ClockChủ Nhật, 23/05/2021 15:14

Vườn hồng

TTH - Tôi đến quán Vẹt. Một mình. Đây là điều mà tôi- cô gái chỉ thích nhẹ nhàng, tĩnh lặng, chưa bao giờ nghĩ tới. Bởi “Vẹt” là quán nhậu kiểu vỉa hè, mà các bộ bàn ghế thấp, san sát nhau lúc nào cũng kín chỗ và inh tai nhức óc loại nhạc xập xình. Nhưng hôm nay tôi muốn làm điều trái ngược, sau khi phát hiện bị người yêu cắm cho một chiếc sừng tổ bố.

Xóm nhậuMột đời đi ở

Tôi có việc ổn định, thu nhập khá cùng với ngoại hình tạm ổn và là một đứa con gái hiểu chuyện, nên không ít người ngấp nghé. Nhưng tôi không để ý đến ai nữa, một lòng một dạ với Nam, kể từ lúc nhận lời yêu anh. Vậy mà không ngờ, Nam lại gian dối, sau lưng tôi lén lút có quan hệ với một cô gái khác. Tôi phát hiện ra điều này sau khi hai bên gia đình tôi và Nam ở quê đã qua lại thăm hỏi và định ngày cưới cho chúng tôi vào cuối năm. Cả thế giới như đổ sụp xuống. Tôi thấy mình là người bất hạnh, đã mất tất cả. Trong căn phòng trọ, đêm này qua đêm khác, tôi ngập ngụa trong nước mắt. Hôm nay, tôi muốn nổi loạn, muốn say, xem có thể quên đi mọi thứ tồi tệ? 

Có cô gái bước vào quán. Ơ, chắc lại cũng một kẻ thất tình như tôi chăng. Nhưng trông cô ta rất “ngầu” bởi “quả” đầu trọc nhẵn được cột bởi chiếc khăn. Trên cánh tay trái, là hình xăm một bông hồng. “Cô ngầu” càng ngầu hơn bởi quần jeans áo thun kiểu bụi bặm.

“Một mình à? Ngồi cùng không”? Không hiểu sao tôi lại đề nghị một người chẳng hề quen biết như vậy. “Cô ngầu” gật cùng nụ cười hiền đến bất ngờ. “Cũng đang chán đời à. Chắc là chán hơn cả tôi nên mới cạo trọc đầu đi như thế”?- tôi nói mà không kịp kiểm soát cái miệng. “Chán gì đâu. Tôi truyền hóa chất nên tóc rụng hết. Nhưng đợi hồi nào hết hóa trị thì tóc sẽ lại mọc lên thôi. Chẳng cần phải mang tóc giả”- “cô ngầu” nói kèm cú đá lông nheo.

Đứng hình, quên cả cơn đau bị người yêu lừa dối, đang khiến tâm hồn tôi tan nát. Có nghĩa, cô gái ngồi cạnh tôi đang bị ung thư, căn bệnh mà ai cũng biết là “án tử” đang treo lơ lửng, mà cái chết chỉ là vấn đề thời gian. Những ai không may mắc phải, cũng có nghĩa phải chịu những cơn đau đớn khủng khiếp khi bệnh ở thời kỳ cuối. Sao kiểu nói và giọng nói cô ấy lại nghe “nhẹ không”.

“Ban đầu cũng hoảng loạn lắm”. Hương kể (bây giờ tôi đã biết cô ấy tên Hương), ban đầu có lẽ cô ấy còn suy sụp hơn cả những người cùng cảnh ngộ. Bởi người khác có cha, mẹ, có vợ có chồng. Còn Hương, mẹ đã mất cũng vì căn bệnh ung thư, từ khi cô mới hơn mười tuổi. Cha lấy vợ khác, “tống” cô cho bà ngoại nuôi. Có lẽ cha ghét lây cô, bởi trước khi mất, mẹ lập di chúc để lại ngôi nhà và khu vườn rộng cho một mình đứa con gái duy nhất. Đây là tài sản riêng của mẹ trước khi kết hôn với cha. Cha đến sống với vợ mới và lần lượt sinh những đứa con mới. Gia đình của cha không bao gồm Hương trong đó. Hương càng cố gắng đến gần cha, gần những đứa em cùng cha khác mẹ, thì lại càng bị xua đuổi.

