 |
Thế hệ trẻ trải nghiệm các bài học về văn hóa truyền thống (ảnh minh họa) |
Vè Huế có nhiều đặc điểm riêng biệt, không lẫn với các vùng miền khác. Về nội dung, vè là một dạng văn học truyền miệng, khó có thể xác định ai là tác giả và thường mang tính thời sự khá cao với nội dung là kể về một sự kiện, biến cố có tính thời sự, hay nói về những sản vật địa phương, đôi khi là thói hư tật xấu, những bất thường diễn ra trong cuộc sống. Về hình thức, vè có lối diễn xướng đa dạng, có thể ngâm, kể, hát... Người kể vè thường sử dụng các nhạc cụ dân gian, như đàn tranh, đàn nhị, sáo... để tăng thêm sự sinh động và hấp dẫn cho câu chuyện.
Không như miền Bắc, Huế không có truyền thống “hát xẩm” mà chỉ có hình thức “kể vè” phổ biến khắp các làng quê với nhiều bối cảnh. Bất cứ lứa tuổi, giới tính nào đều có thể tham gia kể vè với nhiều mục đích: giải trí, trêu ghẹo, khuyên răn, phê phán… Tuy nhiên, theo những ghi nhận của tác giả Hoài Thanh trong bài viết “Vè Thất thủ Kinh đô” đã cho thấy vào thời cận hiện đại, cùng với sự xuất hiện của các đô thị được tổ chức theo lối phương Tây, “kể vè” dần dần cũng có lúc trở thành một phương tiện mưu sinh cho những người khuyết tật, tương tự như “hát xẩm”. Vào thời điểm ấy, “kể vè” của Huế và “hát xẩm” miền Bắc đã có một sự tương đồng lớn khi đều được kết hợp bởi các yếu tố: người mù, kể chuyện (thời sự) có sự trợ giúp của nhạc cụ cổ truyền. Các bài vè nổi tiếng lưu truyền có thể kể đến là vè Thất thủ Kinh đô, vè Tự Đức lên ngôi, vè Thất thủ Thuận An, vè Thầy pháp, vè Ông Bộ Đông Xuyên cưới vợ hầu…
Là một dòng văn hóa dân gian, vè Huế có giá trị văn hóa to lớn, là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Hiện nay, nghệ thuật kể vè vẫn thường được sử dụng trong sân khấu ca kịch Huế hay các hoạt cảnh âm nhạc cổ truyền. Ví như bài vè “Thất thủ Kinh đô”, đã được sưu tầm, biên khảo một cách đầy đủ ở nhiều công trình khác nhau, việc phục dựng lại một cách đầy đủ bài kể vè “Thất thủ Kinh đô” cũng hoàn toàn nằm trong khả năng cho phép. Vấn đề còn lại là tổ chức tái hiện lại các bài kể vè trong không gian của đền Âm linh, miếu Âm linh, miếu Âm hồn, nghĩa trũng Ba Đồn (gắn với chùa Ba Đồn) trong các dịp tế lễ một cách có ý thức trách nhiệm để giữ gìn được tinh hoa của vè Huế. Việc tái hiện này cần có ý nghĩa, không chỉ nhằm gìn giữ, phục hồi một di sản văn hóa phi vật thể gần như đã bị quên lãng mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử cho hậu thế và cũng là cơ sở cho sự lưu truyền, tích lũy, sáng tạo nghệ thuật kể vè (cả về ca từ lẫn làn điệu) cho thế hệ nối tiếp.
Trong bối cảnh Huế đang hướng đến việc khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển thì kể vè gắn với di tích, lễ hội liên quan đến sự kiện thất thủ Kinh đô hoàn toàn có thể phát triển thành một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Dĩ nhiên, cần có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp bởi không gian và tính chất của di sản mang tính tâm linh, nhạy cảm - nhất là tính “trọng lễ” trong văn hóa Huế.
Hiện nay, số người biết kể vè và yêu thích vè, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng ít đi. Huế, nhất là khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần các biện pháp rõ rệt hơn để bảo tồn, truyền bá loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu văn hóa, còn cần sự chung tay của cộng đồng mà đặc biệt là những người trẻ. Cần có các biện pháp hữu hiệu cho việc lan tỏa, truyền dạy về vè cho thế hệ trẻ, tạo ra các sân khấu, không gian để vè được biểu diễn rộng. Đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân vè tiếp tục sáng tác, gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Song song, cần đầu tư phát triển các câu lạc bộ kể vè, động viên công tác sưu tầm, biên soạn, truyền dạy cũng như phổ biến các bài kể vè. Mặc dù đã được đưa vào chương trình giáo dục văn hóa địa phương, nhưng loại hình này vẫn cần một cú hích để có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa hơn với đối tượng là học sinh và giáo viên. Cần lắm sự khuyến khích sáng tác và đưa kể vè vào cùng các loại hình nghệ thuật khác nhau (kịch, điện ảnh…); sử dụng những ưu thế của phương tiện truyền thông mới để quảng bá.