ClockThứ Tư, 01/07/2015 14:48

Người về “Hai đầu nỗi nhớ”

TTH - LTS: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, quê gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1940 và đã có hơn 100 ca khúc được công bố. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.Sau hơn 90 năm sống và cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, ông vừa thanh thản ra đi ngày 29/6/2015 tại TP Hồ Chí Minh.Báo Thừa Thiên Huế xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng người.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bên phải) tại Đại hội nghệ sĩ Âm nhạc Việt Nam năm 2010.

Từ hồi còn bé ở ngoài Bắc, tôi đã rất mê bài hát “Những ánh sao đêm”. Hồi ấy chả biết tên tác giả là ai nhưng cứ ông ổng hát suốt ngày, còn bắt chước người lớn hát phịa ra đoạn “Xây cho nhà cao cao quá lên không được phải bắc cầu thang”, sau nghe nói bài hát có một giai đoạn bị hạn chế hát, vì nó ủy mị, giữa chiến tranh khốc liệt thế mà vẫn yêu đương nhớ nhung, làm mất nhuệ khí cán bộ chiến sĩ. Nhưng ở đời, càng cấm thì nó lại càng phổ biến. Bài hát với giọng ca tuyệt vời của Quốc Hương cứ thế lan tỏa trong xã hội không gì có thể cưỡng được.

