ClockChủ Nhật, 31/07/2022 06:31

Chuyện gì cũng qua…

Trong âm thanh dịu nhẹGõ cửa, cửa không mở

Tuổi nào thì hết chênh vênh? Sa tự hỏi mình thế lúc địu con từ nhà ngoại về. Đường đê hun hút gió, xe chầm chậm trôi đi giữa màn đêm đen đặc và những luồng đèn pha của xe cộ ngược chiều thỉnh thoảng lướt qua. Đứa lớn sáu tuổi ngủ gật sau xe, Sa đã cẩn thận níu con bằng sợi dây địu buộc thắt ngang người mình. Đứa nhỏ ngồi lên chốc chiếc ba lô ở phía trước, chỗ để chân của xe Lead cũng đã ngủ tự lúc nào. Lòng Sa thì nặng trĩu bởi hình ảnh khuôn mặt nhàu nhĩ lo toan, nhợt nhạt đau ốm của mẹ.

Ở tuổi này, khi đã đi qua quá nửa đời người mẹ vẫn phải oằn mình lo toan tiền bạc. Chưa bao giờ Sa thấm thía hai từ “lạm phát” đến thế. Ngay cả khi xách túi đồ từ chợ về nhà Sa than với chồng: “Đi chợ mà cứ như đánh rơi tiền”. Đồng lương công nhân của chồng cầm chưa ấm tay đã hết. Nhưng dẫu sao tụi Sa còn trẻ, còn xoay xở được. Chỉ những người già như bố mẹ Sa là không biết phải co kéo thế nào. Bố đã ngoài sáu mươi không còn đi phụ xây đây đó khắp nơi được nữa. Mà thật ra lần nào đi làm người ta cũng nợ tiền, chẳng bao giờ trả cho bố đủ. Mẹ thì quanh quẩn với rừng ruộng, chăn nuôi. Khổ cái phân đạm, cám bã thì đắt chứ sản phẩm nông dân làm ra luôn bị ép giá. Mẹ ốm đau hoài, đi khám khắp bệnh viện xa gần, thuốc thang bịch to bịch nhỏ không khỏi được. Sau COVID-19, mẹ bị viêm phổi, bệnh tưởng chừng không nặng nhưng dai dẳng mãi. Từng cơn ho hen trong đêm khiến nhiều hôm mẹ không thở nổi. Chưa kể đến căn bệnh dạy dày, xương khớp, đau vai gáy hành hạ mẹ suốt nhiều năm nay.

Con gái Sa tình cảm lắm. Trước lúc ngủ thường thích nghe những bài hát hay về mẹ. Có lần nghe bài hát “ước mơ của mẹ” con dụi đầu vào ngực Sa hỏi:

- Thế ước mơ của mẹ là gì?

- Mẹ ư? Mẹ thì nhiều ước mơ lắm con gái à. Nhưng ước mơ lớn nhất là làm sao kiếm được nhiều tiền lo cho ông bà và các con được đủ đầy.

- Con biết rồi nhé. Có phải ước mơ của mẹ nằm trên bảng điện nhấp nháy xanh, đỏ, tím, vàng đấy đúng không ạ?

Sa cười. Nụ cười méo mó trong đêm tối chắc con gái không nhìn thấy được. Cái số Sa đen đủi đủ đường. Hai vợ chồng lấy nhau, sinh con đầu lòng rồi ra ở riêng. Có ít tiền tích cóp, vay mượn thêm mua một căn nhà nhỏ. Nợ nần chưa vơi bớt bao nhiêu thì bàn nhau vay vốn hùn tiền làm ăn cùng bạn. Ai ngờ cửa hàng mở chưa được bao lâu thì dịch ập đến. Cố gắng trụ lại lay lắt mãi cũng không nổi đành thanh lý thu hồi vốn. Hết dịch, chồng Sa xin vào khu công nghiệp làm. Sa cũng xin làm kế toán cho công ty gần nhà. Công việc lương thấp nhưng được cái không gò bó thời gian để tiện việc đưa đón hai đứa con đi học. Nhưng Sa không muốn an phận, đầu óc lúc nào cũng tính kế làm ăn. Nghe mấy chị bạn thân rủ rê đầu tư chứng khoán “cũng được lắm”. Vào công ty cũng thấy người này người kia chơi chứng khoán. Sa cũng muốn thử xem sao, biết đâu học hỏi được nhiều điều, trời thương lại có đồng ra đồng vào đỡ đần bố mẹ. Vừa tham gia đã thấy đủ các nhóm mời chào hỗ trợ. Sa vào nhóm của một cu cậu còn trẻ, nhiệt tình, lễ phép. Thời gian đầu mua bán có lãi, Sa vui lắm. Càng chơi càng ham, vợ chồng bảo nhau vay mượn thêm đổ vào chứng khoán. Đâu ai ngờ ngay sau đó thị trường chứng khoán có cú sập mạnh nhất thế giới. Sa rơi vào quãng thời gian tồi tệ. Khi nhìn tài sản của mình bốc hơi trong từng phiên giao dịch. Bán thì chịu lỗ mà để thì giày vò tâm trạng khủng khiếp. Sơn đọc đâu đó có người tự tử vì thua chứng khoán vội vàng bảo vợ:

