ClockThứ Năm, 27/05/2010 07:15

"Không xa đâu Trường Sa ơi..."

TTH - Tôi thật vinh dự và tự hào khi được làm thành viên cùng đoàn công tác số 4 với gần 100 thành viên ra thăm hỏi, tặng quà, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa thân yêu.  

Với tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”, nhiều phong trào hướng về biển, đảo thân yêu, được các cấp, các ngành và nhân dân khắp mọi miền đất nước tích cực hưởng ứng, tham gia đã góp phần cổ vũ động viên, tiếp thêm sức mạnh để quân và dân trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp tục nâng cao khả năng quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.


Những người lính đang ngày đêm bảo vệ biển đảo Trường Sa

Tất cả thành viên của đoàn công tác số 4 có mặt tại Nhà khách Hải quân, Quận I, TP Hồ Chí Minh sớm một ngày để nghe các đồng chí thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân quán triệt các nội quy, quy định trước khi hành quân.

 Đúng 8 giờ sáng hôm sau, chiếc tàu HQ957 do trung tá Phạm Văn Hưng làm thuyền trưởng hú 3 hồi còi, nhổ neo rời cảng Cát Lái lướt về phía mặt trời mọc-biển đông. Chúng tôi cùng các đại biểu đứng trên boong tàu vẫy tay đáp lại các sĩ quan của Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân ra tiễn đưa. Ngồi trên tàu, lòng dạ tôi cứ bồn chồn, hồi hộp mong sớm đến Trường Sa. Con tàu từ từ lướt trên mặt biển dịu êm.

Ở trên boong, những thành viên trong đoàn, nhất là cánh nhà báo cứ đi lại thoải mái với máy ảnh trên tay để ghi lại những khoảnh khắc quý hiếm trong đời. Thấy chúng tôi hơi ngạc nhiên vì sóng biển không lớn, thuyền trưởng Phạm Văn Hưng nói: “Đoàn chúng ta đi vào thời điểm tốt nhất của cả năm, không có giông, tố nên biển rất êm”. Rồi anh giải thích thêm: Các anh không nghe người ta nói: “Tháng Ba bà già đi biển à”(tháng Ba âm lịch-PV). Quả thật, những ngày chúng tôi đi, biển tương đối dịu êm. Chúng tôi thoả thích lên boong tàu để ngắm nhìn khung cảnh hữu tình của biển cả. Trông những đoàn tàu đánh cá trên biển trong thanh bình, càng thấy yêu hơn biển đảo rộng lớn, giàu đẹp của Tổ quốc...


Chăm sóc rau sạch ở Trường Sa

Vậy là chúng tôi đã 8 ngày lênh đênh trên biển, được ghé thăm các nhà giàn DK1 cùng với nhiều đảo nổi, đảo chìm và cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Đông-Nam của Tổ quốc. Nhưng, trong lòng ai cũng nóng lòng được đặt chân lên đảo Trường Sa lớn - nơi được xem là thủ đô của quần đảo Trường Sa (trong hải trình, đảo Trường Sa lớn là điểm cuối cùng của đoàn ghé thăm). Bởi vậy, nên khi qua ngày thứ 9, nghe các thuỷ thuỷ trên tàu nói sắp đến đảo Trường Sa lớn, ai nấy đều phấn khởi hẳn lên.  

Đúng 16 giờ chiều, tất cả các thành viên đều lên boong tàu để được ngắm đảo Trường Sa thân yêu từ xa. Một vệt xanh nổi lên trên biển, nhiều người không ai hẹn ai, cùng chỉ tay về phía đảo reo vui “A! đảo Trường Sa kia rồi”. Nhìn từ biển, đảo Trường Sa là một vạt màu xanh biên biếc, với những hàng phong ba, bão táp, tra, bàng vuông hiên ngang, kiên cường trước sóng, gió biển khơi. Ẩn hiện dưới rừng cây là những mái ngói đỏ, cột ăng ten, dãy quạt gió phát điện sừng sững. Chiếc tàu HQ957 từ từ cập cầu cảng đảo Trường Sa lớn trong niềm vui khôn tả của mọi người.   

