ClockChủ Nhật, 15/05/2022 16:14

Vẻ đẹp di sản qua góc nhìn hội họa

TTH - Với triển lãm “Mỹ thuật và di sản” tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội (diễn ra từ ngày 29/4 đến 30/5), vẻ đẹp di sản được tôn vinh và mang sức sống mới, khơi gợi và gắn kết giá trị giữa thiên nhiên, di sản với nghệ thuật.

Triển lãm hơn 70 tác phẩm vẽ về di sản65 giảng viên, sinh viên tham gia trại sáng tác “Mỹ thuật và Di sản”

Tác phẩm “Ánh chiều” - Hoàng Xuân Hiếu

Không gian nên thơ của vườn Thiệu Phương thêm lung linh sắc màu với hơn 70 tác phẩm mỹ thuật tại triển lãm “Mỹ thuật và di sản”. Đây là những tác phẩm do các họa sĩ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế sáng tác tại trại sáng tác “Mỹ thuật và di sản” lần đầu tiên được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật tổ chức để tôn vinh vẻ đẹp của di sản.

Bằng nhiều chất liệu phong phú như: Sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước, đồ họa, bút sắt, tổng hợp… cùng các hình thức thể hiện đa dạng, các tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng từ chất liệu đến cảm hứng sáng tạo và đạt chất lượng mỹ thuật cao. Ngoài tranh, triển lãm còn có 2 tác phẩm điêu khắc gỗ, phản ánh được sự hứng khởi của đề tài di sản lan tỏa đối với nhiều loại hình mỹ thuật.

Tác phẩm “Dấu thời gian 1” - Nguyễn Ánh Dương

Vẻ đẹp của di sản Huế với những hình ảnh, âm sắc, đường nét được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm, “đánh thức” giá trị tiềm ẩn, mang đến cho người xem cảm xúc, trải nghiệm thú vị. Những hình ảnh của các công trình kiến trúc thuộc Đại Nội, Phu Văn Lâu, lăng tẩm, đền đài… được chấm phá, cách điệu qua góc nhìn trừu tượng hoặc bán trừu tượng, hiện lên đài các, sang trọng và hoài cổ.

Khai thác một khía cạnh, góc nhỏ của di sản, mỗi nghệ sĩ chọn một gam màu nhất định, cách tạo hình cụ thể, thể hiện rung cảm và tình yêu đối với di sản qua phong cách sáng tạo, màu sắc, hình thể… Nếu tác phẩm của sinh viên đa phần dừng lại ở góc độ ký họa, ghi chép thực tế nhưng vẫn tìm được những góc đẹp của di sản thì giảng viên lại có cách thể hiện khác. Vẻ đẹp của di sản hiện lên vừa thực vừa ảo, ẩn hiện trong đó là những triết lý, cảm xúc hoài niệm. 

Tác phẩm “Dấu xưa tích cũ” - Nguyễn Vũ Lân

Họa sĩ Phan Lê Chung gây ấn tượng với tác phẩm “Lối xưa” in trên hai cánh cửa gỗ. Đây là sự kết hợp giữa ngôn ngữ sắp đặt và hội họa. Lá cửa trở thành nơi ngăn cách hai không gian bên trong và bên ngoài, là sự đóng mở, luân chuyển giữa quá khứ và hiện tại. Nhìn xuyên cánh cửa để thấy một quá khứ vàng son, giá trị hiện hữu của di sản là thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm. Lấy gam màu đen, đỏ làm chủ đạo, tác phẩm là góc nhìn hoài niệm về các công trình mỹ thuật cổ, kiến trúc Kinh thành.

Hai tác phẩm “Dấu thời gian” của họa sĩ Nguyễn Ánh Dương là hình ảnh vững chãi của đôi ngựa, voi đang chầu ở lăng Minh Mạng sau bao biến thiên của lịch sử. Trong vẻ trầm mặc nhuốm màu cổ xưa, đôi tượng đá vẫn toát lên vẻ đẹp của nghệ thuật, đường bệ, chắc chắn… Vẻ rêu phong của lăng Minh Mạng như càng cổ kính hơn dưới nét vẽ tài hoa của họa sĩ.

Tác phẩm “Lối xưa” - Phan Lê Chung

Họa sĩ Nguyễn Vũ Lân mang đến cho công chúng vẻ trầm mặc đầy hoài niệm khi ngắm tác phẩm “Dấu xưa tích cũ”. Hình ảnh Thành Nội bàng bạc màu thời gian qua bóng dáng mái nhà xưa, cây sứ cổ, những sắc vàng và đỏ tượng trưng cho sơn son thếp vàng… gợi nên bao cảm xúc về vẻ đẹp trường tồn của di sản.

Diễn ra trong gần một tháng để các họa sĩ có điều kiện nuôi dưỡng cảm hứng, tìm tòi, khám phá và sáng tạo tác phẩm liên quan đến di sản, trại sáng tác “Mỹ thuật và di sản” có sự tham gia của 61 họa sĩ, giảng viên, sinh viên. Lấy cảm hứng từ di sản, các thành viên tham gia đã sáng tác hơn 100 tác phẩm phong phú về nội dung, đi sâu khắc họa vẻ đẹp của di sản bằng những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.

Theo TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng các họa sĩ, giảng viên, sinh viên rất hào hứng, nhiệt huyết sáng tạo về di sản vật thể, phi vật thể. Mỗi thành viên đều tham gia với ý thức tôn trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, từ đó lan tỏa tinh thần ấy trong cộng đồng. Điều đó được minh chứng qua tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, qua chất lượng tác phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Đây cũng là tiền đề để hoạt động này được tổ chức thường niên, khơi dậy và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác các đề tài về di sản trong giới mỹ thuật, tăng cường giới thiệu, quảng bá về văn hóa Huế.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top