- Tiền mất còn làm lại được. Nghĩ nhiều ốm ra đấy không ai chăm con đâu em ạ.

- Nhưng nợ nhiều quá, riêng tháng này bị đòi hơn trăm triệu. Em chưa biết xoay xở thế nào.

- Đến đâu lo đến đó. Cùng lắm là cắm sổ trả nợ.

Sa trút tiếng thở dài, nhìn cây cỏ ngoài vườn xanh đến vô cùng lòng tự nhiên dịu lại. Chị bạn thân mới mất ba, thỉnh thoảng gọi cho Sa chỉ để kể về ký ức của mình. Mà cũng không hẳn là ký ức. “Như thể bố chị còn đây. Nhìn chỗ nào trong nhà cũng thấy bố. Bố ngồi đọc báo trên ghế sofa, chơi với con mèo ngoài hiên, cắm cúi một mình trên sân thượng chăm cây cối. Chị ân hận vì lúc bố còn sống, chị cứ mải mê công việc. Cứ bảo cố kiếm được nhiều tiền đưa bố đi chỗ này chỗ kia. Vậy mà… không ngờ lại đưa bố đi đoạn đường cuối cùng ra nghĩa trang. Lúc này mới thấm tiền bạc có ý nghĩa gì đâu”. Đứa bạn thân có đêm gọi cho Sa chỉ để khóc. Mẹ bạn mất đã mấy năm rồi, nhưng nỗi đau vẫn còn mới nguyên. Bạn bảo: “Tớ buồn không phải vì đủ thứ khó khăn, đau khổ. Đời là bể khổ tránh sao trầm luân. Tớ buồn là vì lúc mình yếu đuối nhất, cơ cực nhất không có nơi nào để trở về. Cậu còn bố, còn mẹ là hạnh phúc nhất đấy, biết không?”. Những ngày buồn bã nhất Sa vịn vào những gì mình có để bớt chênh vênh.

Có ngày trở về nhà mệt nhoài, Sa nhìn căn bếp và tự hỏi: mình sẽ yêu nó bằng cách nào? Đứa con nhỏ đòi bóc giúp mẹ túi trứng cút, nhặt giúp mớ rau. Sa mở toang cánh cửa sổ sau bếp, nghe lũ chim ríu rít ngoài vườn rau sau nhà và tiếng con gái hát líu lo. Nhận từ tay con cốc nước mát lấy trong tủ lạnh, uống một hơi, thấy tỉnh táo hơn nhiều. Mình sẽ yêu bếp bằng mùi vị, Sa nghĩ thế lúc đi đong gạo nấu cơm. Tiếng gạo kêu làm Sa nhớ đến những năm thơ ấu, đói nghèo. Khi ấy, không có âm thanh gì khiến mẹ vui bằng tiếng gạo trút vào nồi. Lúc ấy cả làng đói chứ chẳng riêng ai. Mẹ vay chỗ này đắp đậy chỗ kia. Mấy anh em tôi đi học kỳ nào cũng chậm tiền học phí. Mẹ nghèo là vậy nhưng luôn vui vẻ. Mẹ đi làm đồng về, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Vừa buông cuốc xuống, mẹ vội vàng vào bếp nấu cơm. Mẹ hay hát lắm, tôi chỉ còn có thể nhớ được giai điệu thánh thót, vút cao. Tiếng hát như xuyên qua mái bếp lợp bằng lá cọ, bám bồ hóng đen sì. Tiếng hát theo cột khói bay lên trời thẳm, xua tan cái nắng nóng, oi bức và cơn đói bụng cồn cào của mấy đứa con thơ.

