ClockThứ Tư, 25/01/2023 09:29

Không “ngại” tàu lớn

TTH - Cùng với cảng Chân Mây, nhà khách T2 sân bay Phú Bài chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ là kỳ vọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành địa chỉ có cảng hàng hải, hàng không quốc tế năng động nhất miền Trung.

Khai trương tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên tại cảng Chân MâyMở tuyến container nội địa tại cảng Chân Mây

Cảng Chân Mây đón tàu tải trọng lớn. Ảnh: Nguyễn Phong

Cơ hội từ Chân Mây  

Mới đây, lần đầu tiên cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế mang tên Deltic Dolphin (Malaysia) thành công, khẳng định được năng lực của một cảng nước sâu.

Kể từ ngày ra đời, cảng Chân Mây được xem là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực hành lang kinh tế Đông Tây (kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Đây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc).

Với tiềm năng, lợi thế, cảng Chân Mây đã đáp ứng nhu cầu vừa đón hàng hóa, vừa đón khách du lịch quốc tế. Tuy vậy, khác với vẻ nhộn nhịp như các cảng biển trong khu vực, Chân Mây chưa có nhiều thay đổi để thực sự được gọi là "ông lớn" của hàng hải Việt Nam. Vấn đề đặt ra thời điểm này cho cảng Chân Mây là câu chuyện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Chân Mây chưa có vị trí để đón khách du lịch riêng mà phải dùng chung lối đi với tàu hàng hóa; chưa có một nhà ga hành khách với quy mô lớn, khu trưng bày, bán các sản phẩm... hay một cảng hàng hóa đúng nghĩa Thừa Thiên Huế có Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT CM-LC) và 6 khu công nghiệp (KCN), với hơn 80 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ xuất, nhập hàng hóa bằng container nhưng phải qua cảng Đà Nẵng. Thậm chí chuyển xuất ở cảng Sài Gòn hay Hải Phòng.

Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 195.000 Teus (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa theo ᴄontainer) đi ngang qua cảng Chân Mây (ra, vào cảng Đà Nẵng từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và nước Lào). Một phép tính so sánh nếu nhóm hàng trên qua cảng Chân Mây, khoảng cách tiết kiệm được khoảng 70km bằng xe tải một chiều. Tính ra kinh phí tiết kiệm từ việc không phải di chuyển qua hệ thống hầm Hải Vân, ước tính khoảng 70 USD mỗi lượt khứ hồi.

Có lẽ cảng Chân Mây có những bước đi chậm, nhưng lại đúng thời điểm khi gần đây được định hướng theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam của bộ, ngành Trung ương đến năm 2030, định hướng đến 2050. Từ đó cùng với bến số 1 hiện hữu, đến nay Chân Mây đã có đê chắn sóng và ba cầu cảng hoạt động với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, bến số 1 và 2 được tiếp nhận tàu chở container...

Hiện tại cảng Chân Mây được bổ sung thêm bến số 4, 5 và 6; trong đó đã chấp thuận chủ trương giao Công ty CP Hàng hải VSICO (Hà Nội) đầu tư xây dựng bến 4 và 5 khai thác hàng container với tổng chiều dài 540m cho cỡ tàu đến 70.000 tấn. Bên cạnh đó tỉnh đăng ký với Bộ Công thương thực hiện quy hoạch trung tâm logistics hạng 1 với diện tích khoảng 20ha tại KKT CM-LC với dự kiến vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Với hạ tầng chiến lược này, cảng Chân Mây có nhiều cơ hội tốt tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa từ các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại nhất thế giới cho hầu hết thời gian trong năm.

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quy mô về xúc tiến đầu tư các hãng tàu container nhằm mời gọi các DN, hãng tàu đến cảng Chân Mây. Dịp này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh thiện chí với quyết tâm cao nhất tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hãng tàu góp phần đưa Chân Mây phát triển xứng tầm là cảng biển quốc tế có quy mô hiện đại, thân thiện, an toàn.

Dấu ấn mới với sân bay Phú Bài

Sân bay Phú Bài được mặc định "thương hiệu" giao thông hàng không ở miền Trung kể từ sau những năm đất nước đổi mới. Thời điểm này, cùng với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, sân bay Phú Bài trở thành 1 trong 4 sân bay lớn nhất nước, có thể tiếp nhận các loại máy bay Boing 737, A321. Năm 2007, với những yếu tố thuận lợi, sân bay Phú Bài được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định công nhận là cảng HKQT, trở thành cảng hàng không của Việt Nam đón nhiều chuyến bay lớn từ Trung Quốc, Áo, Xiêm Riệp (Campuchia), Indonesia...

Với sứ mệnh tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, khu vực, sau năm 2013, Cảng HKQT Phú Bài tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng tương xứng vị thế, như mở rộng nhà ga, hệ thống đường băng, sân đỗ...; trong đó nhà ga được mở rộng, các phòng vé, nhà chờ, quầy dịch vụ được nâng cấp, chỉnh sửa thông thoáng, khang trang... đáp ứng nhu cầu đi lại cho hành khách nội địa lẫn quốc tế. Tuy vậy, qua nhiều năm khai thác với thiết kế hiện có, gần đây cảng đã không còn đáp ứng vì lượng khách ngày càng tăng. Năm 2017, lượng khách thông qua cảng đạt 1,75 triệu hành khách, đến năm 2019 và những năm gần đây dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng lượng khách ước tính thời điểm mở cửa hoạt động đều vượt quá công suất.

Với lý do trên, năm 2019, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư dự án (DA) Nhà ga T2 ở Cảng HKQT Phú Bài với tổng vốn 2.250 tỷ đồng (từ Quỹ đầu tư phát triển của ACV). DA gồm các hạng mục, nhà ga hành khách; hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà; cây xanh, cảnh quan.  Hiện nay, DA Nhà ga hành khách T2 cơ bản đã hoàn thành các hạng mục, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Trước mắt, nhà ga T2 đủ mọi điều kiện đón 5 triệu lượt khách/năm; trong đó có 1 triệu khách quốc tế. Định hướng đến năm 2030, Cảng HKQT Phú Bài tiếp tục mở rộng sẽ đón 9 triệu lượt khách/năm.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài thông tin, hướng đến mục tiêu trên, đón nhiều chuyến bay quốc tế với năng lực hiện có ở cảng chỉ là mới điều kiện cần. Điều kiện "đủ" để đưa Huế trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, tập đoàn quốc tế lớn, ngoài nỗ lực từ các đơn vị, ban, ngành liên quan, rất cần các giải pháp tích cực của chính quyền địa phương từ xúc tiến, quảng bá thu hút du lịch...

Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây

Sáng 9/1, Sở Du lịch phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến TP. Huế bằng đường hàng hải năm 2025. Tham dự chương trình đón chuyến tàu có ông Hoàng Hải Minh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế.

Đón chuyến tàu du lịch đầu tiên năm 2025 cập Cảng Chân Mây
“Mạnh về biển, giàu từ biển”

Đó là mục tiêu được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh khi trao đổi về nỗ lực của tỉnh trong việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian tới; trong đó, chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan… nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Mạnh về biển, giàu từ biển”

TIN MỚI

Return to top