ClockThứ Năm, 17/07/2014 06:11

Hai bức tranh quý của hoạ sĩ Lê Huy Miến tại chùa Ba La Mật

TTH - Chùa Ba La Mật nằm ở thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, bên phải con đường từ thành phố Huế về Thuận An nay được đặt tên là đường Nguyễn Sinh Cung. Chùa do Bố chánh Nguyễn Khoa Luận (Viên Giác Đại Sư) lập ra vào năm 1886 để làm chốn xuất gia sau khi treo ấn từ quan, tính đến nay đã trải gần 120 năm. Các thế hệ đệ tử hậu bối của Viên Giác Đại Sư đã tiếp nối trùng tu khiến cho chùa ngày mỗi trang nghiêm, rạng rỡ.

Tranh chân dung Viên Giác Đại Sư (cụ Bố chánh Nguyễn Khoa Luận)

Là chỗ thân quen với Thượng toạ Thích Thường Chiếu, trú trì chùa Ba La Mật, thỉnh thoảng tôi có dịp lên về thăm chùa. Tôi thường để ý đến bức chân dung được vẽ bằng phấn màu, tôn trí tại trung tâm bàn thờ Tổ phía sau Đại Hùng Bửu Điện. Thượng toạ Trú trì cho biết đó là bức hoạ chân dung Tổ khai sơn chùa Ba La Mật - Viên Giác Đại Sư. Sở dĩ tôi để tâm là bởi ở Huế, tranh, ảnh chân dung của các vị cao tăng tiền bối được thờ tại nhiều ngôi chùa thường được lồng trong những khung gỗ quý, chạm trổ, sơn thếp hết sức cầu kỳ. Còn bức chân dung ngài Viên Giác của Ba La Mật thì đã xưa cũ, được lồng trong khung gỗ đơn sơ, dung dị. Vậy nhưng không hiểu sao vẫn toả ra nét thiền vị và vẻ đẹp thật khó lý giải.

Tranh chân dung cụ bà Nguyễn Khoa Luận

Sau này đọc sách, tôi mới giật mình. Trời ạ, hoá ra bức chân dung Viên Giác Đại Sư treo tại chùa Ba La Mật mà tôi vẫn thấy là “thủ bút” của hoạ sĩ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến). Mà không chỉ mỗi bức chân dung Viên Giác Đại Sư, theo sách vở thì tại chùa Ba La Mật còn có thêm bức chân dung cụ bà Nguyễn Khoa Luận nữa, cũng do Lê Huy Miến vẽ. Nhưng Lê Huy Miến là ai?

*

*    *

Theo khảo cứu của các tác giả Ngô Kim Khôi (Paris) (Họa sĩ Lê Huy Miến (1873-1943): Cuộc đời và tác phẩm); Nguyễn Khắc Phê (Huế) (Vài nét chân dung: Lê Văn Miến - Hoạ sĩ “Sinh bất phùng thời”, người thầy của các danh nhân); Nguyễn Đắc Xuân (Huế) (Một ít tư liệu về họa sĩ Lê Văn Miến)… Có thể khái lượt vài nét về chân dung của hoạ sỹ như sau: Lê Huy Miến (sau này du học “được đổi” là Lê Văn Miến vì người Pháp thuở ấy quan niệm với tên của người An Nam thì hễ đàn ông thì chữ lót là “Văn”, nữ thì tất phải “Thị”) sinh năm 1873 quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Là con quan Án sát tỉnh Hải Dương thời nhà Nguyễn Lê Năng Nghiêm. Thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đó. Vào năm 1892, triều đình Đồng Khánh chọn 3 người con của 3 quan chức, gửi sang Pháp học trường Thuộc địa (École Coloniale) tại Paris. Gia đình quan Án sát Lê Năng Nghiêm lúc đầu định chọn một trong hai người con trai lớn là Lê Huy Sáng hay Lê Huy Thản nhưng hai người này không chấp thuận. Người con thứ ba là Lê Huy Miến cũng không chịu đi, gia đình phải khuyên giải, cuối cùng ông mới miễn cưỡng thuận tình. Cùng du học với ông là Hoàng Trọng Phu, con trai Tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải, và Thân Trọng Huề, con trai Tổng đốc Bình-Phú Thân Văn Nhiếp. Thời gian học ở Paris, Lê Huy Miến luôn được nhiều người kính nể, ngay cả học sinh Pháp, vì ông thường đứng hạng nhất trong lớp. Trong thời gian học, hiệu trưởng của trường này có đầu óc kỳ thị chủng tộc, thiên vị học sinh Pháp, Lê Huy Miến đã lãnh đạo học sinh các thuộc địa học cùng lớp bãi khóa, viết đơn tố cáo gửi lên Bộ Thuộc địa đấu tranh. Sau này, khi về nước Lê Huy Miến đã phát biểu câu nói nổi tiếng vẫn còn vang vọng đến bây giờ: “Không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết. Dù trong lĩnh vực nào, nhất là về học vấn, nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém một ai cả. Tôi không muốn học để làm quan, song học để dằn mặt người Pháp thì tôi sẵn lòng.”

