ClockChủ Nhật, 03/05/2020 07:25

Bên cột mốc yêu thương

TTH - Từ TP. Huế, ngược gần 110km lên Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt (A Lưới), theo chân cán bộ, chiến sĩ tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, chúng tôi càng hiểu rõ hơn những chiến công thầm lặng của người lính biên phòng.

Những ngày không quênTràng Định vững vàng trên chặng đường đổi mới

Đồn BPCK A Đớt phối hợp với Đại đội bảo vệ biên giới 531 tiến hành tuần tra song phương

Thắm tình hữu nghị

Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt tiếp chúng tôi theo nghi thức nhà binh. Qua câu chuyện với anh, chúng tôi hiểu hơn công tác đối ngoại biên phòng giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ hai bên biên giới.

Đối diện với Đồn BPCK A Đớt có bản Ka Lô, thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Lực lượng bảo vệ biên giới của bạn có Đại đội bảo vệ biên giới 531, Trạm Công an Tà Vàng luôn có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới giữa hai quốc gia.

Theo Thượng tá Trần Ngọc Sơn, định kỳ hằng quý, Đồn BPCK A Đớt cùng với Đại đội bảo vệ biên giới 531, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông tiến hành hội đàm luân phiên, trao đổi thông tin, nghiệp vụ, phối hợp tuần tra song phương giữ gìn trật tự biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là phòng, chống hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật và các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền để kích động, gây rối trật tự công cộng.

Khu vực biên giới tiếp giáp giữa 2 đơn vị trước đây là nơi khởi điểm trong công tác tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đơn vị phân giới cắm mốc giữa ta và bạn Lào đã chung lưng đấu cật hằng tháng trời giữa chốn rừng sâu, nước độc để hoạch định các vị trí đường biên, mốc giới.

Thượng tá Trần Ngọc Sơn nhớ lại: Xác định vị trí cắm mốc đã vất vả, nhưng để dựng được một cột mốc trên biên giới thì khổ gấp vạn lần. Các vị trí cắm mốc đều nằm trên đỉnh núi mà muốn lên đó chỉ cách phải bò. Thân mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối nặng tới gần 1 tấn, cộng với gần 10 mét khối bê tông gia cố móng. Để vận chuyển được một cột mốc, anh em phải lấy bao tải, chăn bông cũ bọc lại rồi kéo dần từng đoạn. Có khi mấy ngày trời mới đưa được cột mốc đến vị trí tập kết. Mọi người thường nói vui: “Kéo cột mốc như cha anh xưa kéo pháo vào trận địa”.

Kể từ khi triển khai hoạch định, xây dựng tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới, đến công tác bảo vệ đường biên, cột mốc hôm nay, trên bước đường song hành nhiệm vụ, hai bên thường xuyên chia sẻ với nhau những đắng cay, ngọt bùi, vun đắp mối đoàn kết gắn bó keo sơn.

“Việc phối hợp bảo vệ đường biên, mốc giới có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới hai bên được giữ ổn định, hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới đều được phối hợp ngăn chặn kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật về biên giới của Nhân dân được nâng cao”, Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định.

Cán bộ Đồn BPCK A Đớt cùng Tổ tự quản thôn A Tin, xã Lâm Đớt vừa tuần tra vừa phát quang bảo vệ đường biên, mốc giới

Lặng lẽ bước chân tuần tra

Để có sự cảm nhận đầy đủ hơn về những gian khổ, hy sinh và chiến công thầm lặng của các anh, chúng tôi quyết định theo chân tổ công tác của Đồn BPCK A Đớt tuần tra bảo vệ biên giới. Đợt tuần tra lần này, các anh hành quân đến vị trí cột mốc quốc giới 663 trên tuyến biên giới Việt – Lào đoạn qua tỉnh, nơi được xem là hiểm trở, gian khó nhất trong số các mốc giới.

Tờ mờ sáng, khi rừng còn đẫm sương mù, cách nhau khoảng chừng chục mét vẫn không nhìn thấy người phía trước, chúng tôi đã lên đường. Ai cũng được trang bị một chiếc ba lô với cà mèn cơm, bình bi đông nước, gậy Trường Sơn, giày rọ và đôi tất dài chống vắt mà theo cách gọi của các anh ở đồn biên phòng là sà cạp.

Quãng đường vượt rừng lên khu vực mốc giới chỉ hơn chục cây số nhưng đường núi rừng hiểm trở, lực lượng cần phải đi sớm để tránh những cơn mưa rừng bất ngờ ập tới. Vừa ngược rừng chưa đầy 1km, chúng tôi gặp ngay con dốc dựng đứng sừng sững trước mặt mà người dân địa phương gọi là dốc Gió. Đây là chặng đường khó khăn vất vả nhất trên đường tuần tra. Càng leo lên cao dốc càng dựng đứng. 

Mặt trời đứng bóng trên đỉnh La Tưng cũng là lúc tổ tuần tra đến được vị trí cột mốc trung 663. Nghi thức chào mốc giới được thực hiện nghiêm trang, thiêng liêng ở nơi núi rừng biên cương của Tổ quốc, điều mà không phải ai cũng có dịp được cảm nhận. 

Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn BPCK A Đớt, tổ trưởng tổ tuần tra cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 10 cột mốc quốc giới, trong đó có 1 mốc đại, 7 mốc trung và 2 mốc tiểu, trải dài trên gần 20km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào.

Hằng tháng, đơn vị tổ chức các tổ tuần tra hành quân khép kín tất cả các cột mốc do đơn vị quản lý, bảo vệ. Nhiều đợt tuần tra, giữa đường mưa rừng đổ về lấp hết đường mòn, suối đá, buộc cán bộ, chiến sĩ phải treo tăng võng trên các cây rừng để trú tránh nước lũ. Hành trang trong ba lô của các anh không thể thiếu áo mưa, tăng võng…

Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới, nắm tình hình ngoại biên, các anh phải leo đèo, lội suối, vượt núi, băng rừng và dầm mình trong mưa gió đôi khi hằng tuần liền trên tuyến biên giới tiếp giáp với các tỉnh Salavan và Sê Kông (Lào). Bữa ăn có khi chỉ là mì tôm, củ rừng, rau rừng...

Thiếu tá Trần Quốc Toản nói, mỗi cột mốc biên giới còn là biểu tượng vững chắc của sự đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn của hai Đảng, hai Nhà nước và của hai dân tộc Việt Nam – Lào nói chung, cũng như tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế với Sê Kông nói riêng.

Tuyến biên giới Việt – Lào đoạn qua tỉnh có chiều dài 84km, với 37 cột mốc; trong đó có 2 mốc đại, 8 mốc trung, 27 mốc tiểu và 7 cọc dấu, được phân bổ quản lý, bảo vệ bởi 4 đơn vị biên phòng tuyến núi gồm: Đồn BPCK A Đớt, Đồn BPCK Hồng Vân, Đồn Biên phòng Nhâm và Đồn Biên phòng Hương Nguyên.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II - năm 2025. Đây là giải pháp để tiếp tục nâng cao khả năng tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top