ClockThứ Tư, 07/04/2021 13:27

Tiếp tục tháo gỡ, xử lý các vướng mắc tại mỏ đá Đồng Lâm - Bài : Đảm bảo quyền lợi người dân

TTH - Quá trình khai thác mỏ đá vôi (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) tại xã Phong Xuân (Phong Điền), nhiều vấn đề liên quan đến rạn nứt nhà dân, sụt lún đất, mất nước khu vực đất canh tác và khói bụi... phát sinh do khoan, nổ mìn.

Chờ phương án, chủ trương di dời, tái định cư ở Phong XuânCần thống nhất phương án sớm đền bù cho dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Thượng Nhật

Với ảnh hưởng do nổ mìn tại mỏ đá Phong Xuân đã “in hằn” lên ký ức, khi nghe tin mỏ đá vôi giai đoạn 2 với 35 ha sẽ được Công ty CP Xi măng Đồng Lâm triển khai, người dân xã Phong Xuân (Phong Điền) lại càng lo.

Đồng Lâm hỗ trợ người dân Phong Xuân khắc phục các hố sụt lún

Muốn được ổn định lâu dài

Ông Trần Văn Sang (thôn Xuân Điền Lộc), một hộ dân có diện tích ảnh hưởng bởi tình trạng sụt lún, khô nước gần mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết: “Nhiều năm nay rồi, bà con không phải muốn đòi hỏi nhiều mà chỉ muốn có một cuộc sống ổn định, không còn lo sụt lún, sập nhà và giật mình khi nghe tiếng mìn nổ nữa”.

Ảnh hưởng mỏ đá vôi Phong Xuân, gia đình ông Sang đã được di dời tái định cư đến nơi ở mới. Hơn 1 mẫu đất ruộng lúa, hoa màu bị ảnh hưởng cũng đã được công ty hỗ trợ 1 sào 2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhà cửa nhiều hộ dân ở khu vực cách mỏ đá 300-500m vẫn xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt, đất đai không sản xuất được.

“Hiện trạng mỏ đá giai đoạn 2 với 35ha vẫn đang trong quá trình kiểm kê đền bù. Dự kiến gia đình tôi có 3 mẫu đất lúa, hoa màu và một ít rừng kinh tế thì bị thu hồi 2 mẫu. Nếu giá cả đền bù hợp lý thì chúng tôi cũng chấp hành chủ trương của chính quyền. Nhưng muốn được yên ổn lâu dài là cái quan trọng”, ông Sang bày tỏ.

Về tình trạng sụt lún nhà cửa, sau nhiều nỗ lực của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm đến nay vẫn còn 3 hộ gia đình mới phát sinh không đồng ý nhận tiền hỗ trợ khắc phục nhà cửa và mong muốn được di dời tái định cư.

Ông Trần Văn Khánh (thôn Xuân Điền Lộc) cho biết, đất đai bị ảnh hưởng đền bù hỗ trợ rồi. Nhưng nhà cửa cứ sụt lún. Nhà tôi nằm cách đê bao số 2 của mỏ đá 273m, từ tháng 9/2020 đã xuất hiện hố sụt lún khá lớn nằm ngay khu vực phòng tắm. Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị, chính quyền địa phương cùng công ty có về kiểm tra hiện trạng và đã lấp hố sụt lún. Nhưng mong muốn của những hộ gia đình chúng tôi là được tái định cư, đi ra khỏi vùng sạt lở để ổn định lâu dài.

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, từ năm 2019 đến nay có các trường hợp gia đình ông Trần Văn Khánh, bà Thái Thị Kiều Nga và bà Đỗ Thị Nam (thôn Xuân Điền Lộc) bị sụt lún nền phòng tắm, nền giếng, sân nhà thì công ty phối hợp UBND xã Phong Xuân đã lập biên bản hiện trường, thống nhất phương án khắc phục và chi phí hỗ trợ cho các gia đình. Tuy nhiên, những hộ dân vẫn không đồng ý hỗ trợ và nhất quyết yêu cầu phải di dời nhà đi nơi khác.

Tiếp tục hỗ trợ

Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cho biết, từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, đơn vị đã nhận được phản ánh của các hộ dân sống lân cận mỏ đá về tình trạng nhà bị rạn nứt có liên quan đến việc nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân. Công ty đã phối hợp với UBND xã Phong Xuân khảo sát đánh giá tình trạng rạn nứt và lập biên bản hiện trường từng nhà dân và tiến hành khảo sát tất cả nhà dân khiếu nại bị rạn nứt trong phạm vi 500m tính từ đê bao mỏ.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết, để theo dõi, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công tác nổ mìn tới nhà cửa, công trình của các hộ dân, Đồng Lâm cũng đã báo cáo UBND tỉnh, các sở ngành đã thuê đơn vị tư vấn chuyên môn độc lập tại Hà Nội thực hiện đo đạc, xác định mức độ rung chấn nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân. Kết quả đo đạc cho thấy mức độ rung chấn trong quá trình nổ mìn tại mỏ đá vôi Phong Xuân đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 02:2008/BCT của Bộ Công thương.

