ClockThứ Tư, 13/11/2024 19:07

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TTH - Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển Loại bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mớiHiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

Những nghệ nhân gạo cội tại mảnh đất A Lưới luôn tâm huyết truyền đạt những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ 

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Bà Kăn Hà, một nghệ nhân sống tại xã Lâm Đớt ngày ngày vẫn truyền dạy cho lớp trẻ các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng, như Cha chấp, Ba booch, Ka lới của dân tộc Pa Cô. Từ thuở nhỏ, bà Kăn Hà đã say mê văn nghệ. Lớn lên, bà tham gia cách mạng và từng là thành viên của đoàn văn công phục vụ bộ đội. Khi trở về địa phương, bà không ngừng sưu tầm, ghi chép và dạy lại những làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc mình. Bà Kăn Hà chia sẻ: “Tôi cố gắng truyền lại cho thế hệ sau các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Cơ Tu, Pa Cô để các bản sắc văn hóa của đồng bào mình không bị mai một. Sau này tôi có mất đi rồi thì các con, các cháu vẫn duy trì được các làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình”.

Huyện ủy A Lưới đã ban hành Nghị quyết về “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện A Lưới, giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghị quyết này tập trung vào việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng đang có nguy cơ mai một. Để triển khai hiệu quả, huyện đã hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất cho các nghệ nhân, già làng và người có uy tín để họ yên tâm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những hiểu biết thức về văn hóa truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các DTTS, huyện đã xây dựng các dự án hỗ trợ nghệ nhân, già làng truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ. Chúng tôi mong rằng các giá trị truyền thống không bị mai một và luôn được duy trì”.

Về văn hóa phi vật thể, huyện A Lưới đã tổ chức các lễ hội truyền thống như Ariêu Car, Ariêu A Da để tái hiện và duy trì nét văn hóa đặc trưng. Huyện cũng đề nghị công nhận lễ hội Ariêu Car là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, huyện đã biên soạn, in ấn các tài liệu bằng song ngữ Pa Cô - Việt, Tà Ôi - Việt và Cơ Tu - Việt, giúp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, các di sản như tên làng, tên núi, dân ca, dân vũ và ca dao, tục ngữ của các dân tộc thiểu số đều được sưu tầm và lưu giữ cẩn thận.

Gắn với phát triển du lịch

Huyện A Lưới đã gắn công tác bảo tồn với phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, và du lịch sinh thái. Bằng cách hợp tác với các công ty du lịch, huyện đã xây dựng nhiều chương trình tour khám phá các di sản văn hóa và di tích lịch sử, như Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà trưng bày hiện vật văn hóa và chiến tranh, nhà trưng bày di tích Đồi A Biah và các lễ hội, nghi lễ truyền thống như cúng cơm mới, tắm suối, đi sim và dâng zèng.

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Huyện A Lưới đã phục hồi rất nhiều lễ hội gắn với các nghi lễ của đồng bào dân tộc. Những nghi lễ cổ truyền được tái hiện sống động, đẹp mắt. Tham dự các lễ hội này, chúng ta sẽ cảm nhận được sinh khí của các nghi lễ ngày xưa tại vùng cao A Lưới, nơi giàu truyền thống văn hóa đặc sắc. Những người nghiên cứu văn hóa cần quan tâm và nghiên cứu sâu hơn để vừa gìn giữ vừa phát triển các di sản văn hóa này”.

Ngoài việc khôi phục các lễ hội, huyện còn phục dựng nghề gốm cổ truyền của đồng bào Pa Cô, vốn đã thất truyền hơn 50 năm. Với sự hỗ trợ từ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nghề gốm cổ truyền nay đã hồi sinh, trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng khôi phục các nhà Rông, nhà Gươl và nhà Moong, biểu tượng kiến trúc truyền thống của các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Cô. Huyện cũng đã xây dựng một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhà trưng bày các hiện vật lịch sử văn hóa, nhằm giữ gìn các giá trị lịch sử của các dân tộc.

Huyện A Lưới sẽ trở thành bảo tàng sống về kiến trúc, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực và sinh hoạt của đồng bào DTTS, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau. Những nỗ lực của các nghệ nhân cùng với sự quan tâm của chính quyền huyện và sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa đã góp phần giúp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên dải núi Trường Sơn không bị mai một.

Bài, ảnh: Bạch châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân

Ngày 24/4, Đảng ủy Công an TP.Huế tổ chức đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025) và học tập tấm gương anh dũng hy sinh của liệt sĩ Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải và liệt sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Kha.

Phát động đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân
“Tìm đường” đến danh hiệu di sản

Trong bức tranh toàn cảnh về người Cơ Tu, lễ hội mừng lúa mới giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, làm nổi bật các đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan cũng như các hệ tri thức bản địa. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc, TP. Huế”.

“Tìm đường” đến danh hiệu di sản
Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng

Cách đây chưa lâu, khi nhắc đến A Lưới nhiều người vẫn ái ngại vì dịch vụ lưu trú ở huyện vùng cao còn quá nghèo nàn và thiếu thốn. Thế nhưng hôm nay, khi quay lại A Lưới, mọi người đều bất ngờ với sự thay đổi ngoạn mục, chất lượng dịch vụ du lịch nơi đây phát triển vượt bậc. Những cảnh quan nhiên, như suối A Nor (Hồng Kim), Par Le (Hồng Hạ)… được đầu tư, đánh thức. Các khu homestay, farmstay… mọc lên đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, biến A Lưới trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng
Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực

Tổ hợp trải nghiệm văn hóa - ẩm thực - quà tặng đặc sản kinh đô nằm ở tầng 1, tòa nhà Sốngcentre Huế (khu A2 Khu thương mại Hùng Vương, đường Bà Triệu, quận Thuận Hóa) vừa chính thức khai trương, mở cửa đón người dân và du khách vào chiều 19/4.

Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực

TIN MỚI

Return to top