ClockChủ Nhật, 17/11/2019 11:35

Trồng rừng gỗ lớn: Giá trị tăng cao, đầu ra đảm bảo

TTH - Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn (RGL) có chứng chỉ FSC không chỉ thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh, mà còn chuyển đổi sang hướng phát triển xanh bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Trồng rừng chống biến đổi khí hậu

Các chuyên gia đánh giá rừng trồng gỗ lớn ở HTX LNBV Hòa Lộc

Diện tích rừng FSC còn thấp

Ông Bùi Văn Sơn ở thôn Chầm, phường Hương Hồ (TX. Hương Trà) có 8 ha rừng trồng sản xuất. Lúc còn trồng rừng gỗ dăm, khi đến thời kỳ thu hoạch, ông Sơn thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao, chỉ từ 70-80 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm.

Sau khi được tuyên truyền và trở thành thành viên của Chi hội Chủ rừng Phát triển bền vững thôn Chầm thuộc Hội chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH FOSDA), cách đây 2 năm, ông Sơn quyết định chuyển 2,7 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang RGL, tiến tới cấp chứng chỉ rừng bền vững của FSC.

“Sau khi chuyển đổi 2,7 ha RGL có chứng chỉ FSC, đến nay cho khai thác 1,7 ha, lãi 250 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, chúng tôi quyết định chuyển 5,3 ha rừng trồng còn lại sang RGL, tiến tới cấp chứng chỉ FSC”, ông Sơn quả quyết.

Theo Hội Chủ rừng và Phát triển bền vững tỉnh, hiện nay tình trạng sản xuất và phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn mang tính truyền thống, diện tích nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu sự quan tâm chăm sóc nên chất lượng gỗ không cao, không tạo ra sản phẩm gỗ lớn, khó tiếp cận thị trường quốc tế.

Gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao

Toàn tỉnh hiện có đến 140 ngàn ha rừng trồng sản xuất, nhưng chỉ mới đạt gần 7.000 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC đạt trên 9.000 ha. Tuy nhiên, chi phí đánh giá chứng chỉ rừng khá cao và nhiều người dân chưa hiểu rõ lợi ích của gỗ có chứng chỉ FSC nên còn do dự chưa muốn tham gia.

Với mục tiêu hỗ trợ về kỹ thuật và tiếp cận nguồn vốn cho người dân tham gia trồng RGL có chứng chỉ FSC, TTH-FOSDA đã triển khai thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTX LNBV). Các HTX này có vai trò trực tiếp cung cấp các dịch vụ lâm nghiệp như phân bón, cây giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình trồng và quản lý theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.

Hỗ trợ đắc lực

Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX LNBV Hòa Lộc (Phú Lộc) đánh giá, người dân bước đầu nhận thức được lợi ích khi chuyển sang trồng RGL nên tích cực hưởng ứng. HTX đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho bà con, như cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, phân bón, tổ chức khai thác, vận chuyển và sơ chế gỗ. HTX thường xuyên theo dõi diễn biến nhằm ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm đối tác thu mua lâm sản ngoài gỗ để kết nối và phát triển sản xuất dưới tán rừng với mục tiêu “lấy ngắn, nuôi dài”. 

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch TTH FOSDA thông tin, để giải quyết băn khoăn, e ngại của người dân trong việc tham gia trồng RGL, TTH FOSDA đang tích cực tìm kiếm, kêu gọi, kết nối với doanh nghiệp cũng như các dự án trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ người dân về chi phí đánh giá chứng chỉ rừng FSC. TTH FOSDA tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, nâng cao hiểu biết về quản lý rừng bền vững; tăng khả năng huy động vốn đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch của tỉnh về mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ FSC.

Rừng gỗ lớn ở Lộc Bổn (Phú Lộc)

UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đối với hộ dân tham gia trồng RGL. Với diện tích rừng tối thiểu 2 ha RGL, trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng được hỗ trợ 50% giá cây giống, tối đa không quá 4 triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 18 HTX LNBV, 31 chi hội chủ rừng phát triển bền vững. Kế hoạch đến năm 2020, TTH FOSDA sẽ hỗ trợ toàn bộ các chi hội chuyển đổi thành HTX LNBV và tiến tới hình thành liên hiệp các HTX LNBV trong năm 2021 nhằm thay thế vai trò của TTH FOSDA trong chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của FSC.

Những hộ chủ rừng không có điều kiện kinh tế để duy trì diện tích rừng trong 7-8 năm để tham gia chứng chỉ FSC sẽ được Công ty Scansia Pacific tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng/ha/3 năm với lãi suất ưu đãi, thấp hơn các ngân hàng thương mại 2%/năm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Scansia Pacific khẳng định: Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm bán 15-20%. Trong trường hợp gặp rủi ro do thiên tai thì người trồng rừng cũng không quá lo lắng vì công ty cam kết thu mua cả sản phẩm gãy đổ mà không ép giá.

Ông Võ Văn Dự đánh giá, trồng rừng bền vững và hợp pháp không chỉ giúp tăng giá trị cho cây keo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình, mà còn đóng góp rất lớn vào mục tiêu giảm phát thải nhà kính, bảo vệ rừng tự nhiên vốn là môi trường sống của con người và muôn loài.

Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ TTH FOSDA trong việc thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, duy trì chứng chỉ rừng FSC và tiến tới thành lập HTX LNBV trên cơ sở các chi hội trực thuộc TTH FOSDA. Thông qua hỗ trợ của một số dự án về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực tiểu vùng MeKong và dự án Trường Sơn xanh nhằm hướng đến bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường trong xu hướng tác động của biến đổi khí hậu.

Trong chuyến thăm và làm việc tại HTX LNBV Hòa Lộc mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc thành lập TTH FOSDA và HTX LNBV. Đồng thời giao nhiệm vụ TTH FOSDA đến năm 2020, phải hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng RGL và thành lập 30 HTX LNBV hoạt động theo chuỗi giá trị RGL có chứng chỉ FSC; kết nối thêm các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm RGL…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 2/1, Ban Thanh niên Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý dịch vụ buồng bệnh, cơ sở vật chất và Bảo vệ cùng Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai có hiệu quả Công trình thanh niên “Phòng chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” của tuổi trẻ Công an thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tốt an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

TIN MỚI

Return to top