ClockThứ Bảy, 04/01/2020 13:45

Kinh tế hợp tác xã: Những gam màu sáng, tối

TTH - Hàng chục hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp được thành lập mới cùng với nhiều HTX hoạt động hiệu quả; tuy nhiên vẫn còn đó những tồn tại “lưu cữu” gây trở ngại trong quá trình hoạt động của các HTX.

Liên kết thúc đẩy kinh tế tập thểHàng Việt và bài toán mở rộng thị trườngTiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể lĩnh vực phi nông nghiệp

Bưởi Hương Hồ được HTX Hương Hồ đăng ký nhãn hiệu và bao tiêu sản phẩm

Điểm sáng

Vai trò, trách nhiệm dù có phần nặng nề nhưng ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (Phú Lộc) luôn phấn khởi vì đã làm được việc vô cùng quan trọng giúp các hộ thành viên và người dân thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.

Là HTX lâm nghiệp bền vững đầu tiên của tỉnh, đến nay HTX Hòa Lộc đã phát huy vai trò “bà đỡ” với mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị”. Từ đó thu hút nhiều hộ ở xã Lộc Bổn đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC. Hiệu quả mô hình rừng trồng gỗ lớn thấy rõ khi qua các vụ thu hoạch trong những năm gần đây đều cho thu nhập mỗi ha bình quân từ 300 triệu đồng trở lên, gấp ba lần so với rừng gỗ nhỏ.

Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự thông tin, tiếp nối HTX Hòa Lộc, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 20 HTX lâm nghiệp bền vững được thành lập. Các HTX có nhiệm vụ tổ chức dịch vụ hỗ trợ thành viên về giống cây trồng, vật tư, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, khai thác, tiêu thụ sản phẩm và vận động nông dân trồng rừng gỗ lớn... Các HTX mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã thể hiện vai trò “bà đỡ” thật sự cho các hộ trồng rừng, thúc đẩy kinh tế rừng của tỉnh phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của HTX Quảng Phước (Quảng Điền) có chỗ đứng trên thị trường

Các HTX Nam Sơn, HTX Hòa Mỹ và HTX Phù Bài... tổ chức xây dựng các vườn ươm cây keo, được đầu tư cơ bản và có hiệu quả không chỉ cung ứng nhu cầu tại chỗ mà còn bán ra thị trường. HTX Phù Bài còn ứng dụng công nghệ mới, dây chuyền sản xuất bầu ươm cây keo lai hom hữu cơ thân thiện môi trường để tận dụng phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất với công suất 50 ngàn bầu năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực trong điều kiện nâng cao chất lượng cây giống, tăng năng suất rừng trồng gỗ lớn và bảo vệ môi trường sinh thái trong xu thế ứng phó biến đổi khí hậu.

Các HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho thấy sự đi đúng hướng khi “bắt nhịp” được cơ chế, nhu cầu thị trường đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn, thách thức để “vươn ra biển lớn”. Các HTX trong các làng nghề, ngành nghề truyền thống như đúc đồng, mây tre đan, thêu ren, dệt zèng, sản xuất rượu, dầu tràm... đã xây dựng mối liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Một số HTX đã khẳng định tên tuổi, tạo ra sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như HTX Mây tre đan Bao La, HTX thêu Phú Hòa, HTX đúc Thắng Lợi, HTX dầu tràm Lộc Thủy...

Nhiều HTX nông nghiệp thật sự thay đổi tư duy, đổi mới mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD); trong đó sản xuất theo “chuỗi giá trị”, sản xuất hữu cơ, an toàn và theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm được các HTX lựa chọn. Các HTX Đại Phú, Hiền Lương… bước đầu gặt hái những thành công nhất định khi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm. HTX Điền Hòa liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP xây dựng mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao. Cũng với mô hình liên kết, hợp tác kinh doanh, các HTX Phù Bài, Phú Lương 1 thành công với mô hình chăn nuôi lợn, gà hữu cơ, tiêu thụ nấm rơm, sò và nấm linh chi; HTX Hương An, HTX Phong An sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; HTX Hương Hồ, Hương Thọ sản xuất, tiêu thụ bưởi đỏ, bưởi cốm…

