ClockThứ Sáu, 27/10/2023 07:42

Vay vốn mua nhà ở xã hội vẫn khó

TTH - Đầu tư phát triển nhà ở xã hội không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, mà còn có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ an sinh xã hội, cũng như thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2025. Tuy nhiên, việc người dân khó tiếp cận với chương trình vay vốn để mua các dự án nhà ở xã hội đang phần nào ảnh hưởng đến chương trình này.

Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp: Bao giờ mới không còn là ước mơ?Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “nhỏ giọt” trong khi nhu cầu lớnChâu Á - Thái Bình Dương: ADB chỉ ra những xu hướng mới nổi về bảo trợ xã hội

 Khách hàng có khả năng tiếp cận với vốn vay nhà ở xã hội từ các ngân hàng thương mại nhà nước

Cơ hội an sinh

Qua gần 9 năm triển khai, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mua, xây dựng nhà ở ổn định.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ (chương trình 30.000 tỷ đồng), chủ đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê nhà ở xã hội được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất là 6%/năm trong năm 2013 và 5%/năm từ năm 2014 từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng được vay vốn với thời gian áp dụng tối đa từ 5 năm đến 15 năm tùy đối tượng khách hàng, thông qua 4 ngân hàng trên địa bàn là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank. Chương trình bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc giải ngân đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp là 1/6/2016 và nhóm khách hàng cá nhân là 31/12/2016.

Sau hơn 3 năm triển khai, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay hỗ trợ nhà ở cho 342 cá nhân vay vốn, với dư nợ 103 tỷ đồng và 1 chủ đầu tư nhà ở xã hội (Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Xuân Phú đầu tư giai đoạn 1 dự án chung cư Xuân Phú) với dư nợ 55,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Vicoland cũng vay tại BIDV Hà Nội với dư nợ còn lại 34,3 tỷ đồng. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình còn 20,324 tỷ đồng đối với 196 khách hàng cá nhân.

Khi chương trình kết thúc, để tiếp tục tiếp sức cho chương trình nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Chương trình tín dụng này được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai từ năm 2018 với lãi suất cho vay áp dụng đang là 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung. Sau gần 6 năm triển khai, đến 30/9/2023 doanh số cho vay đạt 386.621 triệu đồng, với 989 lượt khách hàng vay vốn.

Các ngân hàng thương mại nhà nước đang triển khai cho vay nhà ở xã hội 

8/1.242 khách hàng tiếp cận vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội

Không thể phủ nhận, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn về nhà ở cho người thu thập thấp. Tuy vậy, chỉ có 342 khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn vay từ chương trình 30.000 tỷ đồng. Theo số liệu từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính từ năm 2018 khi ngân hàng triển khai cho vay nhà ở xã hội đến cuối tháng 9/2023, dư nợ của chương trình này là 332.803 triệu đồng, với 929 khách hàng còn dư nợ.

Điều đáng bàn là trong số 929 khách hàng vay vốn thì đối tượng vay chủ yếu là khách hàng vay xây dựng, sửa chữa nhà ở. Số hộ vay để mua nhà ở xã hội khá khiêm tốn với 8 hộ/1.242 căn hộ đã bán ra (hiện trên địa bàn, các dự án nhà ở xã hội đã bàn giao 1.242 căn hộ). Nhìn vào đây có thể thấy con số khách hàng tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội để thuê, mua nhà ở xã hội khá khiêm tốn.

Lý giải cho vấn đề này đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội chia sẻ, từ 2018 đến 2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 khách hàng của dự án nhà ở xã hội được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguyên nhân chính là hầu hết các chủ đầu tư khác đều sử dụng tài sản của dự án thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại, vì thế, khách hàng không tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

 Việc không tiếp cận được vốn vay nhà ở xã hội ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi tiếp cận vốn vay ưu đãi của khách hàng mua nhà ở xã hội. Thay vì người thu nhập thấp có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất hiện nay là 4,8% thì người dân phải vay vốn tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 7,7 -8,5%/năm, thậm chí cao hơn rất nhiều.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, đảm bảo bảo toàn vốn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng khi triển khai các chương trình cho vay ưu đãi. Theo nguyên tắc thẩm định cho vay, khách hàng phải đảm bảo được khả năng trả nợ, có tài sản đảm bảo thuộc quyền sở hữu được pháp luật công nhận… Vì các căn hộ hình thành trong tương lai chỉ có tài sản phát sinh trong hợp đồng không đảm bảo theo quy định này nên khó vay được vốn mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên mới đây, Chính phủ đã triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho chủ đầu tư, người mua nhà vay để đầu tư, mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030. Đây là sự đồng hành rất lớn của các ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiến cận tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, đồng thời thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển nhà ở tại địa phương.

Với việc nhập cuộc trong triển khai gói tín dụng này sẽ mở ra cơ hội cho cả chủ đầu tư và người mua nhà xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tại Thừa Thiên Huế, dự án EcoGarden (dự án đang triển khai đầu tư nhà ở xã hội) của Công ty Cotana Capital cũng có cơ hội tiếp cận với chương trình tín dụng ưu đãi này sau khi được Bộ Xây dựng công bố điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Hiện nay, BIDV Phú Xuân và BIDV chi nhánh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với chủ đầu tư và khách hàng triển khai hỗ trợ hợp đồng vay vốn 3 bên giúp khách hàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này một cách thuận lợi nhất. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ giám sát cũng như tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn nhà ở xã hội, giúp người thu nhập thấp tiếp cận với nguồn vốn vay này.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

Theo số liệu chính thức vừa được Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố ngày 24/12, Hàn Quốc đã chính thức trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 20%, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp ở mức đáng báo động.

Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

TIN MỚI

Return to top