Hương sắp xếp lại khu vườn, trồng toàn bộ hoa hồng. Cô cười: “Tôi yêu tất cả các loài hoa, nhưng vẫn yêu hoa hồng một cách đặc biệt. Vậy nên tôi tìm tòi, nghiền ngẫm kỹ các loại hồng, để mong có thể hiểu, gần gũi, giao tiếp trong suốt vòng đời của hoa hồng”. Hương cung cấp hồng, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Nếu khách hàng trong thành phố có yêu cầu, Hương đến tận nhà họ để tiếp tục chăm sóc. Cô bảo, coi như vẫn luôn bên cạnh những đứa con tinh thần của mình. Vườn hồng là niềm vui, hạnh phúc, là người thân của cô. “Bởi khi mới biết mình bị bệnh, điều đầu tiên tôi sợ đó là trong những ngày nằm viện điều trị, tôi sẽ xa vườn hồng. Và cả sau này…”- Hương bỏ nửa chừng câu nói, nhưng lại “điền” vào một nụ cười. Cô bảo, sau những ngày hoảng loạn, cô quyết định chấp nhận thực tại và chiến đấu với căn bệnh. “Chiến đấu dũng cảm lắm mới cười được như này”. Lại cười.

Điện thoại Hương có tin nhắn facebook. “Chị đã chuẩn bị xong bánh trái. Phần em sách vở tặng bọn trẻ chuẩn bị đến đâu rồi, để cuối tuần này xuất phát”. Hương bảo, đó là nhóm trưởng của nhóm thiện nguyện mà Hương đồng hành nhiều năm qua, từ lúc cô chưa bị bệnh. Nhóm cô thường mang quà đến, đặc biệt, dành thời gian chơi đùa, tắm rửa, chuyện trò với những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật…, đang sống nương nhờ trong những ngôi chùa. Cũng có lúc nhóm đến với các cụ già neo đơn, bệnh tật. Cũng dành thời gian ở cạnh, chuyện trò và đôi khi nấu bữa cơm cùng ăn, để các cụ phần nào đó cảm giác có tình thân con cháu, bớt cô đơn. Hương bảo, mấy chị trong nhóm chưa bao giờ coi Hương là người bị bệnh, nên cô đương nhiên phải khỏe, để làm những điều mà mình trân trọng, yêu thích.  

Facebook lại “ting, ting”. Hương bỏ dở câu chuyện, bấm bấm một cách rất chăm chút. “Bạn thật tốt bụng. Cảm ơn bạn đã cứu chữa và cho bé một mái nhà hạnh phúc. Cầu chúc bạn gặp những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống”. Thì ra Hương comment (bình luận) bên dưới bài đăng của một người. Người này đã cứu chú chó ghẻ lở bị chủ cũ cột bao vứt ở bãi rác. Tôi hỏi: “Người quen à?”. Hương: “Lần đầu tôi “gặp” bạn đó trên facebook”. Nhưng lòng yêu thương xứng đáng được nhận những tình cảm, lời nói chân thành và đẹp đẽ. Bạn cũng nhớ bày tỏ lòng biết ơn đến những điều tốt đẹp nhé”.

Tôi cầm ly bia mãi trên tay mà không uống thêm ngụm nào. Phải chăng bày tỏ lòng biết ơn và làm những điều để tiếp nối yêu thương là liều thuốc ngọt ngào khiến một người bị mắc căn bệnh hiểm nghèo có được một trái tim khỏe mạnh đến thế. Tôi chợt thấy nỗi buồn của tôi trở nên vô vị. Vậy tại sao tôi lại uống những giọt đắng chẳng đáng?

“Sao không hỏi tôi vì sao một mình đến quán nhậu ồn ào này”? Hương cười: “Vì sao đến đây hẳn bạn có lý do riêng. Nếu bạn chia sẻ, tôi sẵn sàng lắng nghe. Nếu bạn không muốn nói, tôi cũng tôn trọng điều đó. Nhìn bộ dạng bạn thế này, chắc đang gặp điều không như ý. Thì bạn cứ “xõa” đi. Nhưng ngày mai phải trưng ra nụ cười thật tươi nhé. Ngày mai, tôi mời bạn đến vườn hồng của tôi. Hôm kia nữa thì tôi vào nhập viện lại để tiếp tục liệu trình truyền hóa chất.

Tôi trả lời Hương bằng cách chìa bàn tay ra. Hương nắm chặt tay tôi, như thể hai đứa từng thân thiết, mới gặp lại nhau. Mà quả thực, cô gái với mái đầu trọc, với hình xăm bông hồng ngang tàng trên cánh tay và cú đá lông nheo hóm hỉnh, tôi vừa “bắt quen” đã thấy gần gũi. Cảm giác gần đến nỗi tôi hình dung ra vườn hồng của Hương. Và người con gái mạnh mẽ, tràn ngập yêu thương ấy chính là bông hồng đẹp nhất.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top