diện cả ngành”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Sự hài lòng của người bệnh tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành y tế. Trong bối cảnh tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế đã được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; nếu không nỗ lực cải cách hành chính, làm hài lòng người bệnh thì lượng bệnh nhân đến khám sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện.

Tuy nhiên, sự hài lòng người bệnh cũng chỉ đạt được khi không còn tình trạng quá tải bệnh nhân. Vì lẽ đó, thứ hạng về chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế chỉ có thể tiến lên bền vững khi không còn quá tải bệnh nhân.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 130 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:
Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế được tổ chức trang trọng ngày 12/12. Tham dự có các UVTW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các tỉnh thành, khách quốc tế…

Nhiều tập thể đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TIN MỚI

Return to top