ClockChủ Nhật, 01/08/2021 21:29

Giá của sự thật

Sau lễ kỷ niệm ngày thành lập trường, quan khách được mời ở lại liên hoan nhưng Cương lặng lẽ tách ra, đi về phía làng quê đã một thời gắn bó. Với anh, trong ba năm học sĩ quan lục quân, những ngày dã ngoại ở nhà dân để học chiến thuật là thích nhất. Sau ngày ra trường, anh hay nhớ về những bà con luôn sẵn lòng giúp đỡ người lính; hơn cả nỗi nhớ là những khi anh nghĩ về người con gái làng Ngũ Mỹ. Lần này trở lại trường cũ sau hai chục năm, điều anh nung nấu chính là tìm gặp người con gái tên Liên ấy.

Quê xưa nay đã là phố, thay cho lối nhỏ là đường bê tông dẫn đến từng nhà, anh ngơ ngác bởi tiếng nhạc xập xình từ quán cà phê bên đường thay cho tiếng chim trong vòm lá ngày nào. Cương tần ngần rồi cũng lần đến nơi đang nóng lòng trở lại. Dấu xưa là hai cây dừa mới trồng trước ngõ ngày nào, nay đã chót vót cùng mái nhà ngói cha mẹ Liên dành cho những người lính sinh hoạt nay khép nép bên ngôi nhà đúc cao tầng. Chỉ vậy thôi, còn thay đổi tất, kể cả chủ nhà.

Tiếp Cương không phải người được chờ mong mà là ông cụ chắc tầm tám mươi. Anh hồi hộp, hỏi thăm người thân một thuở, bỗng thất vọng khi nghe: “Trước khi cả nhà chuyển lên Tây Nguyên, cha mẹ Liên bán cơ ngơi này cho tôi, đã 20 năm rồi”. Nỗi buồn chợt đến, anh lặng trong chơi vơi. Thấy khách có vẻ sốt ruột, gia chủ kể tiếp: “Cũng bởi đứa con gái duy nhất chửa hoang mà cha mẹ Liên phải rời nơi chôn nhau cắt rốn”. Cương giật mình, nhìn chủ nhà, há hốc. Lời chủ nhà làm anh càng bối rối: “Liên vẫn quyết giữ đứa con dù không chồng, không tiền bạc và việc làm; cha mẹ cô thì cúi mặt trước những lời thị phi. Thế là họ rời làng như trốn chạy”.

Chuyện xưa tưởng đã nhạt nhòa bỗng quay về. Cương nhớ, phải đến lần dã ngoại cuối cùng trước khi ra trường, anh mới biết Liên thương mình. Cô chủ nhỏ đâu đã “tìm chồng giữa chốn ba quân”, cũng chẳng phải hình ảnh oai phong của người lính mà chính tiếng đàn đã làm trái tim non loạn nhịp. Mỗi lần sinh hoạt trung đội tại nhà Liên, anh ôm ghi-ta đàn hát say sưa, đâu hay người con gái đôi mươi lén nhìn qua khe cửa. Cương bất ngờ đến sững sờ nghe Liên tỏ tình, dẫu cô biết anh đã có vợ. Anh phập phồng lo sợ, trong khi Liên rạng rỡ ngời ngời. Trước ngày chia tay, họ có đêm trắng bên nhau và cái gì đến đã đến. Ra trường, Cương sang nước bạn, mấy lần viết thư cho Liên nhưng chẳng được hồi âm. Hóa ra, những lần anh chuyển đơn vị và gia đình Liên rời làng khiến hai người lạc nhau.

Giật mình nhận ra sự trùng hợp, Cương bồn chồn. Anh lật qua lật lại tờ giấy ghi địa chỉ của Liên do ông cụ chủ nhà đưa, bần thần. Tới ngã ba Ninh Hòa, thay vì tiếp tục đi thẳng về đơn vị, anh đột nhiên bảo lái xe rẽ vào Quốc lộ 26 lên Tây Nguyên. Đường vắng, xe lướt êm ru, nhà cửa cây cối bên đường loang loáng chạy lui nhưng anh vẫn thấy chậm.

