ClockThứ Sáu, 04/02/2022 06:30

Đạo hiếu trong nhà vườn xứ Huế

Ân tình xứ HuếHuế ơi, bây chừ…Tết trồng cây “rặt Huế”

Từ hình tượng bụi tre, bụi chuối

Tre già măng mọc, hay chuối sau cau trước là nguyên lý định vị không gian, từ đời sống thường nhật lại mang đậm tính thiêng đặc trưng của gia phong xứ Huế. Hàng tre bao bọc khu vườn, từ ngõ có bình phong án ngữ trước nhà, gắn với hàng cau. Ở góc bếp sau nhà là bụi chuối và cau, chuối đều là quả phẩm thiêng liêng dâng cúng tổ tiên.

Tre và chuối có chung phương thức phát triển từ cây thành bụi, mô hình lý tưởng với bụi có 4 - 5 thế hệ lần lượt các mụt con. Tre già sẽ có nhiều tre con bao bọc xung quanh và tùy mục đích sử dụng để chọn cây phù hợp mà không ảnh hưởng cây khác, là việc rất khó - “Nhứt chặt tre, nhì ve gái”. Lõi chuối phát sinh lần lượt thành nhiều lớp bẹ chuối bao bọc thành thân chuối mềm dẻo, vững chãi bám chặt lòng đất. Khi có 2-3 lớp con cháu, chuối mẹ dồn hết sinh lực sinh ra bắp chuối, phát triển thành buồng chuối, có nhiều nải chuối, mỗi nải lại có nhiều trái chuối: biểu tượng của sự đủ đầy, sinh sôi trong khát vọng phồn thực cháy bỏng của con người.

Đến bàn thờ gia tiên

Bàn thờ gia tiên đóng vai trò trung tâm trong không gian nhà vườn, để phân định đông bình tây quả, chuối sau cau trước, thể hiện cô đọng thế ứng xử đặc trưng, ngoài quan niệm Tam tài theo trục thẳng đứng (Thiên - Địa - Nhân), còn chú trọng Tứ phương (Đông - Tây, Nam - Bắc), để con người Thái hòa trong vũ trụ. Chất lượng sống là độ hài lòng, ung dung tự tại với cuộc sống, thấm đẫm quan niệm Vô thường của Phật giáo hay Vô vi của Đạo giáo. Yếu tố cá nhân nhường chỗ cho vị tha với Trời, Đất, đạo lý, tổ tông ông bà, cho mai sau tốt lành. Không gian thiêng đó xuyên suốt chức năng hương hỏa truyền thống, vận hành liên tục dạng tre già măng mọc để phong khí gia tộc hưng khởi với khát vọng con hơn cha là nhà có phúc.

Cổng ngõ có môn thần, bình phong tích tụ linh khí, trấn trừ tà khí từ bên ngoài để hun đúc cho chức năng hương hỏa của gia tộc, qua hai điểm thiêng là bài vị - bát hương trên bàn thờ (đàn ông) và trang bếp - bếp lửa ở nhà dưới (phụ nữ). Đạo thờ cúng tổ tiên nổi bật, rất được cổ súy từ thời Nguyễn nên thờ cúng và tổ tiên đặc biệt được quan tâm. Tổ tiên gồm người đã khuất (thờ cúng) và cả người đang sống (phụng dưỡng). Chức năng hương hỏa là trụ cột nối kết mọi thành viên - không gian - thế giới trong gia đình, tạo nên gia phong để gắn liền mật thiết với xã hội.

Gia đình là tế bào hạt nhân, cộng đồng huyết thống là yếu tố then chốt trong quá trình mở cõi lập làng về phương Nam, đặc biệt được cổ súy thời Nguyễn. Tròn đạo hiếu, con cháu nỗ lực hết mình để “tu thân”, “tề gia”, “vinh danh” gia tộc - tạo phước, không làm “ô danh” - tạo nghiệp chướng, vô phước. Gia pháp, gia quy, gia phong... dần được hình thành. Sự phân định nhà trên - nhà dưới gắn liền bát hương - bếp lửa bởi định chế hương hỏa, tạo nguồn lực vĩnh cửu nối kết gia tộc. Tổ tiên ở hai thế giới âm - dương được thông linh qua bát hương, bài vị trên bàn thờ, để chứng giám và trao truyền cho ông bà, cha mẹ đang sống nuôi dạy con cháu sum vầy. Con hơn cha - nhà có phúc là khát vọng cao cả cho gia đình “phát”, “tụ”, đúng nghĩa “tre già măng mọc”.

