ClockThứ Bảy, 17/10/2020 06:30

Giữ tuyến đường huyết mạch

TTH - Quốc lộ 49A (QL49A) là tuyến đường huyết mạch từ Huế lên A Lưới. Mùa mưa bão, đội ngũ cán bộ, công nhân cầu đường căng mình “giữ” đường, tránh nguy cơ đứt gãy đe dọa A Lưới bị cô lập.

Mưa lớn, nhiều điểm ở A Lưới bị sạt lở, mất điện toàn huyệnThông báo cho người dân thời gian lưu thông trên đoạn đường xảy ra sạt lởTiềm ẩn nguy cơ sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A

Tuyến đường Quốc lộ 49A có nhiều điểm bị sạt lở ở đợt mưa vừa qua

Dựng lán trại “giữ” đường

Lán trại dã chiến được dựng lên tại Km 74 + 500 ngay trên QL49A, sau khi dấu hiệu sạt lở có nguy cơ xảy ra liên tiếp từ đợt mưa kéo dài nửa đầu tháng 10/2020. Những dụng cụ đơn sơ nhất cũng được mang tới, với đôi ba chén đũa, bếp ga cá nhân và thùng mì gói, bắt đầu cho chuỗi ngày bám đường, trực chiến.

Anh Lê Gia Định, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ A Lưới thông tin: “Đất ngấm no nước, sạt lở có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào nếu mưa vẫn cứ tiếp diễn; chỉ phải trực chiến, mới có thể giữ đường, khắc phục kịp thời”.

Thời điểm căng thẳng nhất “mùa sạt lở” năm nay xuất hiện từ đầu và giữa tháng 10, khi liên tiếp xảy ra sạt lở trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là QL49A– tuyến đường huyết mạch lưu thông giữa Huế - A Lưới. Lượng mưa xối xả dội xuống khiến mỗi ngày đều xuất hiện những điểm sạt lở mới trên tuyến QL49A. Anh Định kể, ngày mưa lớn, luôn có một hoặc vài điểm sạt lở. Yêu cầu đặt ra là khắc phục sạt lở thật nhanh để đảm bảo thông tuyến và an toàn cho các phương tiện. Ở những nơi dòng chảy mạnh, nếu không có giải pháp khắc phục nhanh, sạt lở cả ta luy âm và ta luy dương có thể dẫn đến đứt đường, gây chia cắt, cô lập cả A Lưới với các địa phương.

Vụ sạt lở lớn ngày 13/10 là một minh chứng. Km 74+400 QL49 sạt lở cả ta luy lương và ta luy âm khiến QL49A đứng trước nguy cơ đứt đường cao. Trong khi đó, các đường vào A Lưới là đường từ Quảng Trị và Quảng Nam bị cô lập do sạt lở nhiều điểm. QL49A trở thành con đường độc đạo để lên A Lưới, trong trường hợp bị đứt đường, huyện A Lưới sẽ bị cô lập.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, nếu A Lưới bị cô lập, khả năng “cầm cự” về lương thực, thực phẩm và nhiều nhu cầu thiết yếu khác chỉ khoảng 10 ngày.

Các cán bộ, công nhân Hạt quản lý đường bộ A Lưới khắc phục sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A

May mắn, nỗi lo ấy tạm qua đi khi lực lượng đường bộ ứng trực kịp thời khắc phục, tập trung nhân lực bốc dỡ khối lượng đất sạt lở, bọc bạt ngăn cản dòng nước không cho đổ về ta luy âm, tránh gây sạt lở thêm. Vài giờ đồng hồ ròng rã dưới mưa, tuyến đường đã được thông, xe từ 12 chỗ trở lại đã có thể đi qua.

“Lực lượng quản lý đường bộ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của huyện. Nhờ sự năng nổ của họ cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về phương tiện, nguy cơ đứt đường vừa qua tạm được đẩy lùi”, ông Nguyễn Quốc Cường nhận định.