Sau giây phút bàng hoàng, hai người ngồi lặng bên nhau. Thời gian lùi xa đã cho họ lấy lại thăng bằng của lòng mình, khoảnh khắc ngọt ngào xa xưa không đủ sức khuấy động bình yên hiện tại. Vẫn chuyện trò nhưng Cương lặng lẽ ngó quanh; không thể nén lòng, anh cất tiếng thăm dò: “Em sống với ai?”. Lời đáp nhỏ nhẹ: “Với con nhưng thằng bé đang đi học xa”. Anh hồi hộp: “Học gì?”. “Bách khoa năm hai, anh”. Nói rồi, Liên xoay người chỉ ảnh chàng trai cười rạng rỡ treo cạnh tấm lịch trên tường: “Nó đấy”. Cương ngó sững, không chớp mắt. Thằng bé giống anh quá, giống đến kinh ngạc! Lâu sau, anh quay sang Liên, giọng run run: “Sao em không tìm cách liên lạc và cho anh biết?”. Đáp lại là lời buồn rời rạc: “Em từng định thế, nhưng sợ thằng bé xuất hiện khiến anh khó xử và biết đâu làm đảo lộn sự yên ấm gia đình anh”.

Nhiều ngày liền, hình ảnh đứa con chấp chới trong anh, cả trong giấc ngủ. Cương tìm gặp con; phải sau hai lần hồi hộp đứng xa nhìn nó bước ra từ phòng trọ, anh mới rụt rè lại gần và ngập ngừng lên tiếng. Chắc đã được mẹ báo trước nên thằng bé không quá ngạc nhiên, nhưng vẫn chưa mở lòng đón nhận tình cảm của cha. Nhìn vẻ ngơ ngác cùng nét mặt phảng phất buồn của nó khi nghe gọi “con”, anh đau lòng. Anh cho tiền, ép gì nó cũng không nhận. Chẳng dám trách con, anh lặng lẽ và kiên trì đến với nó, cả năm liền. Khi thằng bé đồng ý cho ba lắp máy điều hòa trong phòng trọ nóng như lò sấy và ngồi lên xe để ba chở đi chơi, anh mừng suýt khóc.

Cương biết, bổ sung danh tính đứa con ngoài giá thú vào hồ sơ cá nhân sẽ tự làm khó mình trên bước đường công danh. Chẳng là, anh đang rất gần chiếc ghế chỉ huy trưởng đơn vị mà nhiều người dòm ngó. Đã vậy, thừa nhận đứa con ấy cũng đồng nghĩa lộ sáng mối quan hệ trong tối ngày xưa; đó sẽ là vết đen để anh nhận điểm trừ, thẻ đỏ. Ý nghĩ ấy thoáng qua rồi anh nắn nót ghi tên con vào tờ khai bổ sung hồ sơ của mình. Và rồi, không ngoài dự đoán, cửa đi lên đột nhiên sập xuống, tên anh bị rút khỏi danh sách đề nghị bổ nhiệm. Cấp trên vỗ vai anh, động viên: “Quy định như thế, không khác được, cậu ạ”.

Khó hơn nhiều là khi Cương nói với vợ về đứa con ấy, ngần ngừ mãi mới lên tiếng được. Anh mở đầu bằng những lời van lơn hơn là tâm sự “em hết sức bình tĩnh”, “hãy thông cảm cho anh”… rồi hồi tưởng bằng giọng rời rạc, đứt đoạn. Cương bối rối trước cái nhìn sững sờ, chết lặng của vợ. Lắp bắp một hồi rồi chị lập bập hỏi lại. Sau cái gật đầu xác nhận của chồng là tiếng khóc không thể kìm nén của vợ. Anh cúi gằm, co rúm trước lời oán thán đẫm trong nước mắt. Chờ vợ hả giận, anh từ tốn: “Chuyện đã rồi, em nói gì anh cũng chịu. Nhưng anh không thể khép lòng ngoảnh mặt trước cốt nhục của mình.”

Không khí trong nhà như đông lại trong băng giá. Anh xoa dịu vợ bằng cách hết giờ làm việc là về đón con, phụ giúp việc nhà, chẳng la cà nhậu nhẹt như trước; đến bước chân lời nói cũng khẽ nhẹ khác thường. Anh vội mừng bởi tưởng vợ xuống thang, khi nghe: “Anh có thể nhận con nhưng chỉ trong nhà biết thế thôi”. Anh bảo, việc này đã báo cáo đơn vị. Vợ chưa hết ngạc nhiên thì chồng nói rằng sẽ xin phép mẹ thằng bé làm lại giấy khai sinh để nó mang họ cha và đề nghị hội đồng gia tộc ghi tên nó vào gia phả dòng họ. Thế là “chiến tranh đơn phương” lại bùng nổ, với cấp độ cao.

