ClockThứ Bảy, 11/05/2024 06:47

Giữ lửa “Nightingale”

TTH - Lặng lẽ trong các ca phẫu thuật, vất vả ngày đêm chăm sóc sức khỏe người bệnh là bóng dáng của những điều dưỡng (ĐD). 1.800 ĐD ở Bệnh viện Trung ương Huế mang trong mình vô vàn câu chuyện khác nhau về một nghề chuyên biệt được ví von là “nghề của trái tim”. Đồng hành cùng “chiến binh”

Áp lực lớn, thành công nhiềuĐào tạo chuyên khoa phẫu thuật bàn tay cho 60 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng

ThS. Nguyễn Thành Trung (ngoài cùng, bên phải) cùng ekip gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật ghép tim. Ảnh: T. HIỂN 

Đồng hành cùng “chiến binh”

Đến Khoa Nhi Ung bướu Huyết học Ghép Tủy (NUBHHGT), Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, cái tên “cô Yến” (ĐDCKI. Trương Thị Kim Yến - ĐD Trưởng) được các bé và người nhà nhắc đến khá nhiều. Trong các hoạt động thiện nguyện ở khoa, hình ảnh cô ĐD nhỏ nhắn, nhanh nhẹn quán xuyến việc hậu cần khiến nhiều người ấn tượng không kém. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi ung thư, ĐD khoa này còn là chuyên gia tâm lý, cô giáo, người làm công tác xã hội…
 
“Mẹ ơi con bị làm sao? Sao con cứ phải tiêm hoài? Cô ơi con muốn đi học? Con muốn được giống như các bạn khác?...” Vô vàn câu hỏi nêu ra từ những gương mặt thiên thần khiến người nghe khó kìm nước mắt. Cô ĐD trẻ tự nhủ, mình phải làm nhiều hơn, xem bệnh nhân như người thân để giúp các con vượt qua căn bệnh hiểm nghèo với những phác đồ hóa trị mệt mỏi, nôn mửa, rụng tóc, sốt dai dẳng, sốc… Chị Yến ví von điều đó giống như “Cuộc chiến giành lại sự sống” cho trẻ. Gắn bó với nghề, nghĩa là chị cùng những “chiến binh” nhỏ đã và sẽ bước vào hàng trăm, hàng ngàn “cuộc chiến” khác nhau.

Tháng 12/2019, Khoa NUBHHGT triển khai ghép tế bào gốc cho bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh 5 tuổi, sức đề kháng rất kém. Sau ghép, trẻ khó tránh bị nhiễm trùng như sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa, sụt cân. Chị Yến cùng các ĐD phải theo dõi diễn tiến bệnh cực kỳ vất vả, căng thẳng. Cứ 30 - 60 phút một lần, ĐD (cùng mẹ bé) theo dõi, chăm sóc từ việc thực hiện y lệnh dùng thuốc, truyền dịch/đạm nuôi dưỡng, chuyền máu, đến tắm rửa, vệ sinh, ăn uống. Mỗi lượng dịch đưa vào hay đưa ra đều phải ghi lại cẩn thận, báo cáo bác sĩ xử trí kịp thời. Có lúc bệnh nặng chuyển hồi sức, mọi người như nín thở, cầu mong cháu vượt qua. Và may mắn, ca ghép đã thành công, bé được trở về trong vòng tay gia đình, bạn bè.

Một nghiên cứu của Hội Điều dưỡng Việt Nam gần đây cho thấy, 56,6% cán bộ y tế bị trầm cảm do chăm sóc bệnh nhân ung thư với các biểu hiện mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi. Tỷ lệ ung thư tại Việt Nam có xu hướng tăng, vì vậy, cán bộ ĐD ở lĩnh vực này ngày càng vất vả, áp lực. Chị Huỳnh Thị Minh Châu, ĐD Trưởng Khoa Nội Ung bướu 2, Trung tâm Ung bướu có hơn 10 năm chăm sóc bệnh nhân khi họ bị sốc tâm lý hoặc đang ở giai đoạn cận tử. Chị đã trải qua biết bao cảnh hỉ, nộ, ái, ố khi con người đứng ở lằn ranh sống chết và thấm hết từng cung bậc cảm xúc bệnh nhân. Vậy nhưng chị Châu luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sát cánh, chia sẻ, lắng nghe, động viên bệnh nhân chiến đấu đến cùng với bệnh tật. Mỗi ngày làm việc của nữ ĐD này bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc vào 18-19h tối. Có những ngày chị đo được mình di chuyển 8.000 bước trong hành trình chăm sóc người bệnh ở khoa.

Gian nan rèn người

Ngày Quốc tế Điều dưỡng được chọn là ngày sinh của Florence Nightingale, ghi nhận cống hiến to lớn của bà đối với sự phát triển của ngành ĐD. Để giữ ngọn lửa “Nightingale” luôn rực cháy, đó là cả một chặng đường trải nghiệm, dấn thân, phấn đấu không ngừng.

Nhắc về những đồng nghiệp của mình, ĐDCKI. Phan Cảnh Chương, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, Trưởng phòng Điều dưỡng - BVTW Huế bảo rằng, hình ảnh khó quên nhất với ông chính là thời điểm anh chị em lao vào tâm dịch COVID-19, dõi theo tiếng máy ICU, thức trắng đêm cùng BN. Vất vả, hiểm nguy, gian nan có đủ song ở môi trường ấy, giá trị của người ĐD được tỏa sáng.

BVTW Huế có 1.800 ĐD ở 3 cơ sở. Với đặc thù của một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt và là bệnh viện tuyến cuối đòi hỏi người điều dưỡng phải có năng lực, đáp ứng quy mô 5.000 giường bệnh. Khi triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, vai trò ĐD rất quan trọng. Mỗi lần tham gia phẫu thuật tim, ghép tạng, ThS. Nguyễn Thành Trung cùng đồng nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo từng giai đoạn, nhằm trợ giúp tốt nhất cho phẫu thuật viên. Anh vừa nói chuyện vừa khoe quyển sổ ghi các công đoạn, yêu cầu cần thiết trong một ca ghép gan cho bệnh nhi mới đây.

Ở các khoa chăm sóc đặc biệt như Hồi sức tích cực, khoa có phòng hồi sức, ĐD làm việc thức trắng đêm, di chuyển liên tục, đối mặt với nhiều áp lực, lo lắng và mệt nhoài sau mỗi ca trực. Đến thời điểm này, chị Kim Yến vẫn tự hào: “Tôi nghĩ mình chọn đúng nghề. Tôi thích được thử thách, muốn tạo ra sự khác biệt trong công việc bằng chính nỗ lực bản thân”. Riêng anh Thành Trung cho rằng, với vị thế của BVTW Huế hiện nay, bản thân luôn hướng tới tác phong làm việc chuyên nghiệp, lấy người bệnh làm trung tâm và mong muốn lan tỏa sự nhiệt huyết của bản thân trong hoạt động chăm sóc người bệnh.

BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, PGĐ BVTW Huế chia sẻ: “Bệnh viện Trung ương Huế có lực lượng điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên chiếm tỷ lệ gần 50% cán bộ viên chức toàn viện, đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển đi lên của bệnh viện. Ban giám đốc BV luôn chú trọng đào tạo đội ngũ điều dưỡng có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp, y đức toả sáng; tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại BV; cùng với CBVC toàn viện quyết tâm xây dựng Bệnh viện trở thành Trung tâm y học cao cấp xứng tầm các bệnh viện khu vực Đông Nam Á và thế giới theo Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Điểm cầu của tỉnh có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo Sở Y tế cùng các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

TIN MỚI

Return to top