Khát vọng vinh danh gia tộc luôn được bồi bổ, thành tinh thần cốt yếu với ngọn lửa gia phong liên tục ở bát nhang - bếp lửa, được cụ thể hóa thành trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng cho mọi thành viên trong việc nối dõi, đảm bảo vật chất và tinh thần cho tổ tiên đã khuất cũng như đang sum vầy cùng con cháu (tam đại bất hiếu). Do vậy, con cháu phải chăm chút bàn thờ tổ tiên, hương khói cho bát nhang luôn cháy, nuôi dạy con cái thành danh để gia môn rạng rỡ: “một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm dơ cả họ chịu tiếng”.

Vấn đề đạo hiếu trong văn hóa gia tộc

Với khát vọng mãnh liệt, con cháu nỗ lực tự thân nhưng luôn khiêm tốn với “nhất duyên nhì phận tam phong thổ, tứ tích âm công ngũ độc thư”, nên nghệ thuật phong thủy tín ngưỡng giúp trợ lực, hiện thực hóa nó. Hành hỏa phương nam đầy vượng khí, nên hướng nam được coi là trục chủ đạo, lý tưởng. Bình phong - gian thờ được nối kết thông linh để bồi bổ nguyên khí cho gia môn, liên quan trực tiếp tới gian phải - Tây phòng (hành Kim, của gia chủ) và gian trái - Đông phòng (hành mộc, nữ gia chủ). Hướng đông mặt trời mọc, gắn liền với bếp và thiên chức của người phụ nữ. Trục không gian thiêng Tiền - Trung - Hữu của người đàn ông phụ quyền gắn liền cây cau nghi lễ; tương tự là biểu tượng cây chuối trong trục Tiền - Trung - Tả của người phụ nữ, gắn liền khát vọng phồn thực, sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống.

Chuối, mía là cây thiêng trong văn minh cổ Đông Nam Á bởi bộ rễ bám sâu trong lòng đất, nguyên lý sinh sôi nảy nở liên tục, mang lại vị ngọt cho đời (lưu ảnh mía, bẹ chuối trong lễ mở cửa mả ở Huế, để dẫn dắt linh hồn). Gia giáo xưa cố công nuôi dạy con cái nên người, “trai thì cha dạy văn chương, gái thì mẹ dạy trăm đường nết na” để làm tròn chữ hiếu. Sinh con, dưỡng dục là thiên chức, đức hy sinh cao cả của mạ (mẹ) với gia tộc, từ sáng tới tối, từ bếp lên bàn thờ ra ngõ, từ Nguyên đán đến Trừ tịch, không quản ngại thời gian, công sức, tâm sức.

Cây chuối có gốc chắc khỏe, rễ bám sâu lòng đất, lõi chuối lần lượt sản sinh lớp lớp bẹ chuối ôm chặt, làm nên thân chuối mềm dẻo, vững chãi. Có thân như không thân, chuối mẹ oằn thân, dồn hết sinh lực để sản sinh duy nhất buồng chuối, mang lại quả ngọt rồi lụi tàn nhường chỗ cho con cháu tiếp tục sứ mệnh. Bụi chuối lý tưởng với 3-5 thế hệ sum vầy là tiền đề cho khát vọng hương hỏa tứ - ngũ đại đồng đường, biểu tượng tương Sắc - Không và Luân hồi của Phật giáo. Tre già măng mọc là tư tưởng nhân tâm, nguồn nhân lực chiến lược.

Phật giáo cho rằng, có hai người không thể trả ơn hết được, là mẹ và cha: luôn thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ con cái lớn khôn vô bờ bến. Cha lo đối ngoại và kinh tế - xã hội. Mẹ là nội tướng, mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con thành người, phụng dưỡng ông bà và thờ cúng tổ tiên. Phật giáo và Đạo thờ cúng tổ tiên có điểm chung hòa quyện hệ giá trị cội nguồn nhân văn. Cây chuối là biểu trưng của lòng mẹ, tảo tần mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con cái, cùng với cha, làm nên cặp đôi đạo hiếu vĩnh cửu, mạch nguồn đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây” thấm đẫm tinh thần nhân văn Việt.

Bài: Minh Phương

Tranh: Võ Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế
Giữ gìn văn hóa Huế

Văn hóa Huế tuy chỉ là một đường vân, một mảng màu, một góc riêng trong bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sống động, lộng lẫy, bao la và đằm sâu. Tự biết sức mình nên tôi chỉ chọn những gì cụ thể, mắt thấy tai nghe về văn hóa Huế, những nét riêng có và dĩ nhiên Đẹp của người Huế viết ra đây để chúng ta có thể tự hào.

Giữ gìn văn hóa Huế
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

TIN MỚI

Return to top