Thượng toạ Thích Thường Chiếu bên bàn thờ Tổ khai sơn Ba La Mật. Ảnh: Diên Thống

Tốt nghiệp trường Thuộc địa, Lê Huy Miến không trở về làm quan như hai người bạn đồng học. Vì yêu thích hội họa, và có lẽ mượn cớ để tránh đường hoạn lộ mà ông vốn dĩ không ham, ông đã quyết định ở lại tiếp tục theo học trường Mỹ thuật Paris. Ông đã làm quen với nghệ thuật vẽ sơn dầu và trở thành người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu của Đông Dương.

Về nước năm 1898, được triều đình Huế mời ra làm quan nhưng ông từ chối, chỉ lấy “ngao du sơn thủy” làm vui. Năm 1899, ông phụ trách vẽ minh họa cho nhà in Schneider, nhà in đầu tiên tại Hà Nội. Rồi do mối liên hệ mật thiết giữa hai họ Lê-Đào, ông đã nhận lời về Vinh làm việc với Đào Tấn, Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh). Năm 1902, vua Thành Thái triệu Đào Tấn về kinh nhậm chức Thượng thư bộ Công, Lê Huy Miến đã cùng theo làm Hành tẩu bộ Công, phụ trách công việc vẽ bản đồ và kiến trúc cho cung đình Huế. Công việc này đã đưa đẩy ông nhiều dịp gặp Thành Thái, cùng chí hướng chống Pháp, được vua tin dùng, bí mật giao cho ông nhiệm vụ vẽ mẫu súng bộ binh của phương Tây để đem thuê đúc, mưu trang bị cho đội nữ binh của vua trong nội phủ. Sự thân cận của những người có đầu óc chống thực dân bị chính quyền bảo hộ Pháp nghi ngờ. Khi các bản vẽ vũ khí của Thành Thái bị phát hiện, vua giả điên, xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho vua bị điên, ép ông thoái vị, bức Đào Tấn về hưu và đẩy Hành tẩu Lê Huy Miến về Nghệ An. Tương truyền trong thời gian giữ chức Hành tẩu bộ Công, Lê Huy Miến đã được Đào Tấn tiến cử vào cung để vẽ chân dung cho vua Thành Thái, đồng thời kể chuyện văn minh phương Tây cho vua nghe. Bức Chân dung vua Thành Thái được hoàn thành, vẽ cảnh vua Thành Thái ngồi hóng mát ở nhà Lương Tạ, trước Phu Văn Lâu. Nhà vua xem tranh rất thích, ban thưởng họa sĩ được ngồi ăn cơm với mình. Đây được xem là một cử chỉ “vô tiền khoáng hậu” tại chốn cung đình.

