ClockThứ Năm, 26/09/2024 06:25

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

TTH - Không phải đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng, nhiều DN xuất khẩu đang tăng tốc sản xuất tận dụng các cơ hội mới từ thị trường.

Thu hút FDI: Lợi ích képKinh tế 8 tháng, lực đẩy cho đà tăng trưởng quý IV/2024

 Người lao động ngành dệt may tăng tốc sản xuất cho kịp các đơn hàng

Thời điểm này, hơn 4.000 công nhân Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) đang làm việc hết công suất để kịp giao đơn hàng cho đối tác. Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, công ty đã đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Phấn khởi hơn, số đơn hàng ký được đều là đơn hàng sở trường. Thay vì phải chấp nhận các đơn hàng khó, nhỏ, lẻ như thời điểm này năm trước, hiện DN đã có cơ hội thương lượng, lựa chọn các đơn hàng có giá cá phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, năm nay Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.920 tỷ đồng, lợi nhuận 110 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động xung đột chính trị tại một số nước trên thế giới, chính sách tiền tệ của Mỹ, giá bông, xơ biến động bất thường... song, nhờ sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác điều hành, quản lý; sự đoàn kết nỗ lực của toàn thể CBCNV, Huegatex vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu doanh thu. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm là 970 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch/năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế là 65 tỷ đồng đạt 59% kế hoạch/năm. “Các tháng cuối năm đơn hàng khởi sắc nên chúng tôi đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.031 tỷ đồng, lợi nhuận 55 tỷ đồng”, ông Phong kỳ vọng.

Qua nắm bắt, nhiều DN xuất khẩu cho biết đã có đủ đơn hàng cho quý IV và đang đàm phán hợp đồng cho quý I của năm 2025. Bà Đặng Thị Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hanex, Khu công nghiệp Phú Bài thông tin, công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm ba lô, túi xách xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng của công ty luôn dồi dào. Có thời điểm công ty phải từ chối đơn hàng vì không sản xuất kịp. “Hiện công ty đang tuyển thêm lao động để phục vụ đơn hàng cho dịp Noel và tết dương lịch”, bà An chia sẻ.

Không chỉ xuất khẩu dệt may, da giày, nhiều DN xuất khẩu thuộc các lĩnh vực khác như gỗ, thủy sản cũng có những tín hiệu khởi sắc. Ông Rachata Inthaworn, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, chi nhánh Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại, công ty đang thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Ông Rachata Inthaworn cũng chia sẻ, 2023 tuy là năm khó khăn chung nhưng sản lượng công ty vẫn đạt 58 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra. Từ động lực đó, năm nay, công ty mạnh dạn đặt kế hoạch tăng 30% so với năm ngoái. Để thực hiện kế hoạch trên, công ty đầu tư 16 triệu USD mở rộng dây chuyền sản xuất thêm những sản phẩm mới. Hiện đơn hàng của công ty đã có đến đầu quý I của năm 2025.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 778,6 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó hàng may mặc ước đạt 367,9 triệu USD, tăng 0,5%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 121,4 triệu USD, gấp 2,1 lần. Kết quả này là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy trong các tháng còn lại của năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu mà tỉnh đã đề ra cho năm 2024.

Từ nay đến cuối năm nay, thị trường xuất khẩu dự kiến sẽ khá sôi động nhờ sự phục hồi nhu cầu từ các thị trường quốc tế. Trong số đó, ngành dệt may và các sản phẩm gỗ đang có tín hiệu tích cực, với nhiều đơn hàng mới. Đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bên cạnh những tín hiệu khả quan, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đối diện với những thách thức không nhỏ. Không ít DN vẫn đối diện khó khăn khi giá trị mỗi đơn hàng thấp hơn, áp lực tỷ giá vẫn đè nặng và các chi phí sản xuất tăng. Chưa hết, các DN cũng chịu nhiều áp lực liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật về môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng gia tăng.

Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp chủ động và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung duy trì quản trị tốt, tái cơ cấu tổ chức và áp dụng công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp không chỉ cắt giảm được chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế. Bên cạnh thị trường truyền thống, nhiều thị trường mới đã được các DN khai thác có hiệu quả. Song song đó, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch sản xuất để thích nghi với những thay đổi từ môi trường kinh doanh quốc tế. Các DN chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời nỗ lực xanh hóa quy trình sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Việc thay đổi tư duy và làm quen dần với các quy định, luật quốc tế về thương mại và đầu tư đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 62,5 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 18,7% so với năm 2023. Dự báo, năm 2025, ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu với sự rộng mở của các thị trường tiềm năng, hứa hẹn đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 64-65 tỷ USD.

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản

TIN MỚI

Return to top