ClockThứ Sáu, 02/10/2020 06:30

Hình thành “Tủ sách Huế” để giữ gìn văn hóa đọc

TTH - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đang chỉ đạo xây dựng Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế” nhằm mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa nhân văn của vùng đất Cố đô. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết:

Những “trang sách di động”

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh 

Trong quá khứ có rất nhiều tác phẩm của Huế, nghiên cứu về Huế được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ mô tả thông qua những đầu sách có giá trị qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử. Hiện nay, những đầu sách này vẫn còn lưu lạc nhiều nơi trên thế giới, ở Việt Nam, trong các thư viện, nhà chùa, tu viện, nhà dân. Do đó, “Tủ sách Huế” được xây dựng không ngoài mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa nhân văn nhằm giáo dục văn hóa của vùng đất Cố đô.

Thưa ông, việc xây dựng “Tủ sách Huế” có nhiều ý nghĩa nhân văn, theo ông để hội đủ tiêu chí về “Tủ sách Huế” tỉnh cần tập trung vào những nội dung nào?

Ý tưởng về xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm hướng đến 3 mục tiêu. Thứ nhất là giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng. Thứ hai, đây là cơ hội khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Thứ ba là thông qua tủ sách này, xây dựng món quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế tặng cho du khách thập phương khi đến Huế- như vậy sách trở thành quà tặng.

Việc sưu tầm, phục dựng, xuất bản các đầu sách về Huế dựa vào những nguyên tắc nào, thưa ông?

Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện Nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với rất đầu loại sách chuyên đề về Huế rất giá trị. Những tủ sách này được những người yêu sách gìn giữ đến ngày hôm nay và xem đó như bảo vật của gia đình. Việc xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán. Trong quá trình xây dựng đề án này, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể, từ việc mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của “Tủ sách Huế”. Và việc số hóa các đầu sách là một ví dụ.

Nghĩa là tất cả các đầu sách về Huế đều có thể tham gia vào “Tủ sách Huế” ?

Những tác phẩm, tác giả được tuyển chọn tham gia “Tủ sách Huế” là những tác phẩm có giá trị, được Hội đồng thẩm định và tuyển chọn chuyên ngành do tỉnh lập để lựa chọn một cách khách quan, công tâm. Hội đồng này tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Phú Xuân - Huế từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương. Hiện kho tàng tư liệu về văn hiến Phú Xuân - Huế trong và ngoài nước còn nhiều và cần được tiếp tục khai thác, bổ sung để cung cấp cho bạn đọc những nội dung, kiến thức, câu chuyện phong phú, toàn diện, đa chiều về mảnh đất Cố đô này.

Nhiều bạn trẻ tìm đến sách là tín hiệu đáng mừng

“Tủ sách Huế” có con dấu nhận diện, logo nhận diện, giống như đặc sản Huế - ai đã được đóng dấu nhận diện rồi xem như có giá trị vì đã được hội đồng thẩm định của tỉnh ghi nhận. Còn đối với việc in sách nào tùy thuộc vào việc huy động nguồn lực, tùy thuộc vào hội đồng thẩm định, vào nhà xuất bản… Khi đã hình thành “Tủ sách Huế”, tỉnh sẽ có những cuộc đấu giá những đầu sách quý, hiếm, có không gian trưng bày và giới thiệu sách Huế, có không gian đường sách Huế thật ý nghĩa.

Để xây dựng “Tủ sách Huế”, theo ông vấn đề cần quan tâm bây giờ là gì?

Trước mắt, tôi chỉ đạo sở, ngành liên quan cho sưu tầm một thư mục về sách Huế. Tức là các đầu sách đang nằm ở các nước, trong nước, tại các thư viện, nhà dân đều được lên danh sách và phân loại công phu, huy động sự tham gia xã hội hóa của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định sẽ tuyển chọn theo từng giai đoạn, từng chủ đề. Có thể đây là cây thư mục quan trọng, phân theo tuyến thời kỳ theo thứ tự thời các vua chúa, thời kỳ trước 1945, trước 1975, sách thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ, sách thời kỳ đương đại, sách nằm ở thư viện các nước, sách đang nằm ở các thư viện tư nhân…  

Bước tiếp theo là triển khai thi và xây dựng logo nhận diện “Tủ sách Huế”, đồng thời thiết kế để phát huy vai trò logo ấy. Tôi cũng sẽ viết thư ngõ kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp đầu sách cho “Tủ sách Huế”. Cùng với đó, xây dựng một nguồn quỹ cho “Tủ sách Huế” để huy động nguồn lực cho việc hình thành, in ấn, phát hành, nuôi dưỡng “Tủ sách Huế”.