Mãi đến năm 1907, theo lời khuyên của một bạn học cũ, Lê Huy Miến mới trở vào Huế nhậm chức giáo sư hội họa và Pháp văn tại trường Quốc Học để tránh bị bức hại của chính quyền thực dân. Năm 1913, ông đảm nhận vai trò trợ giáo tại trường Hậu Bổ - Huế. Đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc giáo, năm 1919 thăng làm Đốc giáo. Năm 1923, chuyển sang phụ trách trường Quốc Tử Giám, trở thành Tế tửu, dạy cả Pháp văn. Ông về hưu vào tuổi 56, vì mắt bị mờ (nhiều người nghi là do âm mưu hạ độc của chính quyền thuộc địa). Khi về hưu ông được thăng Lễ bộ Thượng thư trị sự Thiện đại phu. Ông mất năm 1943, hưởng thọ 71 tuổi. Mộ táng tại xứ Trường An, làng Phước Tích (Phong Điền). Triều đình Huế truy tặng ông hàm Tế tửu Quốc Tử Giám, Hiệp tá đại học sĩ, Vinh lộc đại phu.

Tác phẩm của Lê Huy Miến để lại còn đến bây giờ chỉ là một số chân dung và rất ít tranh diễn tả sinh họat cuộc sống, theo khuynh hướng tả thực, “dùng phương pháp Tây phương để trình bày phong cảnh và con người An Nam”. Trong đó có thể kể đến Chân dung cụ Nguyễn Văn Mại- Tác phẩm sơn dầu đầu tiên được họa sĩ vẽ tại Paris vào năm 1894. Nguyễn Văn Mại (1853-1945) là học trò cũ của cụ Lê Năng Nghiêm, thân phụ Lê Huy Miến. Khi đi sứ sang Pháp, cụ Nguyễn Văn Mại có tìm gặp Lê Huy Miến và bức tranh được hình thành trong thời gian này. Tiếc là bức tranh này hiện không biết đã lưu lạc nơi nào.

Bức thứ hai là bức Chân dung cụ Tú Mền (1898). Theo mô tả của tác giả Ngô Kim Khôi, Chân dung cụ Tú Mền là một bức họa khổ 54×63 cm, chất liệu sơn dầu trên vải thô dầy, căng trên khung gỗ. Tác phẩm được thực hiện trong thời gian 3 tháng. Cụ Tú Mền, trước kia cụ là thầy dạy chữ nho của Lê Huy Miến, và cũng là một đông y sĩ đã từng giúp gia đình ông. Cụ tên thật là Nguyễn Vĩnh Mậu, sinh năm 1834, người xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đỗ tú tài khoa Đinh Mão, năm 1867. Bức tranh đã được viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia (Hà Nội) mua lại vào thập niên 1970 của thế kỷ trước.

Thứ ba là bức Bình văn - Một bức sơn dầu khổ 68x97cm, vẽ cảnh một lớp học chữ Nho và được họa sĩ Thái Bá Vân đánh giá: “…họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh Bình văn là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời và thêm một học vấn vững chãi không lặp lại một lần thứ hai nào nữa”. Song, do trên tranh không hề ghi tên tuổi hoặc ký hiệu gì cho nên dù phân tích, mổ xẻ và được nhiều người vẫn đoan chắc đó là tranh của Lê Huy Miến. Nhưng khẳng định 100% thì vẫn là một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Bức tranh này cũng đã được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia mua lại và mang về lưu giữ vào tháng 8/1972.

Thứ nữa là Hai bức Chân dung ông bà Lê Năng Nghiêm, phụ mẫu của họa sĩ, được biết là còn lưu giữ tại gia tộc ở Nghi Lộc (Nghệ An)…; Hai bức Chân dung cụ Đào Tấn; Chân dung Tổng đốc Hoàng Cao Khải… Theo thống kê của tác giả Ngô Kim Khôi thì có trên 13 bức. Song, thông tin từ giới mỹ thuật trong nước thì di sản tranh của họa sĩ Lê Huy Miến hiện chỉ còn hiện hữu 7 bức, trong đó riêng tại chùa Ba La Mật như chúng tôi đã đề cập đang lưu giữ đến 2 bức. Một tỷ lệ làm…chông chênh những người yêu thích mỹ thuật.

