ClockThứ Bảy, 26/01/2019 10:24

Thương nhớ tết quê

TTH - Đã hơn 30 năm, nhớ… đó là tết cuối cùng của tuổi thơ tôi ở làng Lại Bằng quê nội, ngôi làng nằm bên con sông Bồ hiền hòa như bao dòng sông ở miền quê Việt.

Năm nào đến giáp tết là ba chở tôi về quê nội. Từ ngày hai bảy, hai tám là ông mệ (bà) nội bắt đầu trông, vừa làm việc vừa ngóng ra đầu ngõ trông con về đón tết. Năm đó, ba chở tôi, hai cha con đi trên chiếc xe đạp về làng, qua chiếc cầu ván rồi đến cầu sắt bắt qua khe bằng hai thanh đường ray xe lửa cũng vừa đủ để vác xe đạp lên mà qua chứ không thể đạp được. Đến đầu làng, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến, cả con đường đê lầy lội bùn đất nhão nhoẹt cũng thấy dễ thương, cánh đồng cải vàng và cả những khúm hoa cỏ tim tím hai bên đường cũng bắt đầu thấy đẹp dần lên và nên thơ hơn khi nhà nội ở đằng xa đang hiện rõ dần…

Mới trưa ba mươi mà đường làng đã vắng thưa người qua lại. Vào đến sân, ba dắt tôi đến chào ông, bà. Tôi theo xem ba đi bưng bê, sắp xếp lại mấy chậu bông, lau chùi bàn thờ, nhà cửa. Ba mở hai cây đèn và mấy bình hoa bằng đồng xuống lau chùi, đánh bóng.

Tiếng mệ gọi sau bếp vọng lại, mau xuống bưng đồ lên cúng thôi chiều rồi con. Ba tôi chạy xuống bưng cơm, canh, bánh… lên đặt trên bàn thờ. Ông mượt áo dài đen, khăn đóng thắp hương và khấn lạy trước bàn thờ tổ tiên mời các cụ về đón tết cùng gia đình, ba lạy xong rồi bảo tôi vào cúng ông bà. Mỗi lần lạy ông lại rót rượu và lần cuối cùng rót trà, lạy tạ. Cúng xong, cả gia đình ngồi quanh mâm cơm chiều cuối năm, mệ gắp cho tôi nắm xôi và miếng thịt heo luộc. Chiều cuối năm đầm ấm, bao nhiêu xa xôi cách trở nay lại trở về quây quần trong ngôi nhà nhỏ ba gian, thời gian của một năm như bị kìm nén lại, như dòng sông cảm xúc chờ lúc vươn mình ra biển lớn trong niềm hân hoan dâng trào…

Tối lại, ông cùng ba nhìn ngắm, sắp đặt lại mọi thứ để đón giao thừa, ngày mai đón khách. Cả ngày vì phải ngâm nước mưa lúc đi bộ mấy đoạn trên đường về làng, tôi mệt đi nghỉ sớm. Nằm nhưng không sao ngủ được, vẫn nghe tiếng ông bảo ba kê bàn sang bên này chút, chỉnh lại cái kia chút, rồi tiếng mệ vọng ra dặn bưng dĩa cau trầu, nhớ rót hai ly nước trong, chế sẵn trà, thắp hương vọng trước bàn, dặn cháu sáng sớm mồng một đừng qua nhà họ đạp đất,… Tôi nằm nghe tiếng của ông mệ, tiếng của ba, tiếng mưa trên mái tôn và mùi hương hoa mai thoảng vào, cố hít thật sâu để tận hưởng làn hương từ mấy chùm hoa của hai cây mai trước nhà, lâng lâng trong cảm xúc.

