ClockThứ Năm, 19/05/2016 22:14

Vinh danh Di sản tư liệu “Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

TTH - Chiều 19/5, trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP), thuộc UNESCO, đã thông qua danh sách 14 trong số 16 hồ sơ được tiến cử lần này. Trong đó, Việt Nam có 2 hồ sơ được thông qua là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) với số phiếu tuyệt đối.

Các đại biểu MOWCAP trao Bằng Công nhận Di sản tư liệu cho đại diện của Thừa Thiên Huế

Hai ngày (18 và 19/5)  diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của MOWCAP tại Huế là khoảng thời gian được trông đợi nhiều nhất đối với những người yêu Huế, người dân Huế khi hồ sơ Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn được đề cử. Với “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Cố đô Huế nói chung và văn hóa triều Nguyễn nói riêng có 5 di sản tầm quốc tế. 4 di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn. Với sự kiện này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”.

Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Việc bảo vệ hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được các chuyên gia đánh giá thành công và xuất sắc nhất trong tất cả các hồ sơ được đề cử lần này. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.

Cổ diềm trang trí pháp lam ở lăng Thiệu Trị

Các chuyên gia nhận xét: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Đây là một hệ thống di sản nằm trong di sản và thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của xứ Huế, của Việt Nam mà cho đến nay chưa phải ai cũng biết đến. Điều đáng nói là cho đến nay, hệ thống vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy. Di sản này xứng đáng trở thành Di sản tư liệu thế giới, được vinh danh và bảo tồn bền vững cho các thế hệ mai sau”.

Hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc Giang” cũng được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện. Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam. Toàn bộ mộc bản trường học Phúc Giang có 394 bản hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự ở xã Trường Lưu và Bảo tàng Hà Tĩnh (còn gọi là mộc bản Trường Lưu). Đây chính là kết tinh tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng và là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh học sinh danh dự toàn trường

Vào đầu mỗi năm học, UBND tỉnh tổ chức lễ tuyên dương học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” tại di tích Quốc Tử Giám. Đây là danh hiệu cao quý nhằm động viên, tôn vinh, khuyến khích tinh thần ham học và học giỏi.

Vinh danh học sinh danh dự toàn trường
Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top