Tôi có người bạn vong niên, là con của một họa sĩ thế hệ sau Lê Huy Miến. Anh may mắn còn lưu giữ được một số bức tranh của cha và nghe nói có người đã ngấp nghé trả đến 200 lượng vàng nhưng anh chưa gật. Vậy thì những bức tranh của Lê Huy Miến đang lưu giữ tại chùa Ba La Mật là vàng ròng còn gì. Tôi hấp tấp chạy về thăm chùa để làm cái việc có thể hơi thừa và có khi hơi… vô duyên: Thông báo cho Thượng toạ trú trì giá trị của những bức tranh (điều mà có khi ông đã quá thừa biết) đồng thời cảnh báo nhà chùa cần để mắt bảo vệ kẻo đạo tặc đến viếng như chơi. Cũng cần nói thêm, chuyện đạo tặc vào chùa rinh chuông trộm tượng đã không còn là hiếm gặp nữa; chuông tượng còn bị trộm (nói lạy phật) có khi chỉ để bán…đồng nát; huống gì là tranh quý có thể đổi vàng mà chúng từ nan. Cho nên, biết là có thể vô duyên, nhưng tôi vẫn quyết báo để khỏi thừa.

*
*     *
Trở lại 2 bức họa Chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận (cũng là nhạc gia của họa sĩ). Hai bức tranh này đều không sử dụng chất liệu sơn dầu như thường thấy ở tranh của Lê Huy Miến mà được vẽ bằng phấn màu trên giấy (có họa sĩ gọi là phấn tiên). Khổ tranh theo quan sát của chúng tôi cũng không phải là 60x80cm như nhiều tài liệu mô tả mà chỉ khoảng 40x60cm. Cụ ông Nguyễn Khoa Luận trong bức vẽ ngồi xếp bằng khoan thai trên chiếc ghế tựa lớn bằng gỗ có chạm khắc nhẹ, râu trắng và ngắn, đôi mắt sáng tinh anh, đầu chít khăn đỏ, mặc chiếc áo tràng màu xám tro buông thả mềm mại, quần trắng, cổ đeo tràng hạt dài phủ quá mặt ghế, tay trái cầm quyển kinh Bát Nhã chữ Hán, tay phải cầm quạt lông để dựng. Cụ bà cũng được vẽ ngồi trên ghế gỗ chạm đặt trên thảm dệt màu xám nhạt, phía sau là một bức tường vôi đỏ. Tóc búi rẽ giữa, trán cao, khuôn mặt hơi xương gầy, mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi hài đen, tay trái cầm quạt lông để ngang tự nhiên, tay phải đặt trên thành ghế. Sau lưng là một tấm thảm(?) hoa văn làm nền khiến chân dung nổi lên rất đẹp. Cả hai bức tranh đều có tuổi thọ ngót nghét 115 năm, song vẫn đang trong tình trạng được bảo quản khá hoàn hảo, màu tranh, nét vẽ đều còn rất sáng rõ. Duy nền giấy thì đã có một đôi chỗ bị mối mọt. Thượng toạ Thường Chiếu cho hay, nhà chùa xưa nay cũng không có giải pháp bảo quản gì đặc biệt. Có lẽ do chùa luôn khô thoáng. Tranh của cụ ông (Ngài Viên Giác Đại Sư) được dựng độc lập trên giá; của cụ bà thì được treo trên tường gỗ (chứ không phải tường vôi, gạch) từ xưa đến nay, cho nên hạn chế được ẩm mốc. Vả lại, trong chùa hương khói thường xuyên có lẽ cũng là một tác nhân tình cờ giúp cho các họa phẩm bền lâu với thời gian (?).
 