Một cảm giác tuyệt vời lâng lâng khó tả khi được lần đầu trong đời đặt chân xuống chiếc cầu cảng dẫn vào đảo Trường Sa Lớn - “thủ phủ” của huyện đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng và xa xôi nhất của Tổ quốc. Quân và dân huyện đảo-những con người đón ánh nắng mặt trời sớm nhất nước Việt Nam đã tập trung ở đây từ khá lâu để đón đoàn. 

Chúng tôi bắt gặp những gương mặt rắn rỏi, nụ cười rạng rỡ của quân và dân trên đảo. Càng ngạc nhiên hơn khi có khá nhiều cháu nhỏ cũng ra đón đoàn. Đi sâu vào đảo là một đường băng khổng lồ chia đảo làm hai và những con đường bê tông chạy dài khắp đảo. Cột mốc chủ quyền sừng sững uy nghiêm tại một vị trí trang trọng. 

Bên những con đường là khóm cây xanh với các loại  phong ba, cây tra, cây bàng vuông xanh mướt và những vườn cây đủ đủ, giàn bí, bầu, rau xanh các loại. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch riêng biệt, xa khu dân cư và đơn vị bộ đội. Nhìn tổng thể, đảo Trường Sa lớn như một thành phố xanh - sạch - đẹp đang vươn mình giữa biển khơi. 

Nơi ở của các hộ dân sống ở đảo là một dãy nhà khang trang (mỗi nhà khoảng 200m2) được xây dựng, bài trí rất đẹp. Trong nhà, các vật dụng đầy đủ, tiện nghi. Chị Lương Thị Tình (vợ anh Nguyễn Văn Trung) bảo, người dân sống ở đảo được nhận vào làm công nhân viên quốc phòng. Ngoài ra, đa số những hộ dân ở đây vẫn tranh thủ thời gian đi biển. Nguồn hải sản ở đây rất lớn, nếu đánh về mà gia đình dùng không hết thì nhập cho bộ đội để tăng thu nhập. Các cháu nhỏ đều được đi học chu đáo... 

Trung tá Lã Tuấn Quang, Đảo trưởng đảo Trường Sa lớn cho hay, diện mạo của huyện đảo Trường Sa được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn. Minh chứng cho điều này là chiếc cầu cảng dài 150m được xây dựng như cánh tay trần vạm vỡ, vững chắc vươn ra biển đón những con tàu từ đất mẹ vượt qua muôn ngàn sóng gió để đến với Thị trấn Trường Sa thân yêu. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, trạm thu, phát tín hiệu Viettel, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã góp phần nâng cao đời sống của quân, dân huyện đảo. 

Các công trình: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Liệt sỹ, Nhà khách Thủ đô… là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân và dân huyện đảo. Ngoài việc thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững chủ quyền biển đảo, chúng tôi cũng coi trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cho thị trấn. Trung tá Đinh Văn Hải, Chỉ huy Phó, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện đảo Trường Sa khẳng định: “Quân dân trên đảo luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.Những năm qua, cán bộ và chiến sĩ của  đảo Trường Sa luôn phát huy được truyền thống anh hùng, luôn xác định đúng nhiệm vụ huấn luyện học tập, công tác xây dựng đơn vị. 

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà còn tích cực hỗ trợ nhân dân trong tăng gia sản xuất, hướng dẫn người dân làm quen với việc đánh bắt cá, tham mưu với  Đảng uỷ, UBND thị trấn về phương án phát triển kinh tế toàn diện; từ đó, xây dựng tốt mối đoàn kết quân dân trên đảo”....


Hẹn gặp lại nhé, Trường Sa

 Cuộc gặp gỡ nào cũng đến giờ phút chia tay. Sau một đêm và buổi sáng ở lại đảo, đúng 11h trưa 20-4, đoàn công tác lưu luyến chia tay với quân, dân nơi đây. Con tàu HQ957 lại hú lên 3 hồi còi dài dần rời xa chiếc cầu cảng. Thế là mong ước của tôi một lần ra đảo Trường Sa để nhìn tận mắt, bắt tận tay và nghe kể về những công việc thầm lặng của quân, dân nơi đây đã thành hiện Thực. 

Chia tay quân và dân huyện đảo Trường Sa về với đất liền, tôi cứ nhớ như in câu nói của Bác Hồ “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày và biển, bờ biển ta dài và tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” thường được bài trí trang trọng trên mỗi điểm đảo mà  tôi đến.

Bài và ảnh: Thái Bình
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top