ClockThứ Bảy, 02/12/2023 11:17

Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu

TTH - Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống thoát nước tại các đô thị. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra dẫn đến ngập úng cục bộ, ngập lụt khi có mưa lũ.

“Xóm lụt” giữa lòng phố biểnGiải pháp thoát nước cho các khu đô thịKhông gian cho nước thoát

 

Nâng đường vẫn ngập

Nhiều năm nay, khu vực Khu A, Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương, TP. Huế, luôn đối diện với tình trạng ngập lụt khiến đời sống người dân bị xáo trộn. Cứ đến mùa lũ, khi các tuyến đường nội thị bị ngập (có nơi sâu gần 1m), phương tiện người dân đi từ các khu vực “lên phố” để mua lương thực dự trữ chủ yếu bằng ghe thuyền.

Đơn cử, trận mưa lớn kéo dài từ ngày 13-16/11 vừa qua, gây ra đỉnh lũ khi nước sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long đạt mốc 4,34m (ngày 15/11). Nhiều hộ dân nháo nhào di chuyển phương tiện lên cầu Phát Lát (điểm cao nhất trên trục đường Tố Hữu) để tránh lũ. Trong khi đó, các phương tiện đậu đỗ trên các trục đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu (vừa nâng cao độ mặt đường lên 0,5m) đều bị thiệt hại do nước lũ dâng quá cao.

Tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp mới thực hiện nâng cao độ mặt đường để chống lũ vào đầu năm 2023, dự án (DA) do Ban quản lý DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị loại II) – tiểu DA Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban quản lý DA thông tin: Cơ quan chức năng căn cứ số liệu kiểm tra thực tế cao độ vào thời điểm ngập lụt của đợt lũ trong tháng 10/2020, tại KĐTM An Vân Dương từ +2.81 đến +3.17m, do đó với cao độ trung bình của các tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp là +2,64m về cơ bản giải quyết được lưu thông cho các phương tiện vận tải phục vụ cứu trợ, hỗ trợ lụt bão.

 Công trình thoát nước đô thị, giảm ngập ở KĐTM An Vân Dương

Việc chỉnh trang với cao độ trung bình là +2,64m các tuyến đường trên theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu A, tỷ lệ 1/2.000 (Quyết định số 432/QĐ UBND ngày 2102/2019). Tuy nhiên, việc nâng cao độ mặt đường và chưa đầu tư kịp thời hệ thống thoát nước 2 tuyến đường theo quy hoạch điều chỉnh được duyệt nên ảnh hưởng đến việc thoát nước mặt mỗi khi trời mưa lớn.

Còn nhiều bất cập

UBND tỉnh cho biết, đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình ngập úng tại các đô thị. Theo đó, đối với KĐTM An Vân Dương, thời gian qua với tình hình thời tiết cực đoan, có nhiều trận mưa lớn, nước các sông dâng cao đã làm ngập hầu như toàn bộ hệ thống đường giao thông đối với KĐTM này làm giao thông ngưng trệ. Khu vực này trong tương lai gần sẽ hình thành Khu trung tâm hành chính của tỉnh, nhiều trụ sở quan trọng.

Sở Xây dựng đã đi khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình mức nước ngập tại một số khu vực, nhận thấy các trục đường đã hình thành thuộc KĐTM An Vân Dương có cao độ đường đỏ trung bình từ 2,1m đến 2,3m, bị ngập từ 0,3 đến 0,7m khi mức nước lũ sông Hương vượt mức BĐ III (3,5m). Trong trường hợp có mưa với lưu lượng lớn trong khoảng thời gian mưa liên tục ≥ 48 giờ thì xuất hiện ngập úng một số khu vực. Nguyên nhân do cao độ mặt đường, nền công trình thấp so với cao trình mực nước sông khi có lũ.

Tình trạng ngập cục bộ khi có mưa, xuất hiện chủ yếu do hệ thống thoát nước mưa hiện trạng thiếu, chưa đảm bảo đồng bộ. Các hồ, kênh, mương hiện trạng bị lấn chiếm, san lấp, xây dựng bị thu hẹp dòng chảy. Hệ thống các kênh, mương thoát nước chính theo quy hoạch chưa đầu tư xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng với tình hình thực tế.

