ClockChủ Nhật, 07/06/2015 15:17

14 năm nhớ Trịnh Công Sơn: Lắng đọng, da diết và nhớ mãi!

TTH.VN - Tiếp nối hành trình xuyên Việt tưởng niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tối qua (6/6), đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” thu hút hàng ngàn người yêu nhạc tới sân khấu tại Phu Văn Lâu. Với hơn 27 ca khúc chọn lọc của cố nhạc sĩ tài hoa, khán giả Cố đô đã có một đêm thỏa nguyện với nhạc Trịnh.

Sức hút mãnh liệt

Nhớ Trịnh Công Sơn là chuỗi chương trình âm nhạc cộng đồng mà gia đình, những người bạn, những người yêu nhạc Trịnh đã bền bỉ tổ chức hàng năm từ 14 năm nay khi nhạc sĩ lìa xa cõi đời. Sau sự kiện âm nhạc lớn “10 năm nhớ Trịnh Công Sơn” được tổ chức vào năm 2011, năm nay, chương trình âm nhạc 14 năm nhớ Trịnh Công Sơn “Nối vòng tay lớn” xuyên Việt hội ngộ khán giả Cố đô.


Đêm diễn đông nghịt khán giả

20 giờ đêm diễn mới bắt đầu nhưng từ sớm, các ngả đường dẫn đến Phu Văn Lâu đã đông nghịt người. Trước khi chương trình diễn ra, sân khấu không còn chỗ. Hàng nghìn người phải đứng ở vòng ngoài. Điều đó cho thấy sức hút của nhạc Trịnh với người dân Huế, không chỉ với thế hệ cao niên, trung niên và cả với các bạn trẻ. Ông Nguyễn Trung Trực, đại diện BTC cho biết, dự kiến phát 15.000 vé nhưng số người đăng ký quá đông, BTC đã phát hành thêm 2.500 vé.

Trong không gian thanh mát của khu vực Phu Văn Lâu, với khán đài chỉ đơn giản là những hàng ghế con và chiếu trải dưới đất, nhạc Trịnh cứ thế vang lên, lan tỏa, hòa quyện và để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả. Chính tinh thần “trải chiếu ngồi nghe nhạc” ấy đã mang đến không khí thân tình, gần gũi cho đêm nhạc và hơn hết, còn tạo nên những cảm hứng để trên sân khấu, người nghệ sĩ xúc cảm và bay bổng hơn trong những lời ca.

Dù phải dời lại 2 lần nhưng chương trình có sự tham gia đầy đủ của tất cả các nghệ sĩ, ca sĩ được mời. Như ca sĩ Cẩm Vân, dù bận show diễn ở nước ngoài nhưng cô đã hủy show để tham dự đủ 3 đêm nhạc ở Huế - Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Đó là sức hút và tình cảm mà các nghệ sĩ dành cho cố nhạc sĩ.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ chia sẻ đầu chương trình: “Trong một đoản văn mà anh Sơn tôi đã từng viết: “Khi bạn có một xứ sở để trở về - hoặc để thỉnh thoảng trở về - thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm…”. Xứ sở để trở về với niềm hạnh phúc đó chính là thành phố Huế - cũng là quê hương của gia đình chúng tôi - nơi mà tối nay chúng ta cùng gặp nhau trong một chương trình âm nhạc mang tên “Nhớ Trịnh Công Sơn”. Đây là một cuộc hẹn hò, gặp gỡ thân tình giữa những người bạn - những người yêu mến anh Sơn và những nghệ sĩ đã gắn bó với chương trình âm nhạc này trong những năm qua”.

Cũng theo bà Trịnh Vĩnh Trinh, chọn chủ đề “Nối vòng tay lớn” vì năm nay kỷ niệm 40 năm ngày quê hương Việt Nam không còn chiến tranh: “Anh tôi là người luôn mong ước ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp, người Việt Nam nắm tay nhau. Tôi nghĩ rằng, tất cả những ai yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn đều cảm nhận được khát vọng hòa bình trong nhiều ca khúc của anh. Không chỉ là niềm mơ ước, đó còn là dự cảm của anh về một ngày thống nhất sẽ đến và ngày ấy đã đến từ năm 1975 - như anh đã hát “Tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam. Tôi đi chung cuộc mừng…””.

