ClockThứ Hai, 05/08/2024 12:28

Thương nhớ một loài hoa

Không rực rỡ như hoa phượng, hoa bằng lăng, cũng không đài các, yêu kiều như hoa sen và lại càng không ngào ngạt như hoa sữa, trái lại hoa giấy cứ lặng lẽ, tinh khôi mang trên mình vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Ở nước ta, hoa giấy được trồng phổ biến khắp mọi miền vì nó dễ trồng, dễ chăm và sức sống dẻo dai. Hoa giấy thường được trồng nhiều để trang trí, lấy bóng mát và làm đẹp cảnh quan cho vỉa hè, nhà ở, bệnh viện hay trường học... Hoa giấy là loài cây ưa nắng, thường nở vào mùa hè, đặc biệt là giai đoạn từ khoảng tháng Sáu đến tháng Tám dương lịch hằng năm.

Hoa giấy phù hợp để trang trí khuôn viên sân vườn. Ảnh: Bảo Phước 

Có lần tôi hỏi ngoại, chu kỳ của hoa giấy kéo dài bao lâu, ngoại nói rằng: Hoa giấy nở bao lâu thì tàn cũng rất khó xác định, thông thường, trong điều kiện thời tiết nắng đều, hoa thường nở được khoảng hai đến bốn tuần sau đó tàn dần. Nếu thời tiết nắng mưa đan xen thì hoa sẽ nở trong khoảng một đến hai tuần là sẽ bị rụng bông. Có người cho rằng, hoa giấy tượng trưng cho một tình yêu mộc mạc, đơn sơ, nhưng cũng có ý kiến khác cho là hoa giấy thể hiện cho tình cảm gia đình sâu sắc và gắn bó vì những cánh hoa luôn đan khít vào nhau như anh em ruột thịt, khăng khít với nhau để cùng bảo vệ gia đình. Còn theo tôi, hoa giấy là biểu tượng của sự kiên nhẫn để vượt qua khó khăn trong cuộc sống thì đúng hơn, vì vốn dĩ nó có khả năng chống chọi và chịu hạn trong giông bão hay nắng mưa, khó có loài hoa nào như vậy. Dù có nhiều quan niệm khác nhau về ý nghĩa của loài hoa này, nhưng dưới ánh nắng mùa hè, cánh hoa mỏng manh, sắc hoa dịu dàng căng tràn sức sống khiến nhiều người không khỏi đắm say, mê mẩn ngắm nhìn.

Người ta nói rằng, mùa hạ là mùa của hoa giấy, loài hoa nghe tưởng chừng như mỏng manh đến là vậy nhưng khi nở, những bông hoa chụm lại tạo thành những chùm hoa khổng lồ và đầy sức hút đến kỳ lạ. Buổi sáng thức dậy, khi những tia nắng yếu ớt của mặt trời từ xa, khi gió nhẹ du dương, cây cối chiều qua mới ủ rũ vì cái nắng oi ả, vậy mà sau một đêm đã căng mọng, tươi tốt hẳn lên. Nhìn về phía xa, những bông hoa giấy rũ xuống từng cành đung đưa trong gió, những bông hoa giấy màu trắng, màu đỏ như những chiếc đèn lồng tinh khôi trên nền lá xanh, cánh hoa rất mỏng có cảm giác có thể nhìn xuyên qua được, đâu đó vẫn thấy hoa giấy rụng rơi xào xạc trên vỉa hè như những chiếc thảm với đủ màu sắc. Vẻ đẹp mong manh, không bon chen của hoa giấy khiến lòng ta luôn cảm giác bình yên, nhẹ nhõm, để rồi trong một giây phút nào đó bỗng nhớ về khoảng trời tuổi thơ, về những trưa hè, nhặt những cánh hoa rụng đem về ép vào vở rồi vu vơ những kỷ niệm buồn vui. Hay khi ngồi dưới giàn hoa giấy phủ đầy, nghe mẹ kể những câu chuyện về cuộc sống, về những bài học đối nhân xử thế, những cánh hoa rơi xuống tóc mẹ như vương vấn, bâng khuâng. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc với nụ cười tỏa nắng trong khuôn mặt của mẹ. Một khung cảnh yên bình, gần gũi hiện ra trước mắt tôi được tô điểm bởi sự bình dị, thân thương của hoa giấy đã xua tan đi bao tất bật, muộn phiền.

Với đặc tính hoa tươi rất lâu và trời càng nắng thì sắc hoa càng trở nên đằm thắm và bồng lên một cách quyến rũ. Hoa giấy không có mùi thơm ngát như hoa lan, nhưng lại vẫn thật đẹp và đặc biệt theo cá tính riêng của nó. Đó là nét đẹp của sự dung dị không phô trương, là nét đẹp đơn thuần như chốn bình yên mà nó đang tồn tại. Rồi trong sự ngổn ngang của cuộc sống đời thường, với những bon chen xô bồ ngoài kia, những giàn hoa giấy vẫn rực rỡ thả rơi từng cánh nhỏ khi tụ lại bên lề, lúc lại lăn theo gió như những nét chấm phá mộc mạc đầy sắc màu cổ tích. Hoa giấy, một loài hoa có thể quên, có thể nhớ. Hoa giấy khiêm nhường, nhưng vẫn bất chấp khoe sắc bất kể nắng mưa.

Ở đâu hoa giấy cũng đẹp bởi sự tự nhiên và dễ thích nghi của nó. Không ai khen sang, nhưng cũng chẳng ai chê hèn.

Nguyễn Văn Nhật Thành
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vị cay thương nhớ

Xứ Huế lắm nắng nhiều mưa và mùa mưa Huế thường kéo dài đến gần nửa năm, chưa kể dăm ba ngày mưa cắc cớ chen vào những tháng nắng. Mà cứ mưa xuống là lạnh. Cái lạnh kèm độ ẩm khá cao rất đặc trưng của Huế cứ buôn buốt từ chân tóc vào đến ruột gan, không chỉ với những người phải dãi dầu mưu sinh mà còn với bất cứ ai đã từng ở, từng sống và gắn bó với mảnh đất hiền hòa này từ bao đời đã thiệt thòi cam chịu những khắc nghiệt của thời tiết.

Vị cay thương nhớ
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Hoàng lan thương nhớ

Năm học cấp 3, tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam

Hoàng lan thương nhớ
Chung một đường biên

Nhớ lần đến cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài cách đây vài năm trước, tôi đã bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt sạm nắng của những người phụ nữ. Một người từ bản Cô Tài và người kia là công dân xã Hồng Vân trên đường thăm rẫy. Họ tặng nhau mấy thứ sản vật địa phương. Đó là tình cảm dung dị, chân chất của những người dân chung một đường biên.

Chung một đường biên

TIN MỚI

Return to top