ClockChủ Nhật, 10/09/2023 12:41

Cây Kơ nia trên đỉnh đồi

TTH - Tiếng gà rừng gáy vang cả núi đồi. Những cơn gió mang theo sương núi lùa vào phòng, đánh thức Lan. Cô không tài nào ngủ thêm được nữa.

Sinh nhật của LinMón quà

Lan đẩy hai cánh cửa gỗ, bước ra ngoài. Trước mặt cô là mây núi cuồn cuộn từng lớp như sóng biển. Sương đêm đẫm ướt cả cây cối, mặt đất. Lũ gà rừng về kiếm trong sân trường, thấy người chúng dáo dác chạy sâu vào núi.

 

“Sao dậy sớm vậy, nhớ nhà hở?”, Hòa - cô bạn đồng nghiệp hỏi.

Lan không nói gì. Cô đi ra gốc cây trước sân ngước cổ nhìn ngọn, sương rớt vào mặt. Cô đi quanh, sờ vào gốc cây sần xù.

“Đây là cây gì nhỉ?”, Lan hỏi.

“Cây Kơ nia đấy”.

“Phải không?”, Lan hỏi với giọng nghi ngờ.

“Hên xui. Thấy có bài hát bóng cây Kơ nia nên đặt tên vậy”, Hòa đáp với giọng tinh nghịch, rồi kéo bạn vào nhóm lửa.

Cả hai ngồi quây bên chiếc bếp được kê bằng những cục đá cuội. Lửa bén vào củi, nổ lách tách rồi bùng mạnh lên. Cái lạnh đỡ đi phần nào.

Lan ngồi nhìn ra khung cảnh qua chiếc cửa. Mây núi vẫn cứ cuồn cuộn. Khung cảnh hùng vĩ, đẹp nhưng nó khiến Lan cảm thấy sờ sợ. Cô nhìn từng đám mây dày đặc trôi, rồi cứ nghĩ vẩn vơ trong đó như chất chứa một cạm bẫy gì.

Lan người thành phố. Học xong sư phạm, gia đình xin vào dạy cho một ngôi trường cạnh nhà. Lan không thích. Cô muốn đi đâu đó thật xa. Lan lảng tránh những lời khuyên của người thân.

“Con sẽ đi lên miền núi dạy cho học sinh”, một đêm ngồi trước hiên nhà, Lan nói với mẹ.

“Con suy nghĩ cẩn thận chưa? Cực khổ lắm con à”, mẹ Lan chỉ nói lại có vậy.

“Mẹ yên tâm, có bạn con trên đó. Con lên vài năm rồi sẽ về mà. Thay đổi môi trường sống tý thôi”, Lan đáp lại.

“Ừ! Tùy con vậy. Nhưng đi đâu, làm gì cũng cẩn thận”.

Mắt đăm chiêu nhìn ra biển mây trước mặt, Hòa thúc một cái vào hông làm cô giật bắn người. Tiếng mẹ dặn vẫn còn văng vẳng bên tai.

Cô đứng dậy đi theo bạn. Mây tan đi nhiều lộ ra những ngọn núi sừng sững. Gốc cây trước trường hiện rõ hơn, thân lớn hai người ôm, ngọn cao vót đâm thẳng lên trời. Ở lưng chừng cây, người ta làm một cái móc rồi treo lá cờ Tổ quốc.

“Ê, lại đây giúp một tay, nhanh”, Hòa gọi lớn.

“Gì đó?”.

“Mang bó củi này vào trong bếp, nhỡ tý mưa xuống ướt lấy gì đun”, Hòa vừa nói vừa kéo bó củi to đùng phía dưới thửa đất trống. Cả hai vật lộn một lúc mới đưa được bó củi vào. Lan đứng thở dốc, chiếc áo lấm tấm mồ hôi.

“Trời, có tý mà thở lắm mày. Vậy mà cũng đòi lên đây dạy”, Hòa trêu chọc.

“Kệ tau”, Lan nhoẻn miệng cười rồi đi vào bếp lo bữa sáng.

Sáng đầu tiên trên đỉnh núi, Hòa lại đãi bạn bằng một bữa mỳ. Lần này có cải thiện chút xíu với rau rừng được người dân tặng. Lan bê tô mỳ ra ngồi dưới gốc cây.

“Bỏ rau vào mà ăn”, Hòa đưa rổ rau cho bạn.

“Rau ngon nhỉ, lần đầu ăn”.