Căn lán trại dã chiến chỉ cách trung tâm Bốt Đỏ chừng 5km, trong khi đó, hơn 10 cán bộ, công nhân Hạt Quản lý đường bộ A Lưới lại có gia đình, người thân ngay tại địa phương. Đã không ít câu hỏi đặt ra cho lực lượng đường bộ A Lưới tại sao không về nhà mà ở trong lán trại với điều kiện thiếu thốn. Họ trả lời dứt khoát: “Để kịp thời giữ đường”.

Anh Định phân tích, với lượng mưa hơn 2.000 mm từ đầu và giữa tháng 10, đất đã no nước và nhão, chỉ cần tác động thêm từ mưa gió, hiểm họa sạt lở luôn rình rập. QL49A không phải là con đường duy nhất để các nơi đến Huế, nhưng lại là con đường chính mà người dân Huế, trong đó có cả người dân A Lưới thường xuyên qua lại. Vì thế, nếu không trực, rất khó giúp các phương tiện lưu thông.

Những ngày không đêm

Hạt Quản lý đường bộ A Lưới phụ trách chính QL49A, đoạn từ xã Hồng Hạ (Km 63 +00) đến Bốt Đỏ (Km 78+00) và đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Trung Sơn (KM 333+00) đến xã Phú Vinh (Km 351 +00). Ở những điểm quan trọng, nguy cơ sạt lở cao, việc trực và làm nhiệm vụ xuyên đêm chắc chắn không thể thiếu. Tại lán trại đóng trên đường Hồ Chí Minh, hơn 10 người của Hạt Quản lý đường bộ được chia thành ca, mỗi ca từ 4 - 5 người luân phiên thay nhau trực. Vị trí lán trại được chọn nơi an toàn. Dẫu trời tạnh ráo, nhưng đêm về họ vẫn thường xuyên phải chạy trên đường, rọi đèn pin để kiểm tra nguy cơ sạt lở.

Anh Đặng Viết Hóa, cán bộ của Hạt Quản lý đường bộ A Lưới cho biết: “Có 2 nguyên nhân khiến lực lượng cầu đường phải thức trắng đêm để trực. Một là là sợ đứt đường, hai là phải “canh” sạt lở để khắc phục ngay, tránh trường hợp xe cấp cứu đi trong đêm”.

Các thành viên đội “cứu đường” ở A Lưới hầu như đã lập gia đình, nên những ngày không đêm với họ ngoài công việc, còn thêm cả những âu lo. Bên căn trại trong đêm, anh Lê Cảnh Vũ, cán bộ trẻ của Hạt Quản lý đường bộ A Lưới tâm sự: “Mùa sạt lở là mùa mưa bão, ở nhà vẫn còn vợ và hai con dại, mới chỉ vài tuổi. Sau những giờ phút khắc phục đường trong đêm, khi về lại lán trại để tạm nghỉ ngơi, nỗi lo về vợ con ở nhà lại nôn nao trong lòng nặng hơn cả tiếng mưa”.

Ký ức của những người “giữ” đường ở A Lưới vẫn còn nguyên, khi nhớ lại chuyện về những đêm không ngủ năm 2017. Năm đó, thời tiết bất lợi khiến nhiều đoạn đường bị sạt lở nặng, nhất là đoạn Km 76+380. Suốt cả tuần, anh Định cùng nhiều cán bộ, công nhân đường bộ phải làm cả ngày lẫn đêm để nối lại tuyến đường, đảm bảo giao thông.

Với những người làm nghề “bảo vệ” đường, chuyện của 2017 không phải là cá biệt. Theo anh Định, việc khắc phục tuyến đường trong những ngày mưa vẫn còn mang tính trước mắt để xe lưu thông. Để giữ những còn đường không bị đứt gẫy về lâu dài, còn cả một quá trình xử lý mà những ngày tới, khi Huế nắng ráo trở lại, sẽ ngày đêm khắc phục.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top