Lúa chất lượng cao được HTX Phú Lương 1 bao tiêu sản phẩm

Trở lực

Giám đốc HTXNN Thuận Hòa (TX. Hương Trà), ông Nguyễn Ngọc Bình thừa nhận, mặc dù hình thành từ sau giải phóng đến nay nhưng HTX khá bế tắc trong việc tìm hướng đi mới, phù hợp và hiệu quả. Lâu nay HTX vẫn cứ luẩn quẩn các khâu dịch vụ truyền thống như cày bừa, thủy lợi... trong điều kiện thiết bị, máy móc thô sơ, lạc hậu kém hiệu quả.

“Từ ý tưởng đến thực hiện ý tưởng mở rộng quy mô hoạt động quá xa vời. Tiềm năng địa phương “có thừa” như nuôi trồng thủy sản, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, lúa, phát triển du lịch sinh thái... nhưng nguồn lực tài chính tích lũy nhỏ giọt, huy động trong hộ thành viên quá ít nên không có khả năng đầu tư. Trong khi đó, tài sản của HTX hầu như không đáng kể, thậm chí trụ sở làm việc đến nay vẫn chưa có thì cơ sở nào để thế chấp vay ngân hàng...”, ông Bình nan giải.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTXNN Đông Phú (Quảng Điền) lo lắng: Trong khi đội ngũ cán bộ đang “già hóa”, nhiều người sắp nghỉ hưu nhưng HTX vẫn chưa tìm được nguồn kế cận trẻ, có trình độ văn hóa, chuyên môn đáp ứng yêu cầu. HTX đã liên hệ với nhiều sinh viên tại địa phương, ngoài vận động còn kèm theo cơ chế, chính sách ưu đãi khi “cống hiến” cho HTX nhưng hầu hết đều từ chối. Các sinh viên có chung nguyện vọng được làm ăn xa, trong môi trường năng động, có thu nhập khá, thậm chí cao và có triển vọng hơn.

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh gây cản trở trong quá trình thúc đẩy phát triển, mở rộng quy mô hoạt động SXKD. Thiếu vốn, cán bộ “già hóa” cùng với thiếu trình độ, năng lực sẽ khó phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc nắm bắt cơ chế thị trường, định hướng phát triển HTX trước yêu cầu mới. Trong tổng số gần 2.000 cán bộ trong HTX chỉ có khoảng 12% qua đào tạo đại học, cao đẳng, còn lại chỉ sơ cấp, trung cấp và chưa qua đào tạo. Cán bộ lớn tuổi chiếm tỷ lệ rất lớn (80-90%).

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn chỉ ra những tồn tại “lưu cữu”, dù quá trình hoạt động từ hơn vài chục năm nhưng năng lực cạnh tranh của phần lớn các HTX còn yếu, quy mô SXKD nhỏ, hiệu quả thấp. Nguồn vốn huy động trong thành viên của nhiều HTX, nhất là HTX thành lập mới còn thấp, vốn góp mang tính tượng trưng, giá trị chỉ vài trăm triệu đồng... không đảm bảo mở rộng quy mô hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động SXKD cho đội ngũ cán bộ HTX; triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nhân lực, sinh viên đại học, cao đẳng vào làm việc tại các HTX. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đào tạo các HTX tổ chức mô hình liên kết SXKD, tiêu thụ sản phẩm theo “chuỗi giá trị”... Các HTX cũng cần năng động, sáng tạo, nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ chế thị trường để có định hướng, tổ chức SXKD một cách phù hợp, tạo ra nguồn sản phẩm mới, đa dạng, chất lượng, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Sau sáp nhập là tăng tốc

Song song với việc khẩn trương, nghiêm túc trong thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, huyện Phú Lộc nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Sau sáp nhập là tăng tốc
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top