Thể thao trong nước
CẦU LÔNG HUẾ:

Hy vọng ở chiến lược mới

ClockThứ Bảy, 18/05/2019 12:29
TTH - Một thời gian dài “bết bát” ở các đấu trường trong nước, việc “đại thay đổi” nhân sự đang trở thành quyết định chiến lược của ban huấn luyện bộ môn cầu lông tỉnh ngay trong năm 2019.

Cầu lông vượt dốcPhát hiện nhiều nhân tố triển vọng tại giải bóng bàn – cầu lông các lứa tuổi CLB tỉnhCầu lông Huế: Khó khăn nhưng không bỏ cuộc

HLV Đặng Nhĩ Hà (bên trái) huấn luyện kỹ thuật thi đấu cho học trò

Chờ thành tích quá lâu

Không bất ngờ tại giải cầu lông các câu lạc bộ toàn quốc năm 2019 (tại tỉnh Khánh Hòa từ ngày 23 - 27/4), các tay vợt của bộ môn cầu lông tỉnh chỉ mang về đúng 1 huy chương đồng (HCĐ) nội dung đôi nam nữ của hai vận động viên (VĐV) Trần Văn Quý - Nguyễn Thị Hồng Nhung (không tính nhóm tuổi lớn). So với những mùa giải đã qua, thành tích đó không đủ để chứng minh nỗ lực của đoàn quân huấn luyện viên (HLV) Đặng Nhĩ Hà.

Cầu lông Huế có một giai đoạn nhiều thành công với những VĐV, như Nguyễn Quang Phong (HCĐ SEA Games 23 năm 2015), Ngô Viết Ngọc Huy (thường nằm trong top 6 - 10 toàn quốc) hay Dương Quốc Khánh, Trần Thị Thanh Xuân ở các giải trẻ. Nhưng chuyện vui chẳng kéo dài. Kể từ sau tấm HCĐ vô địch quốc gia của nam VĐV Ngô Viết Ngọc Huy (năm 2013) và nhất là sự ra đi của tay vợt này (năm 2015) cùng một số VĐV khác, cầu lông Huế “xuống sức” và ít khi có thành tích cao ở các đấu trường lớn trong nước. Chỉ nhìn từ năm 2017 trở lại, mỗi năm tham dự đến 3 - 4 giải, nhưng các học trò của HLV Đặng Nhĩ Hà chỉ mang về đúng 1 huy chương, con số quá thấp và khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng VĐV (năm 2017 HCĐ giải các nhóm tuổi toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh; năm 2018, HCB giải trẻ xuất sắc tại Quảng Nam).

Ngoài tập luyện chuyên môn, ban huấn luyện bộ môn cầu lông tỉnh còn cho VĐV tập thể lực

Hơn 3 năm loay hoay với bài toán thành tích, chính HLV Đặng Nhĩ Hà, Trưởng bộ môn Cầu lông tỉnh cũng phải chua xót thừa nhận lực lượng chưa thể đáp ứng yêu cầu chất lượng, trong khi nhiều VĐV có tiềm năng chưa đạt tới độ chín thì phía sau vẫn đang thiếu hụt lực lượng kế cận.

Mạnh dạn thay đổi

HLV Đặng Nhĩ Hà chia sẻ, từ Giải cầu lông các câu lạc bộ toàn quốc năm 2019, bộ môn bắt đầu “cuộc cải cách” nhân sự tập luyện và thi đấu, tiến hành sàng lọc và cho thôi tập với những VĐV nhiều năm không có thành tích dưới sự thống nhất của phụ huynh và VĐV theo cam kết từ đầu.

Thực tế, cũng có những VĐV không có nguyện vọng gắn bó lâu dài do muốn chuyển hướng tìm tương lai mới, bộ môn cũng sẽ đồng ý để “thay máu” triệt để, chỉ giữ lại những người tâm huyết và muốn cống hiến lâu dài. “Chúng tôi đã trăn trở vấn đề này từ rất lâu. Phương án dự kiến giữ lại khoảng 4 VĐV nhóm thiếu niên và trẻ để tham gia các giải sắp tới và làm nền tảng thúc đẩy thế hệ kế cận. Trong dịp hè 2019, bộ môn sẽ tiến hành đợt tuyển quân ở TP. Huế và các vùng lân cận, bổ sung lực lượng và đưa ra kế hoạch đào tạo, tập luyện mới cho họ”, người đứng đầu bộ môn cầu lông tỉnh khẳng định.

Mạnh dạn thay đổi có lẽ là phương án hợp lý nhất, bởi không thể “nuôi” những VĐV nhiều năm kém thành tích. Song, làm mới phải cần tính toán phương án hợp lý và cần kiên nhẫn đầu tư, huấn luyện. Rõ ràng, như xây dựng một công trình, làm mới bao giờ cũng tốn kém và mất thời gian hơn, nhưng chất lượng cũng sẽ hơn kiểu chắp vá. Với quyết định lớn trong thay đổi nhân sự, khó khăn phía trước của thầy trò bộ môn cầu lông tỉnh sẽ không ít. Điều cần chú trọng là chất lượng khi tuyển quân, không thể chọn qua loa đồng thời cũng phải có sự cam kết gắn bó từ phía phụ huynh. Huế đang có phong trào tập luyện cầu lông rất tốt và điều đó sẽ là cơ sở để HLV Đặng Nhĩ Hà cùng các cộng sự thực hiện mục tiêu của mình.

Trong hai giải đấu vào tháng 6/2019 là giải các lứa tuổi thiếu niên toàn quốc và giải trẻ toàn quốc, cầu lông Huế vẫn chưa kịp để làm vui lòng người hâm mộ, song bộ môn này phải vạch ra được lộ trình và chứng minh thành tích trong vài năm tới khi lực lượng đã được “thay máu”. Đừng giữ những cái cũ bất hợp lý, nhưng đã làm mới thì phải hiệu quả.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Return to top