Điểm trường cả hai phụ trách có tên Cà Đam. Một ngọn núi cao, có khoảnh đất bằng phẳng rộng, người dân dựng nhà cư trú. Các nóc nhà nằm quanh bao lấy điểm trường. Chưa có điện lưới, những ánh đèn được thắp lên từ các máy phát điện dưới dòng suối.

“Ăn xong việc đầu tiên là đi bắt sóng điện thoại”, Hòa dặn cô bạn.

“Ừ nhỉ”, Lan như sực nhớ ra điều gì đó.

Ngày đi, mẹ dặn lên đến nơi thì gọi về. Nhưng cô lên tới nơi đã tối, không bắt được sóng điện thoại. Nghe Hòa nhắc đến việc gọi điện thoại, cô bỏ tô mỳ xuống, kéo tay bạn dẫn ra chỗ có sóng.

“Chờ tý, gấp làm gì”, Hòa vừa cầm đôi đũa lên đã bị bạn kéo đi.

“Bố mẹ chắc cả đêm nằm đợi tin rồi”, Lan vừa kéo bạn, vừa nói.

Hòa đứng trên một tảng đá cao, cầm chiếc điện thoại đưa qua đưa về chậm rãi dò sóng.

“Hai vạch rồi”, Hòa reo lớn. Cuộc đầu không ai bắt máy, tiếng chuông đổ lên lần thứ hai. Hòa nghe được giọng của người phụ nữ.

“Có người bắt máy rồi này, nghe đi”.

“Mẹ à, con lên đến nhưng không có sóng điện thoại, giờ mới gọi được. Con vẫn khỏe, trên này vui lắm, mẹ yên tâm”, Lan nói tới tấp như sợ bị cướp lại máy. Mẹ cô chỉ dặn con được vài tiếng, những tiếng tụt tụt vang lên. Điện thoại mất sóng.

Lan xung phong lên điểm trường Cà Đam khi nghe nơi này cần thêm một giáo viên. Đoạn đường từ nhà lên điểm trường hơn một trăm kilomet. Hòa đã có hơn hai năm dạy học trên này. Cả hai hẹn và gặp nhau ở huyện khi quá trưa. Hai người ăn dĩa cơm rồi tiếp tục lên di chuyển.

Hành trình còn lại chừng hai mươi kilomet nhưng đường lầy lội, khó đi. Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống khi cả hai vào đoạn đường dốc, bùn lầy.

Hòa trấn an bạn: Cố gắng nhé, đoạn này rất khổ đó.

Lan nói vọng đến, nói giọng đùa giỡn: Yên tâm, này ăn thua gì. Không đi được thì tấp vào bụi ngủ mai đi tiếp.

Tiếng cười nói của hai người vang lên giữa núi rừng hiu quạnh. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, nước chảy thành dòng lớn. Chiếc xe của Lan lấm bùn, đất dính vào lốp, không thể di chuyển.

Cả hai lấy khúc cây gỡ hết đất sét dính vào lốp, mãi lâu mới xong. Họ đến nơi khi đã tối sẩm. Người dân nghe tin cô giáo lên đã dọn dẹp chỗ ngủ. Căn phòng không ai ở đã lâu trở nên bốc mùi, ẩm mốc.

Chú Trung đã kịp nhóm bếp, nấu mỳ cho hai người. Trời lại đổ mưa lớn kèm gió lùa, lạnh đến thấu xương. Hai tô mỳ nóng được bê lên đặt trên chiếc bàn gỗ với ánh đèn dầu leo lét. Máy phát điện ở suối bị hỏng từ chiều khi trời trở mưa lớn, chưa kịp sửa.

“Cô mới lên đây, có khó khăn gì cứ nói với chúng tôi. Lên đây ở với cô Hòa, với đồng bào cho vui”, chú Trung ngồi đối diện nói với Lan.

Điểm trường Cà Đam bắt đầu năm học mới sau một tuần. Trường lớp được người dân đến sửa sang. Hòa phụ trách cấp một. Lan cấp hai. Khi chưa có bạn, Hòa phải kiêm hết.

Một đêm Lan ngồi soạn giáo án ở giường. Từ một khe ván nứt chui vào một con rắn hổ mang lớn. Con rắn rướn cổ, thè lưỡi trườn lại phía Lan. Cô hét lớn.

Hòa dưới bếp chạy lên rồi ùa ra gốc cây lấy thanh gỗ đánh liên hồi vào chiếc kẻng. Nghe báo động, dân làng cầm đuốc, gậy gộc chạy đến.

“Có chuyện gì vậy?”, chú Trung hỏi lớn.

“Có con rắn trong phòng chúng cháu”, Hòa ôm lấy Lan hét lên.