Sớm mồng một ba dậy sớm pha trà cúng, ông dọn mứt bánh thắp hương ông bà tổ tiên. Cúng xong, ông và ba ngồi trên bộ ngựa uống trà, bàn đủ thứ chuyện, lâu lâu thấy ông chỉnh lại âm lượng của chiếc máy trợ thính, rồi ông cười. Tết năm đó vui hơn khi ông được người bà con gửi tặng chiếc máy trợ thính, ông được nghe thêm tiếng của con cháu, nghe lại giọng nói của người vợ hiền sau mấy chục năm bị ngắt quãng. Lúc trẻ, ông tham gia kháng chiến, bị giặc Pháp bắt trong trận đại lùng, chúng đưa ông về giam ở đồn, tra khảo, đánh đập đến thập tử nhất sinh. Sau đó được đồng đội giúp đỡ, ông trốn tù trở về nhưng vĩnh viễn không còn được nghe giọng nói của mọi người, ông chỉ nhìn ở miệng để hiểu người đối diện đang nói gì, hoặc viết lên giấy. Tết vui, có máy trợ thính ông càng vui hơn, siêng nói và thích nghe con cháu huyên thuyên.

Sáng đó ba chở tôi đi thăm mộ và thắp hương ở ngoài nghĩa trang gần chân núi. Ba chỉ cho tôi tên và thứ bậc từng người ở mỗi ngôi mộ, kể những câu chuyện về người đã khuất, rồi ba chở đi thăm bà con trong làng.

Sau mấy ngày tết, ba gọi tôi chào ông mệ nội để về nhà, trở lại công việc thường nhật. Đường làng xuân nở đầy hoa dại, mấy chùm bông thanh trà cũng đã ngào ngạt hương. Mùa xuân đã về và vơi đi một nửa, niềm vui cũng vơi đi một nửa khi tôi phải xa làng quê, xa nội, chỉ mấy chục cây số mà thấy xa vời như phải chờ thêm một lần tết nữa… Tết của tuổi thơ tôi ở quê nội, có ông mệ, có ba, được chơi với Rẹt, Vện, Lì, Ệnh, những người bạn quê rất đỗi thân thương.

Sau mấy mươi năm, tôi đã đón rất nhiều mùa xuân, tết, nhiều niềm vui, tôi luôn thương nhớ những ngày tết quê và lần cuối cùng đón tết của tuổi thơ ở quê nội, không phải bận rộn lo toan và cũng không phải ồn ào tất bật. Tết nhẹ nhàng đầm ấm, gia đình đoàn tụ, bà con xóm làng thăm nhau, hỏi chuyện năm cũ, chúc nhau năm mới. Tết quê mộc mạc như mấy khóm cúc, thân thương như cây bông vạn thọ hồn nhiên nở vàng rụm, thanh tao như cành hoa mai tỏa hương thơm ngọt buốt cả vườn xuân quê nội.

Thuận Thiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vị cay thương nhớ

Xứ Huế lắm nắng nhiều mưa và mùa mưa Huế thường kéo dài đến gần nửa năm, chưa kể dăm ba ngày mưa cắc cớ chen vào những tháng nắng. Mà cứ mưa xuống là lạnh. Cái lạnh kèm độ ẩm khá cao rất đặc trưng của Huế cứ buôn buốt từ chân tóc vào đến ruột gan, không chỉ với những người phải dãi dầu mưu sinh mà còn với bất cứ ai đã từng ở, từng sống và gắn bó với mảnh đất hiền hòa này từ bao đời đã thiệt thòi cam chịu những khắc nghiệt của thời tiết.

Vị cay thương nhớ
Thương nhớ một loài hoa

Không rực rỡ như hoa phượng, hoa bằng lăng, cũng không đài các, yêu kiều như hoa sen và lại càng không ngào ngạt như hoa sữa, trái lại hoa giấy cứ lặng lẽ, tinh khôi mang trên mình vẻ đẹp mộc mạc, giản dị.

Thương nhớ một loài hoa
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Hoàng lan thương nhớ

Năm học cấp 3, tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam

Hoàng lan thương nhớ

TIN MỚI

Return to top