ClockThứ Năm, 21/05/2020 15:20

Xuất khẩu lao động tại A Lưới: Cần linh hoạt giải pháp để gỡ khó

TTH - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng đi được khuyến khích để giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Song với người nghèo, thiếu nguồn chi phí ban đầu lại là một trong những rào cản lớn nhất “giữ chân” họ trong vòng luẩn quẩn

Khởi công dự án nâng cấp và sửa chữa hệ thống nước sạch ở A Lưới trị giá 1 tỷ đồngCô trưởng thôn được dân bản tin, quýKhởi công “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ đơn thân A LướiBên cột mốc yêu thương

Các địa phương cần tuyên truyền, vận động giúp người dân tham gia XKLĐ (Ảnh minh họa)

Vòng luẩn quẩn

Đến nhà nhiều lần, chúng tôi mới gặp được Lê Thị Nghêm (trú tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới). Gượng cười mỗi lần nói chuyện nhưng nét mặt Nghêm không che giấu được sự vất vả, buồn bã. Em kể: “Sau khi học xong lớp 12, em phụ gia đình bằng nghề đi kiếm lan rừng. Khó khăn không kể hết và rất muốn đi XKLĐ, thế nhưng do nhà nghèo không có chi phí ban đầu bỏ ra để ăn học. Nếu không đáp ứng được điều kiện đó, em sẽ không hoàn thành được hồ sơ để đi Nhật Bản hay Đài Loan lao động kiếm tiền giúp gia đình”.

Trường hợp như Lê Thị Nghêm tại huyện A Lưới phải đếm đến con số hàng chục. Nói như cách ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội huyện A Lưới, đó là vòng luẩn quẩn mà nếu giải quyết được, thời điểm hiện tại cũng sẽ giúp cho khoảng 20 trường hợp đi XKLĐ. Ông Tĩnh phân tích, dù có nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách và hỗ trợ từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, nhưng theo quy định của pháp luật, những hỗ trợ trên chỉ được thanh toán khi người dân có hợp đồng lao động ký với công ty. Để đáp ứng điều kiện đi XKLĐ, họ phải trải qua quá trình học nghề, học ngoại ngữ cùng với chi phí ăn ở đi kèm. Người dân vùng cao rất nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên với họ nguồn chi phí 10 – 15 triệu đồng bỏ ra ban đầu là quá sức.

“Nếu các trường hợp được đi XKLĐ được, thu nhập tốt sẽ giúp họ thoát nghèo. Nhưng người nghèo lại không có chi phí ban đầu, dù Nhà nước có những cơ chế hỗ trợ nhưng người dân lại chỉ nhận được sự hỗ trợ đó sau khi đã trải qua khóa đào tạo và ký hợp đồng XKLĐ. Điều này khiến nhiều trường hợp “mắc kẹt” không thể đi được, nghèo vẫn hoàn nghèo”, ông Tĩnh trăn trở.

Theo đại diện Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện A Lưới, mặc dù XKLĐ được xem là giải pháp giúp người dân thoát nghèo nhưng đến nay số lượng đang còn hạn chế. Tính từ năm 2017 đến nay, A Lưới có khoảng hơn 50 trường hợp đi XKLĐ. Tâm lý người dân có thể vận động được, nhưng bài toán nguồn vốn ban đầu rất khó khăn. Dù đã có nhiều đề xuất với tỉnh, huyện và tìm nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể tạo lập được nguồn quỹ ban đầu để hỗ trợ cho người dân. Còn theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, vừa qua Sở có đề xuất gói hỗ trợ liên quan nhưng vẫn đang chờ tỉnh xét duyệt.

Cần giải pháp linh hoạt

XKLĐ được địa phương xác định là một trong những hướng thoát nghèo cho người dân, vì vậy bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rất cần linh hoạt tìm các giải pháp. Theo ông Tĩnh, tại A Lưới thường có nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ các dự án, chương trình giảm nghèo hay công tác xã hội. Nếu lãnh đạo địa phương, ngành chức năng có giải pháp kết nối, vận động để họ chuyển cách làm, từ tặng hiện vật sang hỗ trợ tiền mặt hoặc tạo quỹ cho mượn đối với các trường hợp có khả năng lao động để làm vốn ban đầu tham gia học tập một số chi phí cho XKLĐ sẽ khá hiệu quả. “Các hình thức hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt vẫn rất tốt nhưng với các trường hợp có nguyện vọng XKLĐ thì cách làm trên tôi nghĩ sẽ hiệu quả. Khi họ đi XKLĐ, nếu mượn nguồn vốn ban đầu đó sẽ đủ khả năng trả. Nguồn quỹ đó sẽ được xoay vòng giúp các trường hợp sau”, ông Tĩnh phân tích.

Theo đại diện Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài thị trường lao động Nhật Bản, có thể tìm các thị trường lao động yêu cầu đầu vào không quá khắt khe, quy trình phỏng vấn đơn giản, thời gian đào tạo ngắn thì chi phí ban đầu sẽ giảm, đơn cử như Ả Rập, Đài Loan, các nước châu Âu. Ngoài ra, địa phương có thể kết nối, đặt vấn đề với các doanh nghiệp XKLĐ về hỗ trợ khó khăn cho người dân, các chính sách cho nợ chi phí đào tạo ban đầu. Điều quan trọng song song là cần tuyên truyền rộng để người dân biết và hiểu kỹ các vấn đề, quyền lợi liên quan đến XKLĐ.

Anh Mai Quang Chính, phụ trách văn phòng tại Huế - Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Suleco cho rằng, từ kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương, có thể xem xét hỗ trợ cho người dân vay, nợ nguồn chi phí ban đầu, nhất là người dân nghèo ở vùng cao, không có tài sản để thế chấp. Song vấn đề phối hợp giữa doanh nghiệp và ngành chức năng địa phương phải thực sự gắn kết, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững

Xử lý nước thải tại Huế là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp, các giải pháp xử lý nước thải không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là những di sản văn hóa và thiên nhiên quý giá của Huế.

Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động

TIN MỚI

Return to top