Ông có thể dự báo về sự thành công của “Tủ Sách Huế”?

Từ lâu, sách đã đi vào cuộc sống của mỗi con người, sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai.

Tôi cho rằng, nhiều người sở hữu các tủ sách, cuốn sách quý về Huế, ai cũng muốn một ngày sẽ công bố, đưa ra với công chúng. Nhưng quan trọng, là cách ứng xử, đón nhận của chúng ta với cuốn sách, với những người sưu tầm đó ra sao. Đằng sau mỗi cuốn sách là một hành trình, là sự trân trọng mà người sưu tầm dành hết tâm huyết vào đó. Tôi tin rằng, “Tủ sách Huế” sẽ được người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng nếu có cách làm hay, trân trọng.

Vấn đề cốt lõi là ở cách làm. Làm thế nào để cho mỗi người Huế nói riêng và tất cả môi người trên thế giới, tại Việt Nam đều tự hào khi trong tủ sách của gia đình mình có đóng góp những cuốn sách viết về Huế để tham gia “Tủ sách Huế”. Đây là một việc làm ý nghĩa và thiết thực.

Nghĩa là giấc mơ về một “Tủ sách Huế” sắp trở thành hiện thực, thưa ông? 

UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện sau khi Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế” được phê duyệt, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh Đề án. Đồng thời, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách tham gia “Tủ sách Huế” theo các danh mục lĩnh vực.

Đề án “tủ sách Huế” trước mắt ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu Huế, cùng với đó sẽ xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách khác tham gia tủ sách theo các danh mục, lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện sẽ thành lập các hội đồng, tổ chuyên gia, tổ giúp việc theo từng lĩnh vực để lựa chọn sách có giá trị tiêu biểu để xuất bản, tái bản cho “Tủ sách Huế”; đồng thời, tiếp cận các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm có những bộ sách quý, các công trình giá trị chưa xuất bản để đề nghị xuất bản, tái bản trên nguyên tắc kết hợp đồng bộ giữa xuất bản và phát hành.

Hình thành “Tủ sách Huế” là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn văn hóa đọc trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, đồng thời tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách; nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Thông qua “Tủ sách Huế” cũng sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế, những giá trị đã được chắt lọc và thể hiện trên từng cuốn sách, có giá trị trường tồn mãi với thời gian.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng

Tự truyện “Mạ tui” của Nguyễn Viết An Hòa được NXB Thuận Hóa in từ năm 2018, đã được “nối bản” nhiều ngàn cuốn, mặc dù theo quan niệm thông thường, tác giả là người không/chưa nổi tiếng. Hơn chục năm trước, trong một cuốn sách đã in, tôi nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”.

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng
Có đồng thuận, có thành quả

Sự đồng thuận đó, chắc chắn không phải tự dưng mà có, mà là thành quả của sự nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” của những người làm công tác dân vận.

Có đồng thuận, có thành quả
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2: Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

Bên cạnh việc lan tỏa ra thị trường đến rộng rãi hơn với bạn đọc không những trong nước mà xa hơn là quốc tế, những ấn phẩm Tủ sách Huế về lâu dài cần được nhân rộng số lượng phát hành thông qua hình thức xã hội hóa. Xa hơn cũng cần tính toán để Tủ sách Huế thích ứng với quá trình chuyển đổi số để mọi người dễ tiếp cận. Đây là hiến kế của các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản khi bàn về đường hướng phát triển Tủ sách Huế không chỉ trong tương lai, mà cần hành động ngay từ bây giờ.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2 Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1: Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

4 năm ra đời, đề án Tủ sách Huế đến nay chỉ có 11 ấn phẩm, một con số rất khiêm tốn. Nhưng buồn hơn khi những ấn phẩm ấy chỉ dừng lại với số lượng in giới hạn và “đeo gông” sách không bán, khiến nhiều người khó tiếp cận. Phía những người thực hiện Tủ sách Huế cho rằng nguyên do dẫn đến điều đó là ngân sách hạn chế, nhưng nhiều ý kiến khác nhận định đó là sự thụt lùi, thậm chí đi ngược lại chủ trương lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế cũng như văn hóa đọc trong đời sống hiện nay. Vì thế, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Tủ sách Huế đang phải đối mặt.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1 Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

TIN MỚI

Return to top