Sau này đến bài “Bóng cây Kơ nia” thì Phan Huỳnh Điểu có vẻ như là người đầu tiên thổi hồn Tây Nguyên thành công vào một ca khúc, khiến bài hát trở thành một tượng đài âm nhạc của Tây Nguyên, nhất là từ khi người ta phát hiện ra, tác giả lời chính là nhà thơ Ngọc Anh chứ không phải như chính ông Ngọc Anh khiêm tốn chỉ đề là “phỏng dịch”. Nhiều người thời kỳ đầu còn lầm tưởng bài hát này là… dân ca Tây Nguyên
Sau nữa, dăm bảy lần được gặp Phan Huỳnh Điểu. Không thể gọi là thân quen, nhưng mỗi lần gặp tôi đều thể hiện với ông rằng tôi rất mê nhạc của ông, từ những bài không biết tác giả là ông cho đến những bài tên ông lừng lững…
Có thể nói rằng, ông là người sáng tác không biết mệt mỏi. Từ những bài hát đầu tiên của kháng chiến chống Pháp, rất nổi tiếng như “Đoàn vệ quốc quân”, “Mùa đông binh sĩ”- (nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho biết bài hát đầu tiên ông sáng tác là bài “Trầu cau” lúc ông 16 tuổi)- đến những bài nổi tiếng, rất nổi tiếng sau này như “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Thơ tình cuối mùa thu”… khi ông đã thượng thọ, đều là những bài hát bất tử trong người nghe, đều trở thành những ca khúc hot trong các chương trình ca nhạc lớn, và cả trong các đám cưới, các cuộc hội hè tự phát…
Gặp ông mới biết là ông rất hiền chứ không khó gần như những người nổi tiếng khác. Ông vui vẻ và hòa đồng như cái lần tôi đã chụp ông đang tác nghiệp, rồi cả khi ông vẫy nhờ tôi chụp chung ông với nhà nhiếp ảnh chuyên chụp chân dung Nguyễn Đình Toán mà tôi in kèm ở bài báo này. Lần ấy tôi nói rằng tôi thích hầu hết các ca khúc của ông, rằng là ngay bây giờ ông có nói ngay ông có bao nhiêu ca khúc không? ông lắc lắc mái đầu bạc như… có lỗi: chịu, không nhớ được ông ạ.
Ông cũng là nhạc sĩ rất hiểu thơ, rất tôn trọng thơ và nhà thơ. Tôi nhớ lần ông giải thích về một chữ trong bài thơ của Xuân Quỳnh mà ông phổ. Ông nói là ông thường xuyên dặn các ca sĩ rằng là cái câu “Mùa thu VÀO hoa cúc” các cô hay hát sai thành “Mùa thu VÀNG hoa cúc”. Vào nó mới là thơ, nó mới lên hết chất của câu. Còn chữ vàng nó phá hết kết cấu. Mùa thu vàng hoa cúc thì nó đương nhiên thế, nó hiển lộ thế ai chả biết. Nhưng vào, nó kỳ diệu hơn rất nhiều, nó lặn hết vào cái màu vàng vừa bất tận vừa khoảnh khắc không cần nhắc tới kia… vân vân. Tôi cũng hay chơi với các nhạc sĩ, nhiều bác đụng vào thơ người khác việc đầu tiên là bẻ, là vặn, là xoắn… nó thành một cái gì đấy chứ không phải thơ. Phan Huỳnh Điểu, trong trường hợp này, là người hiểu thơ đến tận ngõ ngách bếp núc và cũng trên cùng của sự thăng hoa, kết tủa để lời cũng như nhạc, chạm đến tận cùng cảm xúc của người nghe, kích thích họ cùng sáng tạo, cùng bật ra sự liên tưởng, so sánh...
Ông là một trong những nhạc sĩ nhiều công chúng nhất Việt Nam. Công chúng của ông ở mọi đối tượng. Thường mỗi nhạc sĩ có một nhóm công chúng. Với ông tôi thấy nam phụ lão ấu đều thích. Bài báo ngắn không thể thống kê hết được, nhưng ai đang đọc bài này thử nhẩm mà xem, trong đời mình đã bao lần nghe hoặc lẩm nhẩm chí ít là một đoạn ca khúc của ông?
Riêng tôi, tôi liệt cho mình những bài hát hay nhất của ông là: “Đoàn Giải phóng quân”, “Những ánh sao đêm”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bóng cây Kơ-nia”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Đội kèn tí hon”… Thực ra là còn rất nhiều, nhưng trong khuôn khổ bài báo không được liệt kê nhiều nên tôi đành chỉ kê ra thế.
Ngay khi nghe tin ông mất, tôi đăng lên facebook và blog cá nhân cái ảnh tôi chụp ông cùng mấy câu: “Mình gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dăm bảy lần, không dám nói là quen biết, nhưng có chào hỏi ông, bày tỏ sự yêu thích của mình đối với ông và nhạc của ông. Trong điện thoại và USB trên ô tô có nhiều bài của Phan Huỳnh Điểu. Mình biết ông là người cũng thích chụp ảnh, và máy của ông thì xịn gấp nhiều lần máy mình. Năm 2010, trong một cuộc họp, ông xuất hiện với một cái máy ảnh chuyên nghiệp trên tay, tác nghiệp nhoay nhoáy. Tay máy chân dung cự phách Nguyễn Đình Toán sau khi bấm ông liên tục như đại liên khạc đạn bèn nhờ mình bấm hộ ông với ông Phan Huỳnh Điểu. Trước đó mình đã bấm mấy kiểu ông Điểu đang tác nghiệp.
Xin vĩnh biệt ông. Hôm trước nhà báo nhà thơ Trần Đình Chính mất, mình đã mở nguyên ngày bài “Ở hai đầu nỗi nhớ” ông phổ thơ anh Chính. Hôm nay, ngoài bài ấy thêm mấy bài của ông mà mình thích nữa, tất nhiên phải có “Thư tình cuối mùa thu”...”. Chỉ trong nửa ngày đã có gần ngàn người vào like và comment. Điều ấy chứng tỏ ông bất tử trong lòng công chúng. Mà không chỉ tôi, hôm nay rất nhiều facebooker đăng status về ông, rất nhiều cư dân mạng vĩnh biệt ông bằng cách suốt ngày mở nhạc ông online. Làm người nghệ sĩ, được như thế cũng ấm lòng, hơn khối người lúc sống thì ào ạt nhưng khi chết chả ai nhớ. Tôi tin, mãi mãi những ca khúc của ông sẽ sống cùng dân tộc này. Xin vĩnh biệt ông, nhạc sĩ lớn của nhân dân Việt Nam…
Bài, ảnh: Văn Công Hùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top