ClockChủ Nhật, 22/12/2024 06:00

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

TTH - “Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka CoongĐổi thay từ lễ hội vùng cao

 “Tay đục” Phạm Văn Vệ

Từ cây đục gia truyền đến trại sáng tác

Sinh ra tại thôn A Prung, xã Thượng Long, trong một gia đình có truyền thống điêu khắc gỗ, Phạm Văn Vệ lớn lên giữa tiếng đục đẽo vang vọng của cha - nghệ nhân Phạm Văn Biết. Những bức tượng gỗ do cha anh tạo ra được người dân trong thôn dành nhiều lời khen ngợi. Đó được xem là những sản phẩm nghệ thuật chứa đựng tinh thần, câu chuyện và biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu.

“Năm 12 tuổi, tôi thường đứng quan sát bố đục tượng. Mỗi lần bố cặm cụi, tôi đều tò mò và muốn thử. Đến khi cầm cây đục trên tay, tôi nhận ra mình yêu thích công việc này”, Vệ nhớ lại.

Phát hiện năng khiếu của con, ông Biết đã tận tâm hướng dẫn và tạo điều kiện để Vệ tự mày mò. Anh bắt đầu từ những khối gỗ nhỏ, chạm khắc các hình dáng đơn giản như động vật hay vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Nhớ lại những ngày tập tạc tượng, Vệ kể: “Khi tạc ra được những đường nét theo ý muốn, tôi càng yêu thích và chỉ muốn hoàn thành từng chi tiết theo một cách hoàn hảo nhất. Nhiều lúc tôi mải mê làm đến quên ăn”. Nhờ tiếp thu tốt những kỹ thuật từ cha và tự sáng tạo phong cách riêng, từ những khối gỗ xù xì, Vệ đã thổi hồn, tạo nên những bức tượng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hòa quyện giữa truyền thống và nét sáng tạo độc đáo cá nhân.

Nhìn hình ảnh Vệ chăm chú bên khối gỗ, người ta không chỉ thấy một chàng trai trẻ đang gìn giữ nghề truyền thống, mà còn thấy một tương lai sáng của nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu đang được tiếp lửa từ những bàn tay trẻ đầy đam mê và trách nhiệm.

Năm 2023, ở Trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu, Vệ là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất tham gia thử sức ở thể loại “tạc tượng hình người”. Trong 10 ngày, anh hoàn thành hai tác phẩm, trong đó bức tượng người đàn ông cầm ngọn mác mang dấu ấn đậm nét nhất.

Tuy không đoạt giải thưởng tại trại sáng tác, nhưng anh cho rằng thành công lớn nhất là được học hỏi từ các nghệ nhân khác và khám phá thêm chiều sâu trong nghệ thuật. Đối với Vệ, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, là cách để kết nối văn hóa của người Cơ Tu với thế hệ hôm nay và mai sau.

Hành trình truyền lửa

Không chỉ riêng Phạm Văn Vệ, nghệ thuật điêu khắc gỗ tại Nam Đông đang được tiếp nối bởi nhiều bạn trẻ khác. Ông Tà Rương Mão, cựu cán bộ văn hóa xã Thượng Long cho biết: “Những cái tên như Arất La, Bhling Tân hay Phạm Văn Vệ là minh chứng sống động rằng thế hệ trẻ hôm nay không còn thờ ơ với văn hóa truyền thống. Họ đang nỗ lực học hỏi, thực hành và gìn giữ tinh hoa của dân tộc”.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các nghệ nhân, huyện Nam Đông đã mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống, trong đó điêu khắc gỗ là mảng nổi bật. Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đông, đến nay đã có 15 lớp dạy các kỹ năng như đánh cồng chiêng, múa truyền thống và điêu khắc, thu hút gần 500 học viên tham gia.

“Việc bảo tồn văn hóa không chỉ dừng lại ở phục dựng các lễ hội mà còn là truyền nghề cho thế hệ trẻ. Những bạn trẻ như Vệ không chỉ là nghệ nhân, mà còn là người mang trọng trách giữ gìn bản sắc dân tộc”, ông Sửu khẳng định.

Bên cạnh học hỏi từ cha mình, Phạm Văn Vệ còn tích cực tham gia các lớp học và sự kiện nghệ thuật để nâng cao tay nghề. Anh hy vọng trong tương lai có thể đưa điêu khắc gỗ truyền thống đến gần hơn với công chúng, không chỉ là sản phẩm trưng bày mà còn là vật dụng trang trí trong không gian sống hiện đại.

Ông Bhling Tin (71 tuổi), một trong những bậc thầy trong làng điêu khắc của người Cơ Tu tự hào chia sẻ: “Ngày trước, điêu khắc chỉ được dạy trong gia đình hoặc dòng họ, nhưng bây giờ nhiều lớp học được mở ra. Tôi không nhớ mình đã dạy bao nhiêu người, chỉ biết rằng giờ đây, những học trò cũ của tôi đã trở thành những người thầy tiếp tục truyền nghề tại các bản làng”.

Giữa nhịp sống hiện đại Phạm Văn Vệ cùng những người trẻ yêu nghề khác đã chứng minh nghệ thuật truyền thống không hề lỗi thời. Nó là chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng những giá trị đã tạo nên bản sắc của dân tộc mình.

Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đại sư phụ" nghệ thuật nhà mồ

Người Cơ Tu tại huyện Nam Đông luôn tự hào về lớp nghệ nhân tài hoa, những người vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề điêu khắc nhà mồ. Ông Phạm Xuân Tin (thôn 4, xã Thượng Long) được xem là “đại sư phụ” của nghệ thuật này.

Đại sư phụ nghệ thuật nhà mồ
Báo động người trẻ sử dụng ma túy

Theo thông tin từ UBND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 400 người nghiện và gần 800 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng báo động, có tình trạng một bộ phận giới trẻ nhận thức rằng ma túy tổng hợp chỉ là chất kích thích gây cảm giác hưng phấn tức thời, không gây nghiện, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Báo động người trẻ sử dụng ma túy
Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong

Mỗi năm, khi mùa màng đã thu hoạch và cuộc sống người dân ổn định, đồng bào Cơ Tu tại huyện A Lưới lại hân hoan chuẩn bị cho lễ hội Tấc Ka Coong, một lễ hội truyền thống linh thiêng và đặc biệt. Đây không chỉ là dịp để người Cơ Tu bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, thần linh, mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết và khẳng định giá trị văn hóa bản sắc của mình.

Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong
Thiếu kỹ năng, người trẻ mất cơ hội làm việc

Nhiều sinh viên ra trường tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn khó tìm việc làm, do thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và nhất là hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp tại nơi làm việc.

Thiếu kỹ năng, người trẻ mất cơ hội làm việc

TIN MỚI

Return to top