Hòa quyện lòng người

Với thiết kế không gian độc đáo, đầy cảm xúc và gần gũi cùng những thanh âm trong trẻo, các ca sĩ đã làm sống lại trong lòng khán giả những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ họ Trịnh, như: Đêm thấy ta là thác đổ, Sóng về đâu, Ru ta ngậm ngùi, Ra đồng giữa ngọ, Huyền thoại mẹ, Rừng xưa đã khép, Diễm xưa, Nối vòng tay lớn.... với sự trình bày của các ca sĩ nổi tiếng: Cẩm Vân, Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Việt Hoàn, Đức Tuấn, Hoàng Quyên, hai cha con nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn và An Trần...


Ca sĩ Cẩm Vân – người gắn bó với nhạc Trịnh hơn 30 năm qua tiếp tục ghi dấu ấn với khán giả qua chương trình

Bao giờ cũng vậy, chất âm nhạc thuần khiết, mộc mạc nhưng sang trọng, đậm chất tự sự của Trịnh Công Sơn làm rung động bao trái tim của người yêu nhạc. Khán giả đắm mình với những giai điệu lúc ngọt ngào, khi sâu lắng, in hằn trong đó là những trải nghiệm về cuộc đời, thân phận con người, tình yêu... Những bài hát của Trịnh Công Sơn vang lên âm hưởng về tình yêu cuộc sống, yêu đời và yêu người. Trong khoảnh khắc, thứ âm nhạc tuyệt diệu ấy đã phá tan mọi khoảng cách giữa người và người, để cùng nhau đắm mình trong không gian âm nhạc lắng đọng, trong trẻo.

Ý tưởng hát những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn nhân 40 năm ngày giải phóng là lý do lần đầu tiên BTC mời hai ca sĩ thuộc dòng nhạc đỏ là NSƯT Việt Hoàn và NSƯT Quang Lý hát nhạc Trịnh. Người nghe được sống trong những cảm xúc về khát vọng hòa bình, đoàn kết dân tộc, tình yêu, sự sẻ chia trong những ca khúc: Ta thấy gì đêm nay, Dựng lại người, dựng lại nhà, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Phúc âm buồn, Nối vòng tay lớn…

Mở đầu chương trình, hai ca sĩ Việt Hoàn, Đức Tuấn đã hâm nóng sân khấu với những ca khúc “Ta thấy gì đêm nay – Dựng lại người dựng lại nhà – Huế, Sài Gòn, Hà Nội”. Việt Hoàn và Đức Tuấn còn tiếp tục song hành cùng NSƯT Quang Lý ở nhạc phẩm “Chờ nhìn quê hương sáng chói”. Nếu như ca sĩ Quang Lý gửi rất nhiều tình cảm trong ca khúc “Em đi bỏ lại con đường” thì Việt Hoàn cũng rất trau chuốt khi xử lý tình khúc “Tình yêu tìm thấy”.

Tâm sự với khán giả, NSƯT Việt Hoàn bộc bạch: “Trước đây, tôi đã nhiều lần nghe nhạc Trịnh nhưng đây là lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn để hát nhạc Trịnh. Đây có lẽ là sáng kiến của BTC, bởi trong bề dày sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có rất nhiều ca khúc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh. Tôi mong phần trình diễn của mình sẽ mang đến cái nhìn mới mẻ, màu sắc hơn trong âm nhạc Trịnh Công Sơn”. 

