ClockThứ Năm, 26/03/2020 14:00

Phát huy giá trị không gian đôi bờ sông Hương

TTH - Cuối tháng 2/2020, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã khảo sát, định hướng mở đường đi bộ nối dài dọc sông Hương, tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho không gian xanh của thành phố.

Ra quân Ngày Chủ nhật xanh và trồng hoa dọc hai bờ sông Hương

Hoàn thiện không gian hai bờ sông Hương sẽ tạo điểm nhấn cho Huế. Ảnh: HOÀNG HẢI

Hiệu ứng từ đường đi bộ

Sau khi đường đi bộ trên sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 53 tỷ đồng đưa vào hoạt động, các tuyến đường, khu vực công viên và điểm xanh dọc hai bờ sông Hương trở nên lung linh và hút khách. Điểm đến của người dân và du khách trong tour du lịch tham quan Huế giờ không chỉ gói gọn ở các lăng tẩm, đền chùa mà tập trung nhiều hơn đến không gian hai bờ sông, nơi có hai tuyến đường đi bộ vừa hoàn thành.

Phát huy giá trị không gian hai bờ sông Hương, UBND TP. Huế đầu tư một số công trình như chỉnh trang hệ thống các công viên Tứ Tượng, sân trước Bia Quốc Học, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường dạo bộ dọc bờ sông khu vực phía Nam với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018. Cuối năm 2019, công trình đường đi bộ khu vực phía Bắc, đoạn từ cầu Trường Tiền đến chân cầu Dã Viên tiếp tục đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần tạo nên 2 tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông; đồng thời, khai thác tối đa vẻ đẹp của dòng Hương và cảnh quan xung quanh các khu vực này. 

Để hoàn thiện không gian hai bờ sông Hương và các khu vực xung quanh, TP. Huế tiếp tục đầu tư trên 50 tỷ đồng chỉnh trang các công viên, điểm xanh, như công viên Thương Bạc, Lý Tự Trọng, Phú Xuân và hệ thống điện chiếu sáng trong các công viên; sắp tới là các dự án chỉnh trang công viên Kim Long (đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Thiên Mụ), tạo chuỗi kết nối với hai tuyến đường đi bộ phía Bắc và phía Nam sông Hương.

“Đường đi bộ xuyên rừng” hoàn thành làm đẹp cho đôi bờ sông Hương. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế Nguyễn Việt Bằng thông tin, ngoài việc chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương, thành phố chuẩn bị chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục, như thảm lại mặt đường, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh, đồng thời triển khai phương án tháo dỡ hàng rào bê tông cả 2 mặt trước và sau các trụ sở cơ quan phía hai bờ sông Hương để thay thế hàng rào mềm nhằm tạo điểm nhấn cho tuyến đường Lê Lợi và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, góp phần hoàn thiện cảnh quan đối với các khu vực xung quanh hai bờ sông.

Thêm xanh, sáng

Năm 2020, thành phố tiếp tục triển khai dự án đầu tư hệ thống điện chiếu sáng các công viên hai bờ sông Hương, giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế xây dựng phương án, trong đó tổng mức đầu tư tổng thể khoảng 50 tỷ đồng.

Phương án cụ thể cho việc chiếu sáng đó là đặt việc chiếu sáng đôi bờ sông Hương nằm trong tổng thể phương án chiếu sáng của TP. Huế, đặc biệt là khu vực trục đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo và các công trình điểm nhấn lân cận của thành phố. Thành phố đang nghiên cứu đầu tư hệ thống chiếu sáng khai thác được từ nhiều hướng nhìn, như từ đường bộ, trên các điểm cao ngắm cảnh, các cây cầu bắc qua sông Hương…

Cùng với hệ thống điện chiếu sáng, bổ sung cây xanh và thảm hoa dọc hai bờ sông Hương đã và đang được thành phố chú trọng, trong đó bãi đất bồi dọc hai bờ sông (khu vực phía sau Học viện Âm nhạc Huế) với diện tích khoảng 2ha, chiều dài gần 1km vừa được Trung tâm Công viên cây xanh Huế trồng hàng chục cây hoa gạo và hàng ngàn hoa hướng dương, bướm vàng, mỏ két, đông hầu trắng, tạo nên một “vườn hoa” muôn sắc cho không gian hai bờ sông để du khách thưởng ngoạn.

Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, ông Đặng Ngọc Quý cho rằng, năm 2020 đường đi bộ dọc hai bờ sông, các công viên, điểm xanh sẽ bổ sung thêm nhiều hoa và cây xanh, trong đó tập trung các loại cây vừa cho bóng mát, vừa cho hoa và chọn các loại cây có thể cho hoa nhiều mùa và phù hợp với thời tiết ở Huế. Theo đó, khu vực dọc hai bờ sông sẽ tập trung các loại cây, như hoa gạo, hoa đông hầu trắng, mỏ két, hướng dương… ; đồng thời bổ sung nhiều thảm hoa và các loài hoa dễ sống, cho hoa nhiều như hoa dâm bụt, bướm vàng, muồng hoa đào, điệp vàng với mục đích hiện thực hóa đề án xây dựng Huế trở thành thành phố Xanh - Sạch - Sáng, “thành phố bốn mùa hoa”.

Phát triển kinh tế dọc tuyến đường

Cuối tháng 2/2020, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã khảo sát cảnh quan hai bờ sông Hương để định hướng mở đường đi bộ nối dài, đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Thiên Mụ (bờ Bắc) và Trạm thủy văn Kim Long (bờ Nam) với chiều dài 2km. Đây là tuyến đường sẽ hình thành đường đi bộ hai bờ sông Hương có chiều rộng mặt đường 10,5m, mặt cắt đường chính 4,5 m.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị TP. Huế nghiên cứu triển khai đường đi bộ với phương án tối ưu và hiệu quả nhất, song phải đảm bảo cảnh quan môi trường phục vụ người dân và du khách, đồng thời tính phương án phát triển kinh tế dọc tuyến đường này. Ngoài việc tiếp tục xây dựng hệ thống đường đi bộ nối dài kết nối đường đi bộ hiện có, các đơn vị nghiên cứu phát triển cồn Dã Viên trở thành điểm du lịch hấp dẫn, kết hợp trồng thêm cây xanh và hoa, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng vào ban đêm để cảnh quan hai bờ sông Hương lung linh, huyền ảo.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, cùng với phát triển dịch vụ du lịch khu vực phía Nam mà điểm nhấn là phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An, thành phố đẩy mạnh khai thác tuyến đường đi bộ cầu Trường Tiền kết nối không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian đi bộ chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Trịnh Công Sơn vào ban đêm, mở rộng phố đi bộ phía Nam, khu vực xung quanh Đại Nội để đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí về đêm cho du khách. Cùng với đó, xây dựng phương án quản lý các công viên, điểm xanh sau khi đã đầu tư, chỉnh trang, cải tạo theo hướng không tổ chức dịch vụ trong các công viên.

Trong năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó tập trung chỉnh trang các công viên hai bờ sông Hương như Vườn Mai, Lý Tự Trọng (khu vực trước UBND tỉnh), Kim Long, Khu đất 11 Lê Lợi; các dự án chỉnh trang đồng bộ không gian hai bờ sông Hương và cửa ngõ Bắc Nam. Điểm nhấn quan trọng trong công tác chỉnh trang năm 2020 là đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, bãi đỗ xe và ưu tiên hạ tầng giao thông tĩnh và các bến thuyền du lịch dọc hai bờ sông Hương.

Mục tiêu của những dự án mà thành phố đã và đang triển khai là tạo điểm nhấn cảnh quan, nghệ thuật và không gian mở để người dân và du khách tiếp cận nhiều hơn vẻ đẹp thơ mộng của dòng Hương, qua đó phát triển du lịch, đồng thời hiện thực hóa đề án xây dựng Huế trở thành thành phố “Xanh - Sạch - Sáng”, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò của ngành thanh tra trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 6/12, tại TP. Huế, cụm thi đua Thanh tra các tỉnh Bắc Trung bộ (CTĐTTBTB) tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.

Phát huy vai trò của ngành thanh tra trong phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top