Tuy kết quả đo rung chấn đều đảm bảo các quy định cho phép nhưng Đồng Lâm vẫn thực hiện trách nhiệm cộng đồng và đã họp thống nhất với UBND xã Phong Xuân tiến hành công tác khảo sát định kỳ lần 1, định kỳ lần 2 các công trình, nhà cửa của các hộ dân trong vòng bán kính 500m tính từ đê bao mỏ ra. Và thực hiện lập dự toán, hỗ trợ chi phí cho các hộ dân tự sửa chữa hoặc Đồng Lâm tự bố trí thợ đến sửa chữa.

Theo đó, công tác khảo sát, lập dự toán và hỗ trợ cho 118 hộ dân định kỳ lần 1 đã hoàn thành trong năm 2019 với chi phí hỗ trợ hết 1,73 tỷ đồng; định kỳ lần 2 có tất cả 127 hộ có nhà cửa công trình kiến trúc đến nay đã chi trả hỗ trợ người dân tự sửa chữa 104 nhà; sửa chữa xong 14/14 nhà và còn  9 nhà chưa thống nhất phương án (9 nhà này yêu cầu khảo sát lại nhưng sau khi có kết quả khảo sát lại vẫn không đồng ý mức hỗ trợ, nên không nhận tiền). Tổng chi phí hỗ trợ định kỳ 2 lần khoảng 3,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Bằng khẳng định, bên cạnh hỗ trợ sửa nhà, hàng năm, công ty đều hỗ trợ toàn bộ khu đồng ruộng nằm giáp đê bao mỏ trong phạm vi bán kính 200m từ ranh giới mỏ với mức hỗ trợ cho đất hoa màu, trồng lúa là 2 triệu đồng/năm; hỗ trợ đất trồng cây lâu năm, trồng keo tràm 400.000 đồng/năm.

Việc hỗ trợ đất trồng rừng, keo tràm 400 nghìn đồng/sào/năm (8 triệu đồng/ha/năm). Nếu tính 5 năm theo chu kỳ thời gian canh tác cây trồng của người dân là 40 triệu đồng. Như vậy, sau một đợt canh tác trồng cây, 1 ha công ty đã hỗ trợ cho người dân 40 triệu đồng. Trong khi chi phí lợi nhuận bình quân mỗi ha cây keo tràm trồng cũng chỉ 30-40 triệu đồng/ha.

“Hỗ trợ cho người dân có đất canh tác cách đê bao 200m là chính sách tự nguyện của Đồng Lâm, quan tâm cuộc sống bà con, năm 2020 đã được UBND xã Phong Xuân chủ trì, với sự tham gia của các hộ dân liên quan và phía công ty. Theo đó, toàn bộ người đã thống nhất mức hỗ trợ và đã nhận tiền. Quan điểm của Đồng Lâm là tiếp tục hỗ trợ người dân ở mức hợp lý, có tình có lý, có cơ sở phù hợp với thực tế bị ảnh hưởng nhưng sẽ không chấp nhận việc một số người dân cố tình trục lợi, chờ đền bù”, ông Phạm Văn Bằng khẳng định.

Việc xử lý hố sụt lún các khu vực đồng ruộng lân cận mỏ đá vôi đã được Đồng Lâm thuê đơn vị chuyên gia địa chất thủy văn khoan khảo sát, đo địa vật lý và thực hiện xử lý một cách triệt để từ năm 2015 bằng các biện pháp như đào sâu tới miệng hố, rải các rọ đá hộc, vải địa vật lý, lấp nhiều lớp đất sét.

Để xử lý triệt để cho khu vực đồng ruộng Mỏm Lang phía đê bao số 1 thì Đồng Lâm đã chấp nhận loại bỏ tuyến đường bê tông sát đê bao mỏ đã đầu tư 35 tỷ đồng trước đó để làm 1 tuyến đường mới dịch lùi vào phía bên trong, sau đó đổ đất vào bít kín các khe nứt dọc tuyến đường, chân đê bao số 1.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Bài 2: Giải pháp hài hòa quyền lợi, phát triển bền vững

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam

Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề Khu Thương mại tự do-Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics do Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông

TIN MỚI

Return to top