Hữu xạ tự nhiên hương, cuối tháng 6-2014 vừa rồi, đoàn công tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Lê Huy Tiếp (cháu nội của cụ Lê Huy Miến) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Bảo tàng dẫn đầu đã vào Huế tìm về Ba La Mật để tiếp cận 2 bức họa. Đoàn đã tiến hành một số thao tác kỹ thuật để giúp bảo quản tranh; khảo sát, đo đạc… để tiến hành lập hồ sơ. Thượng toạ Thường Chiếu và nhà báo Nguyễn Khoa Diệu Hà (Đài TRT), những người chứng kiến công việc của đoàn công tác đã kể, khi hạ bức tranh xuống để tiến hành xử lý bảo quản, soi kính lúp vào, ai cũng phải trầm trồ thán phục tài năng của Lê Huy Miến. Không hiểu vẽ kiểu gì mà những chữ nho nhỏ li ti trên cuốn kinh vẫn hiện ra vô cùng rõ nét (nhờ vậy mới biết chính xác đó là cuốn kinh Bát Nhã). Rồi kể cả những đường mạch máu trên cơ thể nhân vật cũng được thể hiện hết sức chuẩn xác, tỉ mẫn. Dụng công đến thế, trách gì tranh không lung linh, sống động.
 
Riêng về năm hoàn thành 2 bức tranh vừa kể, một số người cho rằng có thể chúng ra đời muộn hơn sau năm 1900, bởi mãi đến năm 1902 Lê Huy Miến mới theo Đào Tấn vào Huế. Đến đây thì một câu hỏi khác lại nảy sinh, bởi nếu sau 1900 thì ngài Viên Giác đã viên tịch, nguyên mẫu đâu cho họa sĩ vẽ? Chỉ có một cách giải thích, đó là vẽ qua mô tả của người nhà và dựa vào những bức ảnh chụp ngài Viên Giác lúc sinh thời (Hiện chùa Ba La Mật đang còn tôn trí một bức ảnh chụp Viên Giác Đại sư và người đệ tử Viên Thành, bức ảnh được phóng to và nét ảnh khá rõ). Với tài năng của họa sĩ Lê Văn Miến, người ta tin điều ấy là hoàn toàn có thể. Bởi cũng như bức chân dung cụ Tú Mền, Lê Văn Miến thỉnh thoảng chỉ đến “ngắm dung nhan” của cụ Tú, sau đó ghi nhớ và về nhà vẽ lại. Tuy nhiên, để giải toả cho những thắc mắc trên, Thượng toạ Thường Chiếu cho hay, sắp tới ông sẽ đến nhà thờ họ Lê xin được xem gia phả. Với một gia đình truyền thống danh gia vọng tộc như họ Lê, ông tin rằng gia phả sẽ ghi chép rất cẩn thận, đầy đủ và chính xác. Chỉ cần xem ngày sinh tháng đẻ của những người con của Lê Huy Miến với người vợ thuộc họ Nguyễn Khoa, chắc chắn sẽ suy ra được niên đại của 2 bức họa hiện nhà chùa đang lưu giữ.
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiến tặng di sản

Áo Nhật Bình của Hoàng hậu Nam Phương, những kỷ vật của vua Hàm Nghi, mũ quan đại thần… là những món quà “vô giá” được các cá nhân dành tặng cho Huế.

Hiến tặng di sản
Tết sớm ở Thuận Hóa

Những ngày này, không khí tết cổ truyền như đến gần hơn với người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi các địa phương trên địa bàn quận Thuận Hóa đồng loạt tổ chức “Tết Đoàn kết” với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa.

Tết sớm ở Thuận Hóa
Hoàng cung xưa, trải nghiệm mới

Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giá trị văn hóa lâu đời, di sản Huế đang bước vào một hành trình mới đầy sống động.

Hoàng cung xưa, trải nghiệm mới
Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Hương xuân chưa phai

TIN MỚI

Return to top