ClockThứ Ba, 18/06/2019 14:13

Giá xăng dầu giảm, người kinh doanh lơ chuyện giảm giá hàng hoá

Khi giá xăng dầu tăng cao, giá các loại hàng hóa dịch vụ sẵn sàng tăng theo nhưng khi giá xăng dầu giảm thì lại là câu chuyện khác.

Tăng giá điện, xăng dầu khiến CPI tháng 5 tăngDầu đắt, cá rẻ: Ngư dân gặp khóGiá xăng dầu khó giảm trong kỳ điều chỉnh ngày hôm nay?

Trong hơn 6 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện 12 lần điều chỉnh với tỷ lệ cân bằng: 4 lần tăng giá, 4 lần giảm giá và 4 lần giữ nguyên mức giá bán. Vì còn phải chịu ảnh hưởng lên - xuống của giá xăng dầu thế giới nên sau 4 lần tăng, tổng mức tăng đã lên trên 4.000 đồng/lít xăng (tùy loại). Sau khi có 3 kỳ giảm giá liên tiếp gần đây, tổng mức giảm giá được tính vào khoảng trên dưới 2.000 đồng/lít xăng tùy loại.

Giá xăng dầu, điện… vẫn được biết đến có tác động rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát và tác động đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động đến chi phí đầu vào - ra của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như giá cả hàng hóa.

Thế nên, mỗi khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, một số chỉ số kinh tế cũng đã tăng và nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nhìn vào giá xăng dầu để có lý do “chính đáng”, bắt kịp xu hướng “tát nước theo mưa” tìm cách tăng giá theo.

Tiểu thương kinh doanh rau củ quả ở chợ dân sinh cho biết, giá các mặt hàng này đang rẻ, tiêu thụ tốt không ảnh hưởng bởi giá xăng dầu giảm

Vào những thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh, nhất là trong tháng 4 và hồi đầu tháng 5 vừa qua, nếu được hỏi từ người tiểu thương ở chợ truyền thống cho đến những chuyên gia thị trường, ai cũng có chung nhận định là giá xăng dầu tăng mạnh quá, hàng hóa dịch vụ buộc phải tăng theo, không còn cách nào khác.

Và thực tế là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước do việc tăng giá xăng dầu, giá điện. Trong tháng này có 9 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá mà nhóm giao thông có mức tăng cao nhất. Đến tháng 5, Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu và giá điện tăng.

Đấy là nói đến khi giá xăng dầu tăng, thế còn ngược lại lúc giá giảm thì sao? Sau 3 lần giảm giá liên tiếp gần đây, giá các loại hàng hóa dịch vụ vẫn không có hướng giảm và nhiều người kinh doanh tỉnh bơ nói rằng, giá các mặt hàng hóa dịch vụ vẫn bình thường không có thay đổi. Giá xăng dầu mới giảm ít thế không ảnh hưởng là mấy nên điều chỉnh giảm giá làm gì cho phức tạp!?

Các doanh nghiệp vận tải thường nói chi phí xăng dầu chiếm đến 40% giá thành vận tải thì lại cho rằng, các hợp đồng vận chuyển thường được kí theo năm, theo dự án. Không có chuyện hợp đồng đã kí rồi mà vì giá xăng dầu thay đổi để 1 trong 2 bên làm lại hợp đồng. Việc thay đổi này vô cùng rắc rối nên trong điều khoản hợp đồng, các bên thường có quy định và thống nhất không thay đổi bởi giá xăng dầu.

Đấy là đối với những doanh nghiệp vận tải hàng hóa, còn những doanh nghiệp vận tải hành khách như một hợp tác xã vận tải hành khách, hay một hãng taxi sẽ không bao giờ muốn điều chỉnh giá cước liên tục. Việc điều chỉnh giá vé thường được thực hiện qua một quá trình nhiều tháng hoặc cả 1 năm kinh doanh. Bởi đâu có đơn giản muốn tăng là tăng mà muốn giảm thì giảm, còn bao nhiêu thủ tục liên quan sẽ làm lãng phí thời gian và tiền bạc của các doanh nghiệp.

Thế nên một vị Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô có chia sẻ rằng, vận tải hành khách hay hàng hóa nếu bất đắc dĩ phải điều chỉnh giá ở thời điểm nào đó, chẳng qua cũng là việc chẳng đặng đừng và cũng ít khi thấy giảm. Vị này cho rằng chủ yếu giá tăng một phần vì chi phí xăng dầu, doanh nghiệp vận tải còn phải chịu rất nhiều chi phí không chính thức khác để phương tiện có thể đủ điều kiện lưu thông kinh doanh.

Trở lại chuyện điều hành giá xăng dầu, theo lý giải của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong những tháng đầu năm 2019, mặc dù giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng nhưng Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành bằng cách chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao, nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước thấp hơn mức giá cơ sở, hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước trong những giai đoạn nhạy cảm, thế nên Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phục vụ công tác điều hành giá đang ở mức âm.

May mắn là giá xăng dầu thế giới không tiếp tục tăng, mà trong 15 ngày trước ngày 17/6, bình quân giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Theo cơ chế điều hành, giá xăng dầu trong nước lần thứ 3 đã được Liên Bộ điều chỉnh giảm tương đối mạnh, có loại xăng giảm đến hơn 1.000 đồng/lít.

Nhưng để bảo đảm giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng giá thị trường thế giới, góp phần bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; căn cứ tình hình địa chính trị trên thế giới phức tạp, khó lường và tình hình thực tế của Quỹ bình ổn giá, nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện không chi Quỹ Bình ổn giá thời điểm hiện tại, tăng mức trích lập Quỹ và giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu ở mức hợp lý, đồng thời giữ mức chênh lệch giá phù hợp giữa xăng E5RON92 và xăng khoáng RON95 để khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học theo lộ trình.

Phân tích của Liên Bộ ở mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu luôn có lý và có tình, nhưng một số chuyên gia luôn cho rằng, việc tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lâu nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả và bền vững về lâu dài khi tác dụng của nó chỉ ở vào một vài thời điểm nhất định.

Bởi theo như cách lý giải của Liên Bộ thì Quỹ sẽ được trích ít, chi nhiều khi giá thế giới tăng và trích nhiều, chi ít khi giá thế giới giảm. Nhưng thực tế mới chỉ qua 2 - 3 lần giá thế giới tăng Quỹ đã về con số âm, nên thử hỏi trong trường hợp nếu giá xăng dầu thế giới cứ tiếp tục tăng thì giá trong nước có tăng nhỏ giọt hay không? Quỹ Bình ổn giá sẽ âm đến đâu và bao giờ doanh nghiệp mới đủ bù lỗ?

Thế nên mới có ý kiến cho là công tác dự báo thị trường luôn vô cùng quan trọng và cần phải được làm tốt. Cần phải có cơ quan, tổ chức làm được điều này để kịp thời chủ động điều tiết giá xăng dầu trước biến động khó lường của giá xăng dầu thế giới. Cũng đã có ý kiến đề xuất là nên có phương án mua dự trữ nguồn xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới giảm thấp, bán ra khi giá thế giới tăng cao nhưng để làm được việc này sẽ cần nguồn vốn lớn và công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn nên trước mắt khó có thể trở thành hiện thực.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa kiểng Tết bắt đầu xuống phố

Đường phố trung tâm hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa những ngày này hoa Tết từ nhiều nơi bắt đầu tụ hội, không khí mua sắm cũng dần trở nên nhộn nhịp hơn.

Hoa kiểng Tết bắt đầu xuống phố
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động

TIN MỚI

Return to top