ClockChủ Nhật, 28/01/2018 08:43

Loại bỏ lễ hội phản cảm, bạo lực

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không để xảy ra "thương mại hóa" lễ hội; loại bỏ tất cả hành vi khơi gợi lòng tham của con người làm sai bản chất lễ hội, từ tổ chức đánh bài đến chia lộc…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ngày 26/1 đã có chuyến thị sát đầu tiên trước mùa lễ hội tại di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) và chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra lễ hội

Trước đó, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT-DL) năm 2018 được Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định năm qua công tác lễ hội đã có bước chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn nhiều điều khiến người dân bức xúc cần phải chấn chỉnh bằng được.

Trong chuyến thị sát tại đền Trần, nơi thường xuyên để xảy ra những phản hồi không mấy tích cực về việc khai ấn và phát ấn vào rằm tháng giêng hằng năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ban tổ chức (BTC) lễ hội cần bố trí các điểm phát ấn và thời gian phát ấn phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân và du khách, tránh để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và những hình ảnh phản cảm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá, lợi dụng thời điểm đông người để nâng giá thu lợi.

Lễ hội chọi trâu bị nhiều chỉ trích vì thương mại hóa

Kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội ở chùa Hương, trước thực trạng hàng quán hai bên đường lên chùa Thiên Trù còn lộn xộn, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương, Ban Quản lý quần thể di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương phối hợp với Giáo hội Phật giáo, sư trụ trì chùa Hương nhanh chóng triển khai việc xây dựng đề án cải tạo, quy hoạch hàng quán nhằm bảo đảm mỹ quan.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của sư trụ trì - Thượng tọa Thích Minh Hiền trong việc hướng dẫn nhân dân thực hành các nghi thức, nghi lễ; đặc biệt là việc hướng dẫn, vận động nhân dân nâng cao ý thức ứng xử văn minh trong lễ hội. "Chùa Hương cần làm thí điểm, tiên phong trong xây dựng các khuôn mẫu nghi thức, nghi lễ, từ đó lan tỏa đến các di tích khác trong cả nước" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Không để xảy ra "cướp" lộc

Hà Nội, một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất trong cả nước, cũng thể hiện quyết tâm chấn chỉnh những tiêu cực, hạn chế trong mùa lễ hội năm nay. Thể hiện rõ nét nhất là hội Gióng - một trong những lễ hội nổi tiếng, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - cũng sẽ có nhiều thay đổi. Trên thực tế, nghi lễ rước lộc và tục cướp lộc là nghi lễ truyền thống tại lễ hội đền Gióng, đền Sóc, thế nhưng nhiều năm nay, tại hội Gióng đã xảy ra tình trạng đánh nhau khi những người bảo vệ lễ phẩm cố giữ, còn người dự hội lại cố tranh cướp. Việc lợi dụng tục "cướp lộc" của những người tham dự lễ hội đã làm mất đi nét truyền thống vốn rất đẹp của hội Gióng có từ nhiều đời nay.

Mùa lễ hội 2018, huyện Sóc Sơn sẽ thay đổi hình thức cướp lộc, theo đó, thôn Vệ Linh và thôn Đan Tảo không thực hiện rước giò hoa tre và trầu cau từ đền Thượng xuống đền Hạ và đền Mẫu như mọi năm. Giò lộc của 2 thôn sẽ được làm nhỏ hơn để đưa vào trong đền Thượng, sau đó chia thành nhiều mâm để mang xuống đền Hạ và đền Mẫu, sau đó để mọi người "cướp" lộc.

Trâu sau khi chọi bị xẻ thịt bán với giá cắt cổ. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Theo ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn, việc chia lễ phẩm thành nhiều mâm mang xuống lễ ở đền dưới sẽ tản bớt những người cướp lộc, không tập trung một nơi như trước nhằm hạn chế sự xô đẩy, tranh giành. Ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC Lễ hội đền Sóc - cũng khẳng định BTC quyết tâm thay đổi hình thức cướp lộc để không cần phải huy động lực lượng an ninh, bảo vệ quá lớn bảo vệ các đoàn rước lễ.

Bỏ "chém lợn" giữa sân đình

Tục chém lợn mùng 6 tháng giêng tại lễ hội của làng Ném Thượng, Bắc Ninh, nhiều năm qua đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới cũng như các chuyên gia vì quá bạo lực, phản cảm. Để hạn chế tình trạng bạo lực trong lễ hội, năm qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức rất nhiều cuộc hội đàm với người dân làng Ném Thượng để người dân hiểu và đồng ý không thực hiện tục "chém lợn" giữa sân đình.

Theo ông Lê Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh, tục "chém lợn" trong lễ hội Ném Thượng năm 2018 sẽ được chuyển vào khu vực riêng kín hơn để mổ lợn làm "cỗ ngọc tế thánh". Đặc biệt, nghiêm cấm không xảy ra hiện tượng dùng tiền polymer nhúng vào máu lợn để mong cầu may.

Tại một lễ hội khác cũng rất nổi tiếng của Bắc Ninh là lễ hội Bà Chúa Kho, ông Thực cho hay BTC quyết không để dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ở khu vực đền. Các quầy hàng dịch vụ khu vực lễ hội phải tổ chức cam kết bán đúng giá quy định và niêm yết giá công khai. BTC cũng quyết tâm giảm thiểu tối đa việc đốt vàng mã bằng cách tuyên truyền, nhắc nhở người dân cũng như du khách đến lễ đền.

Nghiêm cấm hát quan họ nhận tiền

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hằng năm. Hội từ lâu đã được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Dù vậy, hội Lim những năm qua từng xuất hiện hiện tượng gây tranh cãi là việc các liền anh, liền chị hát quan họ ngả nón xin tiền du khách.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Phó trưởng BTC Lễ hội Lim 2018 - cho biết sẽ nghiêm cấm tất cả hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền, các CLB quan họ đều phải ký cam kết tuyệt đối không xin tiền. Ngoài ra cũng nghiêm cấm các CLB quan họ cấm hát nhạc mới, hát chèo, hát văn, nhảy đồng và các loại nhạc khác.

Không cấp phép lễ hội có nội dung bạo lực

Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản gửi các sở VH-TT-DL yêu cầu tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Mậu Tuất. Theo đó, các cơ quan đơn vị thuộc ngành cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, mê tín dị đoan, cờ bạc... Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu.

Sẽ có nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho hay bộ sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức quản lý lễ hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tại; phân loại, phân cấp quản lý lễ hội cho các bộ, UBND các cấp; thay đổi phương thức quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động lễ hội.

Theo đó, sẽ thay thế hình thức xin phép bằng đăng ký và thông báo. Đối với lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài có quy mô quốc gia được tổ chức lần đầu thì phải đăng ký với Bộ VH-TT-DL. Lễ hội truyền thống được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn thì đăng ký với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức lễ hội, các lễ hội tổ chức định kỳ thì thông báo với cơ quan tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL sẽ kiểm tra, thanh tra và có những biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý lễ hội nếu lợi dụng lễ hội để xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, nhà nước; tổ chức lễ hội sai lệch với nội dung di sản của lễ hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm quy định về an toàn giao thông. Các cá nhân vi phạm không chỉ bị xử phạt hành chính mà trong trường hợp đặc biệt có thể truy cứu trách nhiệm hình sự...

Theo NLĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí
Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

TIN MỚI

Return to top