Quá trình đô thị hóa, dẫn đến tình trạng hệ thống thoát nước mưa chỉ đủ chuyển tải lưu lượng nước mưa lưu vực cục bộ từng DA mà thiếu kết nối liên tục từ vị trí thu đến vị trí xả nước, không thể tiếp nhận lưu lượng nước chuyển qua từ phía thượng lưu.

UBND tỉnh đánh giá, hệ thống thoát nước hiện nay mới chỉ được quan tâm đầu tư tại các khu vực trung tâm TP. Huế. Cụ thể, tại TP. Huế, tổng chiều dài đường ống thoát nước chính là 123,8km. Đối với khu vực dân cư cũ thì có hệ thống thoát nước chung (nước thải chung nước mưa)… Dù tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống thoát nước tại các đô thị, tuy nhiên thực trạng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, một số vấn đề còn tồn tại, cần khắc phục; vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ, ngập lụt khi có mưa, lũ.

Đồng bộ giải pháp

Tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đề ra giải pháp tổ chức lập quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt và thoát nước thải đô thị sau khi đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được phê duyệt, nhằm cụ thể hóa quy hoạch thoát nước trong quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050.

Tranh thủ mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa chính trong các khu đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư hoàn chỉnh các cửa xả chính (tiếp giáp với kênh, hồ, sông và biển), đảm bảo hệ thống thoát nước mưa phải kết nối liên tục, thoát nước thuận lợi ra các nguồn tiếp nhận hiện hữu.

UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Xây dựng bố trí nguồn vốn Trung ương từ các chương trình, DA để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa trong các khu đô thị, đảm bảo hệ thống thoát nước kết nối liên tục, nước mưa tiêu thoát thuận lợi. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ kêu gọi đầu tư bằng nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển không gian mặt nước trong các khu vực gồm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khung, nạo vét, khơi thông, mở rộng hệ thống sông ngòi hiện có, hệ thống kênh mương sinh thái, hồ tiêu năng... theo quy hoạch được duyệt.

Dành nhiều không gian cho nước

Theo UBND tỉnh, trong định hướng, quy hoạch phát triển không gian đô thị tỉnh cần quan tâm dành nhiều không gian cho nước, khơi thông, nạo vét, mở rộng hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hồ hiện hữu. Đồng thời, khi quy hoạch phát triển đô thị, san nền cần phải đánh giá kỹ tác động đến ngập úng để quy hoạch mới các hồ tiêu năng, hệ thống sông và kênh thay thế; đấu nối với hệ thống sông ngòi hiện trạng nhằm đảm bảo thoát nước cho vực đô thị mới cũng như đô thị hiện trạng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến nay có vẻ như vẫn còn chưa rõ rệt. Bởi mỗi năm của Huế thật ra chỉ có hai mùa. Nắng như đổ lửa chưa qua thì mưa dầm sùi sụt đã nối bước. Và mùa mưa Huế dù đến sớm hay muộn thì cũng được ông trời tặng kèm theo hai đặc sản mà người nhận luôn ở trong tâm trạng thắc thỏm lo âu: bão và lụt.

Lụt Huế
Rau làng sau lụt

Trời mưa. Những cơn mưa đã không còn dữ dằn nữa. Tiếng mưa thong thả làm tôi nhớ bờ rào nhà tôi. Nơi đó, có mấy con ếch bà đêm đêm thả giọng trầm đón mưa. Nơi đó, thỉnh thoảng có đàn cá diếc, cá rô bơi lạc dòng nước. Nhưng nhớ bờ rào là nhớ những loài rau dại. Là những bụi muộng chuộng cho nhiều đọt và lá non để bà nội ngắt vô nấu một tô canh hến. Con hến nấu canh với rau trái chi cũng ngon, nhưng tô canh hến nấu với muồng chuộng có hương vị riêng: thanh và ngọt...

Rau làng sau lụt
Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân

Là vùng ven đầm phá, thấp trũngchịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ đặc biệt lớn vừa qua, huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, 200 tấn lúa giống, 1 tấn giống hoa, rau màu cho sản xuất vụ đông - xuân.

Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân

TIN MỚI

Return to top