Ca sĩ Đức Tuấn, người gắn bó với chương trình “Nhớ Trịnh Công Sơn” qua nhiều năm mang tới đêm nhạc sự mới mẻ, tươi sáng như chính phong cách trẻ trung của anh qua các ca khúc “Ra đồng giữa ngọ”, “Phúc âm buồn”. Diva Mỹ Linh với giọng ca cao vút, bài bản trong “Huyền thoại mẹ” và “Rừng xưa đã khép” đã giành được nhiều tràng pháo tay của khán giả. Thanh Lam và Tùng Dương với cách thể hiện mãnh liệt, phô diễn kỹ thuật và đầy ngẫu hứng trong những ca khúc: Hành hương trên đồi cao, Diễm xưa, Hạ trắng, Hãy yêu nhau đi. Khán giả cũng thích thú khi gặp lại một Cẩm Vân đã đồng hành cùng nhạc Trịnh trên 30 năm mà vẫn giàu nội lực với “Sóng về đâu” và “Ru ta ngậm ngùi”. Trong đêm nhạc, khán giả không chỉ được thưởng thức tiếng kèn Saxophone điệu nghệ của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mà còn thích thú với tiếng kèn của nghệ sĩ nhí An Trần, cô con gái nhỏ mới 11 tuổi đầy tài năng của anh.


Phần biểu diễn của các em ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú khiến hàng ngàn khán giả thích thú và xúc động

Bên cạnh những tên tuổi gạo cội, như: Cẩm Vân, Thanh Lam, Quang Lý, Mỹ Linh... đến những ca sĩ trẻ như Đức Tuấn, Tùng Dương, Hoàng Quyên, đêm nhạc còn mang đến sự bất ngờ đầy xúc động cho khán giả khi có sự tham gia biểu diễn của nhóm nhạc thiếu nhi đến từ Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (TP Huế) cùng với các em thiếu nhi của Soul Music Academy và nghệ sĩ Thanh Bùi trong các ca khúc: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Ở trọ, Biết đâu nguồn cội. Tiết tấu vui tươi của ca khúc khiến chương trình trở nên vui nhộn, rộn ràng. Đó như là một sự tiếp nối thế hệ để các em có thể phát huy giá trị âm nhạc của Trịnh và nối lại vòng tay lớn giữa các thế hệ, cùng nhau xây dựng đất nước ngày mỗi đẹp hơn. Chương trình để lại nhiều ấn tượng đẹp khi khép lại với ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Tất cả đã mang đến không gian âm nhạc vừa đủ say mê, tha thiết, vừa đủ da diết, lắng đọng và vừa đủ nhớ!

Chia sẻ cảm xúc sau khi xem hết chương trình, bà Đặng Thị Lan (phường Xuân Phú, TP Huế) trầm lắng: “Nhạc Trịnh luôn có một sức hút đặc biệt đối với người yêu âm nhạc trung niên như chúng tôi. Nghe nhạc Trịnh để thấm đẫm với triết lý cuộc đời trong từng khuôn nhạc, để được vỗ về yêu thương sau những lúc thăng trầm, để sống chan hòa và đầy tình thương, san sẻ giữa những kiếp người. Mặc dù là chương trình miễn phí nhưng chúng tôi đã được thưởng thức một đêm nhạc có chất lượng âm thanh, ánh sáng, ca sĩ hàng đầu Việt Nam. Đêm nay, tôi đã thực sự được sống trong một không gian âm nhạc lắng đọng, da diết và sẽ nhớ mãi!”.

Bài, ảnh: Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Hương xuân chưa phai
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn

Nguyên đán là một điển lễ triều hội của Triều Nguyễn, xưa lễ này gọi là “tiết Nguyên đán” (tết Nguyên đán). Theo quy định được tổ chức tại những địa điểm quan trọng gọi là “Ngự tiền” (là khu vực phía trước vua ngự - cụ thể là ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh). Lễ Nguyên đán còn tổ chức ở Từ Cung (sau này là cung Diên Thọ, nơi ở của thân mẫu nhà vua), ở điện Khôn Đức (sau này là cung Khôn Thái, nơi ở của hoàng hậu), ở Thanh Cung (nơi ở của Hoàng thái tử). Lễ tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với những nghi tiết gắn liền điển lệ cung đình.

Lễ Nguyên đán thời Nguyễn
Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ

Ông có những câu thơ hết sức tài hoa như: Thiếu sam nhân ỷ châu lan khúc/ Mang sát vương tôn tử mạch đầu”...

Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa

TIN MỚI

Return to top