Tôi leo lên cây ổi sau bếp, nằm trên chãng ba chờ tiếng cơm sôi. Mùi cơm độn sắn phả ra thơm lắm. Một lúc sau nồi tép kho tương cũng dậy mùi. Thêm nồi canh hến nấu chua nữa là ngon hết sảy. Tôi nằm ngóng ra con đường quanh co, khúc khuỷu trước nhà chờ một bóng người quen thuộc. Chỉ ít phút sau sẽ thấy dáng người đàn ông dướn người đạp xe lọc cọc lên dốc. Thằng út reo: Bố về! Bố về. Mâm cơm nhanh chóng được dọn ra. Tôi ra ngoài sân mở vại cà mẹ muối hôm trước xem đã chua chưa. Rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm, mùi tro bếp còn dính trên nắp nồi theo gió bay vòng vòng trước mặt. Dù ăn bữa nay lo bữa mai. Dù trên chiếc áo lao động sờn vai của bố vẫn còn dính vôi vữa. Dù có vài khoản nợ cần phải trả trong vài ngày tới. Thì mẹ vẫn không để lộ lo lắng ra ngoài. Bữa cơm nào cũng đầy ắp tiếng cười, dẫu trong bát phần sắn độn bao giờ cũng nhiều hơn cơm trắng.

Đang miên man trong dòng ký ức thì tiếng con gái khiến Sa giật mình. “Con ngửi thấy mùi gì khét mẹ ơi”. Vội vàng tắt bếp, Sa ngó đồng hồ thấy sắp đến giờ chồng tan ca. Nhiều ngày nay kể từ khi thua lỗ chứng khoán gần như chẳng lúc nào Sa vui vẻ. Không khí trong gia đình cũng vì thế mà nặng nề. Chồng con thường phải nhìn sắc mặt của Sa để dè dặt vui cười. Giờ Sa chợt nhận ra, mình vẫn còn may mắn hơn biết bao nhiêu người ở ngoài kia. Nợ vẫn có thể làm để trả. Có mái nhà để trở về. Có vòng tay ấm áp của chồng con lúc nào cũng bao dung cho buồn vui của chị. Sa muốn tin khó khăn chỉ là thử thách tạm thời, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Sa sẽ trở lại là một người phụ nữ đầy năng lượng. Sẽ lại cố gắng như chưa từng vấp ngã. Tự nhiên Sa nhớ tới lời của sư ông Làng Mai “ngồi thật vững chãi, chuyện gì cũng qua”. Giống như sau đợt sụt giảm mạnh chứng khoán sẽ hồi phục. Sau những mất mát trong mùa dịch, sự sống sẽ hồi sinh.

Sa búi cao tóc, vội vàng nấu nốt bữa cơm chiều cho kịp giờ chồng về. Mùa hè thường tối chậm. Sáu giờ chiều mà vẫn còn chút nắng hắt qua song cửa. Gió từ phía cánh đồng thổi đến, thơm mùi lúa non. Sa gọi video về cho mẹ. Trong căn bếp thân thuộc mẹ khoe mới mua được con cá sông ngon lắm, đang mang kho riềng. Mẹ nói mấy đêm nay đã đỡ ho hen “chắc thuốc thằng cả gửi về uống hợp”. Tiếng bố đang quét loẹt quẹt sau hè cũng đủ khiến lòng Sa nhẹ nhõm. Sa tắt máy vừa lúc tiếng xe của chồng dừng ngoài cổng. Chị giục con:

- Mấy đứa tắm rồi ăn cơm nhanh, tối nay nhà mình đi công viên chơi nhé.

Tụi nhỏ nhảy cẫng lên vui sướng. Tiếng bước chân chúng chạy uỳnh uỵch trên từng bậc cầu thang. Sa ra cửa đón chồng, thấy thương cả mùi mồ hôi trên chiếc áo công nhân bụi bặm...

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top