ClockChủ Nhật, 21/04/2024 06:30

Chạm khắc trên da mộc

TTH - Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng những nét chạm khắc sống động, phối màu hài hòa, tinh tế, Ngô Phương Dung (33 tuổi, TP. Huế) đã tạo nên những bức tranh sống động trên chất liệu da mộc. Mỗi chiếc ví, giỏ xách sau khi được cô “thổi hồn” vào đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách và cá tính riêng biệt.

Thời trang từ gỗ chạm khắc

 Vẽ nhiều lớp chồng lên nhau để bức tranh có độ sâu

Gần bảy năm gắn bó với công việc chạm khắc trên da mộc, mỗi một chiếc ví, giỏ xách được Phương Dung tạo ra đều mang trong mình một câu chuyện riêng biệt. Có người muốn cô chạm khắc một bức tranh phong cảnh nơi mà họ từng đi qua, từng có duyên gặp gỡ, giờ muốn lưu giữ lại. Có người muốn cô chạm khắc một đóa hoa có ý nghĩa với riêng bản thân họ. Có người muốn cô lưu giữ hình ảnh thú cưng đã rời xa. Có người lại muốn lưu giữ hình ảnh gia đình, người thân bên mình... Cô có thể không còn nhớ mình đã chạm khắc bao nhiêu bức tranh, bao nhiêu chân dung, hoàn thành bao nhiêu chiếc ví, giỏ xách theo đơn đặt hàng của khách. Nhưng những câu chuyện xúc động mà cô được nghe từ khách hàng đã trở thành hành trang đi cùng cô trong những năm tháng theo đuổi nghề chạm khắc trên da mộc.

“Tôi nhớ có người khách nhờ tôi chạm khắc chân dung của vợ chồng anh lên ví. Anh dặn đi dặn lại tôi phải làm sao cho thật đẹp, bởi vì vợ anh vừa mất. Anh muốn lưu giữ lại hình ảnh của vợ bên mình. Tôi không muốn để sự yêu thương, nhớ mong ấy phải kéo dài, nên đã cố gắng hoàn thành sản phẩm nhanh nhất có thể. Chạm khắc, chế tác chiếc ví với tôi đã không còn đơn thuần là công việc nữa, mà nó còn chứa vô vàn tình cảm yêu thương và sự trân trọng. Nhìn thấy niềm vui của khách khi nhận sản phẩm, nhìn họ trân trọng vuốt ve hình ảnh người thân được lưu giữ qua những nét chạm khắc, tôi thấy công việc của mình đang làm thật ý nghĩa”, Ngô Phương Dung kể. Đó là một trong nhiều câu chuyện của khách hàng khiến cô nhớ mãi không quên.

 Ngô Phương Dung đang thực hiện công việc chạm khắc trên da mộc

Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, nhưng Phương Dung lại chọn Huế để lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế, cô mở phòng tranh và bán hàng lưu niệm. Sẵn khiếu nghệ thuật, lại khéo tay, Phương Dung thường làm các phụ kiện handmade từ da và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhận thấy khách hàng có xu hướng thích các sản phẩm từ da, vậy là cô tìm tòi, học hỏi, rồi bén duyên với nghệ thuật chạm khắc trên da mộc. Xưởng chế tác ví, giỏ xách của cô ra đời từ đó.

Mỗi một chiếc ví, mỗi một chiếc giỏ xách mà cô tạo nên, đã không còn là sản phẩm đơn thuần chỉ để sử dụng hàng ngày, mà nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật khi những chi tiết, hình ảnh trên da thuộc được cô điêu khắc sống động, tinh tế. Mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, độc đáo và còn mang tính độc bản bởi không có chiếc thứ hai trên đời. Và những sản phẩm của cô không chỉ thể hiện phong cách sáng tạo của riêng cô mà còn qua đó cho thấy cá tính riêng biệt của người sử dụng.

Phương Dung cho biết, những người tìm đến với sản phẩm da điêu khắc đều là những người có gu thẩm mỹ riêng. Họ hiểu về sản phẩm và yêu thích sự độc đáo của da thuộc. Bởi vẻ đẹp của da thường tăng lên theo thời gian. Càng sử dụng lâu, da càng đậm màu, bóng nước. Đó không phải là độ bóng của nước sơn phủ lên mà do thấm mồ hôi tay của người sử dụng. Chính vết tích của thời gian đã phủ lên da thuộc vẻ đẹp mềm mịn và cổ kính mà đồ da mới không bao giờ có được. Tuổi thọ của da cũng tùy thuộc vào mức độ giữ gìn của người sử dụng. Càng thường xuyên sử dụng, da càng đẹp. Chỉ cần chăm đánh dưỡng ẩm, giữ không để da khô, bị gãy, nứt, cứng lại, tuổi thọ càng cao.

 Vẽ nhiều lớp chồng lên nhau để bức tranh có độ sâu

Phương Dung cho biết, da được cô dùng để chạm khắc thường là loại da thảo mộc mịn, có màu sắc tự nhiên được nhập về từ Ý. Để hoàn thành một chiếc ví da, hay giỏ xách, từ khi lên ý tưởng cho đến khi tới tay khách hàng, cô thường phải mất thời gian tầm 15 ngày. Đầu tiên là lên hình, căn nét, đi nét, cắt nét, chạm khối, lên màu rồi mới lên túi, ví. Lên màu trên da cần phải vẽ nhiều lớp chồng lên nhau mới có độ sâu. Để giữ màu ổn định theo thời gian, cần phải phủ thêm lớp chống thấm, chống bay màu bên ngoài. Hầu hết các công đoạn đều có độ khó như nhau, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, và độ chính xác cao mới đem đến một sản phẩm hoàn hảo nhất. Chỉ cần xảy ra một lỗi nhỏ, xem như hoàn toàn phá hỏng một sản phẩm. Phương Dung cho biết, mỗi chiếc ví được cô chạm khắc có giá từ một đến vài triệu đồng, giỏ xách chạm khắc thì có giá từ 2,5 triệu đồng trở lên. Khách hàng của cô không chỉ trong tỉnh mà còn có khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngoài những sản phẩm chạm khắc theo ý tưởng đặt hàng của khách, thì hầu hết hình ảnh Phương Dung chạm khắc đều lấy phong cảnh thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá làm để tài. Phương Dung nói, mình sinh ra ở mảnh đất Tây Nguyên, nơi có những cánh đồng cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Tình yêu thiên nhiên, cây cỏ đã thấm đẫm trong những tháng ngày tuổi thơ nơi quê nhà. Lớn lên, lập nghiệp ở mảnh đất Kinh kỳ, nơi có sông núi hữu tình, cây cối bốn mùa xanh mướt càng ảnh hưởng đến những sáng tác của Dung. Những bức tranh trên da thuộc sau khi được Dung thổi hồn vào bỗng trở nên sinh động lạ thường. Người ta như thể nghe được cả tiếng cọ mình của hoa lá, tiếng đập cánh của một chú bướm trên đóa hoa, tiếng chim trong vắt, véo von dưới bầu trời trong xanh mùa hạ...

Lê Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Sống động tranh thạch cao thực vật

Từ thạch cao - chất liệu quen thuộc trong nghệ thuật tạo hình, Mai Công - chàng trai đến từ Phú Lộc đã tạo nên những bức tranh thực vật sống động, mang hơi thở của thiên nhiên kỳ thú.

Sống động tranh thạch cao thực vật

TIN MỚI

Return to top