ClockThứ Năm, 28/10/2010 05:12

Muối nướng

TTH - Thời còn khó khăn, nghe đài báo bão, thế nào mẹ tôi cũng làm muối nướng cho cả nhà ăn cơm. Mẹ khoe, đó là món ruột một thưở gắn bó cùng đồng đội ở rừng. Những ngày hoạt động, mỗi khi về đồng bằng, bà con thường gửi cho mấy cô liên lạc vài chén muối nướng ăn phòng khi bị địch bố ráp hoặc khi trở trời. Công thức làm muối nướng thật đơn giản: muối hạt tinh với bột ngọt, ớt tươi giã nhỏ, trộn thêm ruốc, nén chặt, cho vào bát sứ. Gắp vài viên than đỏ xếp đầy miệng bát, đến khi nghe mùi ruốc chín khen khét mới thôi nướng. Chén muối lúc này như nhẹ hơn trong tay người, thổi nhẹ cho bay lớp tro, dùng dao hoặc muỗng hớt bỏ lớp cháy bên trên là có ngay chén muối nướng đặc biệt.

Muối nướng mặn, thấm, cay nồng, thơm hương ruốc ăn với cơm nóng ngon vô cùng. Một miếng muối “nuôi” một chén cơm, mẹ tôi vẫn thường đùa hóm hỉnh vì nó giúp tiết kiệm được tiền đi chợ một buổi. Chị em tôi mê muối nướng vì hễ ăn món này là mẹ tôi lại kể chuyện thời còn chiến tranh. Với chúng tôi, những câu chuyện người thực, việc thực về đánh địch, giải vây... hấp dẫn vô cùng. So với sách báo, tranh ảnh, chuyện của mẹ tôi mang tính thuyết phục và hay gấp mấy lần. Bữa cơm muối nhờ vậy lần nào cũng sạch nồi.


 
Sau này khi lớn lên, chị em tôi hay nhắc món muối nướng nhưng thi thoảng mẹ tôi mới làm. Mẹ bảo, chẳng qua lúc nớ nghèo quá mới làm cho chị em bay ăn chứ có chất chi mô. Bây giờ, chỉ phụ nữ mới sinh, người ta cho ăn vài chén cơm muối để mặn mồm, mặn miệng. Chừ kiếm ra chén sành, than bếp mất công lắm.
 
Ngoài món muối nướng của mẹ, chị em tôi cũng làm muối nướng nhưng để chơi chứ không để ăn. Đó là những ngày giáp Tết, khi tất cả lũ trẻ quây quần quanh bếp lửa chờ bánh tét, bánh chưng chín, chúng tôi nghĩ ra trò làm pháo. Mò vô hũ sứ dưới chạn, trộm của mẹ một nắm muối hạt. Cứ một miếng giấy vở cũ bọc vài hạt muối cho vào bếp, muối nổ tanh tách nghe thật vui tai. Xui cho đứa nào đứng gần bếp, thế nào cũng bị muối bắn vào người đau điếng. Một lần, bà hàng xóm phát hiện trò nghịch dại, chúng tôi bị mắng té tát vì tội không biết quý trọng sức lao động. Mẹ tôi cũng đồng tình phản ứng, trò muối nướng bếp bị cấm tiệt từ đó.
 

 
Ký ức hạt muối nướng chợt trở về khi lần đầu tiên tôi được xem diêm dân làm muối. Bận ấy về quê, hai đứa em con chú rủ đi tôi đi bộ suốt ba cây số ra chơi ở hàng bần, sú ven biển. Nào ngờ gần đó có bãi muối, tôi quyết đi coi bằng được. Trời hừng hực như chực thiêu đốt lấy mọi thứ xung quanh, vậy mà hàng trăm con người vẫn cần mẫn khom lưng gom muối. Những hạt muối trắng muốt chấp chới dưới nắng, còn da người diêm dân như đen bóng hơn, mồ hôi họ nhỏ tong tong hòa trong ruộng muối. Tôi đứng trân trân, quá khứ như hiện về... chợt hiểu vì sao mình bị mắng vì trò chơi nướng muối trong bếp.
 
Những ngày này, người làm muối đang khóc ròng bởi giá muối rớt thê thảm. Một tấn muối, diêm dân chỉ lời 20 nghìn đồng. Đời làm muối là “hong nước, đổi vàng”, vậy mà câu chuyện “đầu ra” khiến nhiều người ngậm ngùi quay lưng với nghề. Thấy mẹ xót xa khi xem bản tin trên truyền hình, tôi đùa: “Lâu lâu, người ta ăn cơm muối nướng một bữa chắc hạt muối không đến nỗi rớt giá thê thảm như rứa mẹ hè”! Mẹ tôi nói giọng nằng nặng: “Mi cứ hay nghĩ chuyện ngày xưa! Thời chừ ai còn ăn mấy món quê mùa như nhà mình mô”...

T.Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Hương xuân chưa phai
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn

Nguyên đán là một điển lễ triều hội của Triều Nguyễn, xưa lễ này gọi là “tiết Nguyên đán” (tết Nguyên đán). Theo quy định được tổ chức tại những địa điểm quan trọng gọi là “Ngự tiền” (là khu vực phía trước vua ngự - cụ thể là ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh). Lễ Nguyên đán còn tổ chức ở Từ Cung (sau này là cung Diên Thọ, nơi ở của thân mẫu nhà vua), ở điện Khôn Đức (sau này là cung Khôn Thái, nơi ở của hoàng hậu), ở Thanh Cung (nơi ở của Hoàng thái tử). Lễ tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với những nghi tiết gắn liền điển lệ cung đình.

Lễ Nguyên đán thời Nguyễn
Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ

Ông có những câu thơ hết sức tài hoa như: Thiếu sam nhân ỷ châu lan khúc/ Mang sát vương tôn tử mạch đầu”...

Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa

TIN MỚI

Return to top