Nhóm thanh niên di chuyển vào phòng truy tìm. Họ lục tung mọi góc ngóc ngách. Dưới gầm giường, tiếng phì phì của con rắn vang lên. Một thanh niên cầm sẵn chiếc gậy dài móc được con rắn ra sân. Con rắn trở nên hung dữ hơn, rướn cao thân mình, lè lưỡi định tấn công nhưng đã bị một người khác khống chế. Chú Trung dặn nhóm thanh niên cột chặt trong bao, sáng mai đem vào rừng sâu để thả. Một vài người được phân công sáng mai qua bịt kín hết các khe hở để tránh gió lùa, rắn rết.

Buổi khai giảng diễn ra trong một ngày đầy mây mù. Trước ngày hội, cả hai người cùng các em nhỏ góp nhặt hoa dại kết thành vòng tròn trang trí ở cửa. Một bình hoa lớn được đặt trang trọng ở bục treo ảnh Bác Hồ. Tấm gỗ cũ được Lan tỉ mỉ lấy phấn màu khắc lên đó mấy dòng chữ.

Mọi người đến dự đông đủ. Lũ trẻ nô nức đến trường với quần áo đủ loại, đứa đi dép đứt, đứa chân đất. Tiết mục văn nghệ của các em học sinh vang lên giữa bốn bề mây núi, không nhạc đệm.

Thoắt cái Lan đã lên đây được hơn bốn năm. Mẹ điện lên khuyên Lan về thành phố dạy. Cô ậm ờ chưa trả lời. Lan muốn ở đây thêm vài năm nữa. Nhưng mấy hôm trước, người nhà nhắn tin lên báo mẹ Lan bị đột quỵ.

Bố mẹ cô có hai người con, đứa út năm nay chỉ mới lớp tám. Học kỳ một mới đi được nửa. Lan không biết phải làm thế nào. Hòa khuyên bạn về nhà chăm mẹ, chuyện đứng lớp để cô lo giúp. Lan đành gởi lớp lại cho bạn để về lo việc nhà.

Mẹ cô ra viện nửa tháng sau đó. Ngày Lan quay lại trường, mẹ níu tay con gái nhắc lại chuyện quay trở về thành phố.

“Mẹ yên tâm, rồi con sẽ về mà”.

Những đêm khuya, Lan ra ngồi dưới gốc cây, suy nghĩ về việc quay trở lại thành phố. Thấy bạn ngồi bên ngoài, Hòa đến đặt tay lên vai bạn: Đang suy nghĩ về gia đình hở.

“Ừ, cũng khó để quyết định thật mày ạ. Cả nhà đang cần mình, mà bọn trẻ trên này cũng vậy”, Lan nắm tay bạn mắt nhìn vào đêm tối. Về hay ở, những suy nghĩ đó cứ ám ảnh cô.

“Hết năm học này chắc mình xin về”, Lan nói với bạn trong một bữa cơm.

Năm học kết thúc, ngày bế giảng, Lan thông báo sẽ về xuôi. Người lớn đã biết được gia cảnh của cô, nên ai cũng ủng hộ. Đám học sinh thì không muốn xa cô.

“Cháu lên đây cũng lâu, giúp các em vậy được rồi. Giờ mẹ đau nên về bên cạnh, có thời gian lại lên đây thăm”, chú Trung nhắn nhủ.

Đêm trước ngày Lan về, dân bản tụ tập chia tay cô giáo. Nhà góp con gà, người ít gạo rẫy, họ nấu nướng liên hoan. Các em nhỏ tặng Lan món quà làm sẵn. Mọi người ngồi với nhau trước khoảnh sân bên ánh lửa bập bùng. Họ ăn uống, kể lại nhưng kỷ niệm ngày còn bên nhau rồi hát hò.

Cuộc vui đến khuya, gió lạnh nhưng chẳng ai muốn về. Sáng, khi Lan vừa mở cửa ra đã thấy học sinh, người dân ngồi dưới tán cây. Lan trò chuyện với người dân một lúc rồi đèo các thứ lên xe, bắt đầu hành trình.

Hai thanh niên được cử đi theo để giúp cô qua các đoạn đường khó. Những đứa trẻ tạm biệt cô mà khóc thút thít. Mắt Lan đỏ hoe. Không ai nói với nhau điều gì nữa.

Đi được một đoạn cô ngước mắt lại nhìn gốc cây trước sân trường. Ngọn cây vươn thẳng lên không trung. Lá cờ Tổ quốc đỏ chói bay phất phới giữa núi rừng trùng điệp.

Nguyễn Đắc Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top