Chắc anh tiếp tục nhún nhường cho đến khi chị nguôi ngoai chuyện vợ nọ con kia nếu không tình cờ nghe vợ nói chuyện với luật sư qua điện thoại. Nghe lõm bõm rồi chắp nối lại, anh hiểu vợ muốn biết việc phân chia tài sản cho con ngoài giá thú. Mở máy tính dùng chung của nhà, anh thấy chị vào mạng tìm hiểu quyền con riêng của chồng trong thừa kế của cải. Hóa ra, vợ đâu chỉ lo tình cảm bị chia sẻ mà còn sợ gia tài sứt mẻ. Anh lắc đầu, chua chát.

Vợ đâm đơn ly hôn, có vẻ nắn gân hơn là quyết liệt nhưng chồng chẳng đọc, ký luôn. Chị ngạc nhiên và ngạc nhiên hơn khi anh để toàn bộ tài sản cho hai mẹ con. Bởi con trai mười lăm tuổi muốn sống với mẹ nên sau phán quyết của tòa, anh thu dọn quân tư trang, vào nhà công vụ đơn vị.

Nghỉ hè, Cương bảo Liên đưa con tới chơi. Anh gọi lần thứ hai, chị mới nhận lời. Thằng bé nói chuyện với ba một lúc rồi xin phép ra phố, như có ý để ba mẹ được tự nhiên. Chị rụt rè ngó quanh: “Chị nhà đâu anh?”. Anh giả lơ, lật đật đi lấy nước và trái cây. Nghe Liên hỏi lại, Cương nói khẽ:“Anh ở một mình”. Trước ánh mắt ngạc nhiên, anh không thể lảng tránh, đành trải lòng.

Nghe xong, Liên xót xa: “Không ngờ chuyện xưa làm anh khổ đến vậy”. Ngược lại là lời anh rắn rỏi: “Trả giá cho sai lầm của mình để được sống thanh thản thì cũng đáng lắm chứ”. Bất chợt anh hạ giọng, bùi ngùi: “Em đã đánh đổi bao thứ, kể cả danh dự để được làm mẹ. Anh lẽ nào là người cha vô cảm, ích kỷ”. Họ nhìn nhau, mắt buồn nhưng trên môi là nụ cười tê tái.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn

Chiều 19/1, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Cùng tham dự có có Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn
Ánh sáng lặng thầm

Ông nội tôi ốm, phải nằm viện huyện. Năm ấy, tôi học lớp 9. Nghe tin, buổi chiều tan học, tôi đạp xe gần 10 cây số vào viện thăm ông. Mặt trời mùa hè buông ánh nắng vàng nhạt, con đường nhỏ dẫn vào bệnh viện loang lổ bóng cây. Khi rẽ vào đường mòn, tôi húc phải đống đá ai đó đổ tràn ra đường. Cú ngã đau điếng khiến tôi bật máu ở đầu gối, chiếc quần cũ rách lỗ chỗ. Tôi hì hục lắp lại chiếc xích xe bị tuột, tay dính dầu đen nhẻm.

Ánh sáng lặng thầm
Lời xin lỗi muộn màng

Sáng nay trời trở rét, mưa phùn lất phất. Từ đêm qua, gió mùa đã tràn về, mang theo hơi lạnh đặc quánh. Sau những ngày nắng đẹp đón Tết, hôm nay trời lại chuyển lạnh, như mùa đông chưa chịu rời đi dù mùa xuân đã về. Nhưng nghĩ đến cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè sắp đến ở miền Trung, Hoàng lại cảm thấy cái lạnh này thật đáng giá biết bao.

Lời xin lỗi muộn màng
Mùa hiền ngoan

Cuối cùng chiếc áo ấm cất trong góc tủ cũng được mẹ lấy ra. Rõ ràng mùa đông đã đi qua hơn một nửa nhưng trời vẫn còn hiền ngoan lắm. Cho đến vài hôm trước, khi cơn mưa liên tục kéo dài mấy ngày liền, vậy là hương vị mùa đông bắt đầu ùa vào gian bếp của mẹ.

Mùa hiền ngoan
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top