ClockChủ Nhật, 30/06/2024 11:55

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

TTH - Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế Triển lãm ảnh tư liệu và giới thiệu sách về Đại tá Hà Văn Lâu

Tác giả bài viết (bên phải) cùng nữ thi sĩ Châu Thu Hà 

Xưa nay, không phải ai yêu nhau đều đến được với nhau. Có cả trăm lý do khiến họ phải chia tay. Những cuộc tình như thế thường để lại “vết thương lòng”. Cuộc tình càng sâu nặng thì “vết thường lòng” càng dai dẳng theo thời gian. Đúng như Tố Hữu từng nói, đại ý “thơ là một điệu hồn” và “điệu hồn” ấy tìm gặp “những tâm hồn đồng điệu”. Đọc hai dòng lục bát trong bài “Cõi tôi” chắc chắn không ít người giật mình, tưởng chừng như nữ thi sĩ nhìn thấu tâm can mình vậy:

Chén này cạn hết đi tôi

Uống đi mà trút những lời ruột gan

Độc ẩm (uống rượu một mình) đâu chỉ dành cho giới mày râu. Phái đẹp cũng có đôi nàng tìm đến rượu để giải sầu. Chính nhờ men rượu mà Châu Thu Hà mới có thể “trút” được “những lời ruột gan”. Đây là hai câu thơ chỉ cần đọc một lần là găm vào trí nhớ.

Mấy ai trên thế gian này đau tình như tác giả “Nhận mặt thời gian” đau: Mơ về một cõi trăm năm/ Giật mình tỉnh giấc/ đau cùng chiêm bao (Xin thưa). Đó là nỗi đau thường trực, là nỗi đau lặn sâu vào tiềm thức. Bởi vậy nên lúc đang đứng một mình tận mũi Cà Mau, Châu Thu Hà:

Nghe mưa rớt ở bên đời

xòe tay

đếm

những giọt rơi

giao mùa

(Mưa đất Mũi)

Với lối thơ xuống dòng thay cho ngắt nhịp bằng dấu phẩy, tác giả như diễn tả từng giọt nước mưa đang rơi. Có thể chị đếm mưa để tưởng nhớ? Cũng có thể chị đếm mưa để cố xua nỗi buồn xa cách người yêu? Đó là những câu thơ chứa đầy tâm trạng.

 Bìa tập thơ “Nhận mặt thời gian” của Châu Thu Hà

Không chỉ đếm mưa rơi, những khi mùa đông đến, Châu Thu Hà còn “gom lá khô quanh nhà”, “ôm chăn đơn, gối chiếc” để “ủ tro tàn hong ta”. Chẳng biết đống tro tàn trong bài thơ “Cho người” có “hong” được trái tim lạnh giá của chị không? Chỉ biết vào những lúc cô đơn như vậy, chị vẫn thường hờn dỗi với người mình yêu: Thôi đừng đong đếm người ơi/ Thương chi một chiếc lá rơi vô tình… (Đong đếm). Chị cảm thấy mình còn mắc nợ với người ấy nhiều lắm: Nợ anh những nụ hôn liều/ Trong lòng núi lửa như thiêu đốt mình (Nhớ Lý Sơn). Chị vẫn còn “Kỳ vọng” ở người ấy nhiều lắm: Chỉ muốn vùi vào nhau trong từng khoảnh khắc/ Bao tủi hờn hạnh phúc nhỏ nhoi. Cho dù xa cách, chị vẫn dành hết tình cảm cho người ấy: Hình như mùa đi rất vội/ Chỉ em - riêng dành anh thôi (Gọi xuân). Chị hình dung, tưởng tượng người ấy luôn ở bên cạnh chị: Dang tay là chạm giấc mơ/ Nghe hương tóc rũ xuống bờ môi nhau (Đảo vẫn an bình). Giấc mơ mà cũng có thể chạm được mới lạ.

Nhớ quá không chịu nổi, Châu Thu Hà “xăm xăm băng lối”:

Bước trở về như một thói quen

Em đi tìm lại

Tháp lặng im và con đường xa ngái

Cất giấu ngăn nào

Những khoảng lặng trong tim?

(Thu ở Mỹ Sơn)

Với những vùng đất chưa có dịp quay trở lại, Châu Thu Hà ngồi trầm ngâm hồi tưởng. Đó là Cửa Lò: Nơi mình gặp gỡ/ Để thương nhớ hoài không thôi; đó là Nam Đông: “rừng trong xanh và nắng ngọt ngào” nơi “mình từng có nhau”; đó là Đà Lạt: người đi mấy độ sương sa/ len trong nỗi nhớ vàng hoa dã quỳ… Động từ “len” trong câu thơ này thuộc loại “nhãn tự” (từ có mắt) làm cho màu hoa dã quỳ trong tâm thức nhân vật trữ tình càng thêm tươi đẹp. Thơ Châu Thu Hà thỉnh thoảng xuất hiện những từ “độc lạ” như thế.

Và đây là những lời chị nhắn gửi với thành phố Đà Nẵng thân thương:

Đà Nẵng trong em là nỗi nhớ

âm thầm

Là nắng mưa vẫn chờ nhau

khắc khoải

Đêm Mỹ Khê nồng nàn gió thổi

Sông Hàn như một vòng tay

Gió không tự dưng mà “nồng nàn”, sông Hàn không tự dưng mà được so sánh “như một vòng tay”. Điều đó lý giải vì sao chị âm thầm nhớ và khắc khoải chờ đến như vậy.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ từng dí dỏm: Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi vẫn chi chi với tình. Còn Xuân Diệu thì quả quyết: Làm sao sống được mà không yêu! Tình yêu là đề tài muôn thuở. Điều khiến tôi hết sức khâm phục khi đọc thơ tình của Châu Thu Hà là chị bộc lộ tình cảm một cách chân thành, nồng nàn, say đắm. Phụ nữ (đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình) làm thơ tình là điều không dễ chút nào. Họ phải bản lĩnh và can đảm lắm. Họ đã nói hộ cho triệu triệu phụ nữ đã yêu và đang yêu trên cõi đời này nhưng không dám thổ lộ.

Riêng tôi, mỗi lần rơi vào trạng thái chán chường, tôi lặng lẽ nâng chén rượu quê và đọc thơ Châu Thu Hà:

Chén này uống hết đi tôi

Uống đi mà trút những lời ruột gan.

Mai Văn Hoan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”

TIN MỚI

Return to top