ClockThứ Năm, 21/08/2014 12:42

Để Vọng Cảnh níu chân du khách

TTH - Đồi Vọng Cảnh là một trong những danh thắng thiên nhiên bậc nhất của đất Cố đô. Sau khi một dự án xây dựng khách sạn tại đây bị dừng vào năm 2005, Vọng Cảnh dường như "ngủ yên". Việc chỉ giữ nguyên hiện trạng ở đây là không tương xứng tiềm năng to lớn của nó và là sự tiếc nuối của người yêu Huế nhưng khai thác đồi Vọng Cảnh thế nào để vẫn giữ được môi trường, cảnh quan là một câu hỏi khó.

 

Ghé qua rồi đi

 

Trong số những danh thắng thiên nhiên trong phạm vi gần của Huế, đồi Vọng Cảnh được xếp vào một trong những địa danh nổi tiếng nhất. May mắn thay, qua nhiều biến cố lịch sử và thời gian, đồi Vọng Cảnh giữ được hầu như nguyên trạng vẻ đẹp. Điều này phần lớn cũng nhờ sự nhận thức của các cấp quản lý có liên quan để bảo tồn cảnh quan. Đặc biệt là công trình phủ xanh bằng rừng thông xanh ngắt và sự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh của đơn vị quản lý đã hồi sinh vẻ đẹp nguyên sơ và thơ mộng của địa danh này, biến nó trở thành địa điểm yêu thích của các nhiếp ảnh gia cũng như điểm dừng chân ngắm cảnh của nhiều người yêu phong cảnh.

 

Cảnh quan Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh

 

Thế nhưng, những gì mà đồi Vọng Cảnh có thể đưa lại trong tình trạng hiện thời vẫn chưa xứng với tiềm năng của nó để trở thành một nơi giữ chân du khách. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đoạn đường dẫn đến chân đồi đã xuống cấp nghiêm trọng. Du khách bị cấm đi xe lên đồi nhưng lại không có nơi để gửi xe. Mặt khác, sự vắng lặng ở đây cũng có phần nào gây cảm giác bất an cho những người hay cả nghĩ. Tất cả những điều đó đã tạo nên thực tế là lượng du khách đến đồi Vọng Cảnh rất ít. Hơn nữa, mỗi lần đến, họ cũng chỉ mất chừng vài mươi phút với việc dừng một chút ở đỉnh đồi và đi dạo vòng quanh rồi từ biệt. Với giới nhiếp ảnh, do rừng thông đã che khuất phần lớn tầm nhìn nên mỗi người sau vài lần chụp với vài góc nhìn quen thuộc cũng thôi không lui tới nữa vì chẳng còn mấy đề tài để mà khai thác. Tình trạng này làm cho đồi Vọng Cảnh, cũng giống như Huế nói chung, có nhiều tiềm năng nhưng du khách chỉ ghé qua một chút rồi đi.

 

Bài học về tháp Eiffel, khi mới bắt đầu được xây dựng thì gặp phải sự phản đối gắt gao của nhiều người dân Pháp và sau đó đã trở thành biểu tượng của Paris, thu hút một lượng khách đông đảo đến tham quan cũng như đưa lại doanh thu khổng lồ cho thành phố này vẫn còn nguyên giá trị. Một điểm cao mới trên đồi Vọng Cảnh có thể cũng sẽ làm được điều tương tự, góp phần níu chân du khách nhiều hơn khi đến Huế, cũng là tăng thêm cơ hội để họ chi tiền cho các sản phẩm du lịch khác, góp phần thu lợi cho thành phố trong định hướng lấy du lịch làm mũi nhọn trọng tâm phát triển kinh tế của mình.

Thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, phải có thêm những công trình mới tại đồi Vọng Cảnh. Tuy nhiên, công trình gì thì phải cân nhắc kỹ để trước hết đảm bảo hai tiêu chí quan trọng là không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và giữ được môi trường trong sạch, không làm bẩn nguồn nước tại trạm bơm lấy nước cho nhà máy nước Vạn Niên, nơi cung cấp nước sạch cho toàn thành phố. Vì thế, những công trình xây dựng lớn như các khách sạn nhiều tầng, các công trình giải trí hiện đại kiểu cảm giác mạnh, ồn ào có phần không thích hợp mà nên định hướng về các công trình mang tính văn hóa và giải trí nhẹ nhàng.

 

Nên chăng, một kiến trúc có độ cao

 

Đáp ứng những tiêu chí kể trên, một kiến trúc có độ cao trên đỉnh đồi Vọng Cảnh là một giải pháp có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, từ tầm cao vượt quá những rặng thông hiện tại, tầm nhìn sẽ được khai phóng và du khách cũng như giới nhiếp ảnh sẽ có điều kiện tốt hơn để ngắm cảnh và vì thế họ sẽ dừng chân lâu hơn cũng như lui tới nhiều lần hơn.

 

Một điểm cao để ngắm cảnh cũng chính là một điều mà các thành phố du lịch hay tạo dựng. Một số thì dựa vào các điểm cao tự nhiên như các đỉnh núi, một số thì nhờ công trình đã có sẵn như các ngọn tháp hoặc các tòa nhà chọc trời. Một số khác thì tạo dựng luôn một công trình với mục đích chính là tạo điểm nhìn trên cao như tòa tháp Space Needle ở Seatle, Mỹ là một ví dụ điển hình. Những điểm cao đó ngoài việc cung cấp một điểm nhìn, thường có kèm thêm nhiều dịch vụ khác như các bản đồ giải khát và đồ ăn nhẹ, bán các đồ lưu niệm và các sản phẩm văn hóa đặc sắc của địa phương. Tất cả những điều đó làm cho chúng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn được nhiều thời gian và sự chi tiêu của người đi du lịch.

 

Một điểm cao, chẳng hạn như một ngọn tháp trên đồi Vọng Cảnh không những không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần tô điểm thêm, tạo thêm điểm nhấn cho nó. Vấn đề về vệ sinh môi trường cũng có thể dễ dàng được xử lý vì nguồn nước thải cũng không lớn, lại tập trung và dễ dàng được xử lý với các công nghệ thời nay. Với những ý tưởng và luận cứ đó, có thể công trình sẽ nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân.

 

Mạnh dạn suy nghĩ, mạnh dạn tiến hành để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch là một điều cần thiết để phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế Huế nói chung.

Bài, ảnh: Hà Viết Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top