ClockThứ Năm, 16/03/2023 07:32

Bảo tồn, phát huy hệ giá trị văn hóa con người Huế

Đó là chủ đề hội thảo do Thành uỷ Huế phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức chiều 14/3. Tham dự có Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; các nhà nghiên cứu, khoa học, nhà sử học và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan. 
leftcenterrightdel
Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định cho rằng, Huế là một trong những trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam.

Với việc sở hữu 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận, Huế có sức thu hút các nhà nghiên cứu và khách du lịch trên toàn thế giới.

Với những yếu tố khác biệt, đặc sắc bắt nguồn từ các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú đã làm Huế hội đủ các điều kiện cần để trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và quốc tế. 

Sự phát triển kinh tế cũng kéo theo những nguy cơ tác động xấu đến các giá trị đạo đức, làm phôi pha truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, nề nếp, gia phong trong cộng đồng cũng như trong mỗi dòng họ, gia đình.

Việc tìm ra giải pháp để phát huy hệ giá trị của phong tục, tập quán và văn hoá con người Huế là hết sức cấp bách và quan trọng, cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình “Đô thị di sản đặc thù”, mà thành phố Huế hiện nay đóng vai trò là lõi trung tâm của mô hình đô thị đó. 

Với nỗ lực, quyết tâm xây dựng thành phố Huế "Văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc" trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, hội thảo nhằm tập hợp, cô đọng một số đặc điểm con người Huế nổi bật và phong tục, tập quán Huế phổ thông nhằm nhìn nhận, thảo luận những giá trị đặc sắc cần lưu truyền, những điểm cần sửa đổi cho phù hợp hơn với cuộc sống đương đại, làm cơ sở cho việc định hướng tuyên truyền, xây dựng lối sống văn minh, giàu bản sắc. 

Theo TS.Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, văn hóa Huế, con người Huế đã hội tụ sự sáng tạo, hình thành nên một sắc thái riêng thể hiện những giá trị của văn hóa Kinh kỳ - biểu tượng cho văn hóa Việt suốt nhiều thế kỷ. 

Để phát huy hiệu quả các giá trị con người Huế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như bồi dưỡng ý thức cộng đồng, chú trọng tiếp thu cái mới; tăng cường tuyên truyền nâng cao dân trí, nếp sống cư dân đô thị; đồng thời mở rộng giao lưu nhằm tiếp thu tinh hoa các vùng miền trong nước và thế giới; phát huy vai trò của cơ quan, đoàn thể trong định hướng tổ chức các phong trào hoạt động.

Dịch giả, Nhà văn Bửu Ý cho rằng, tổ chức gia đình ở Huế, thì ông bà, cha mẹ, con cháu…chung sống với nhau dưới một mái nhà là hình ảnh bắt gặp rất nhiều ở Huế. Những giá trị tinh thần, tâm linh được gìn giữ, như: Tưởng nhớ những người thân đã qua đời qua những ngày húy kỵ, đề cao lễ nghĩa, tôn ti trật tự, sự vâng lời và nhất là lòng hiếu thảo. Huế đã từng là kinh đô của cả nước hơn một thế kỷ nên đã xây dựng một lớp người có lối sống riêng. Lớp người này thiên về tình cảm hơn là duy lý, trọng đạo lý hơn là bằng cấp, tình nghĩa hơn là địa vị, tiền tài, nặng lòng với đời sống tinh thần, tâm linh hơn là đời sống vật chất. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán của con người Huế cũng được nêu ra, như cần ngăn chặn các tệ nạn xã hội từ các đối tượng vị thành niên; quan tâm đến việc chăm sóc người già, neo đơn và các đối tượng chính sách; hạn chế bạo lực gia đình, ly hôn và bất bình đẳng giới; xây dựng các thiết chế giáo dục mới, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài ở các dòng họ…

Kết luận tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập, đô thị hóa, tính cách ứng xử của con người Huế cũng có nhiều điểm mạnh cần phát huy, bên cạnh đó cũng có không ít những điểm hạn chế, cản trở bước phát triển, hội nhập nên cần thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Hội thảo tiếp tục nêu lên những trăn trở đối với vấn đề bảo tồn và phát huy phong tục, tập quán con người Huế, văn hoá Huế. Để giải quyết các vấn đề đặt ra, sắp tới, Thành uỷ giao Ban Tuyên Giáo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về các vấn đề nêu trên; đồng thời xây dựng giáo trình giảng dạy cho học sinh nhằm cụ thể hoá các nội dung liên quan đến hội thảo.

Tin, ảnh: THANH HƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top