ClockThứ Sáu, 26/11/2021 06:20

Thiếu chủ động nguồn giống thủy sản

TTH - Nguồn giống thủy sản phục vụ nuôi tại chỗ đang rất hiếm, trong đó một số loại cá giống đặc sản như nâu, kình… gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.

Thả 50 ngàn con tôm sú và hơn 1.200 con cua giống trên đầm pháThả 10 vạn tôm sú và 2.500 cua giống xuống đầm phá Tam Giang

 Cơ sở giống Vân Nam đang hướng đến đầu tư quy mô lớn

Phụ thuộc tự nhiên

Giống thủy sản nuôi phụ thuộc vào tự nhiên, không chủ động ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu thời vụ trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. Giống cá nâu, kình… tự nhiên thường theo mùa, lúc nào có giống thì mới khai thác, ươm dưỡng phục vụ nuôi nên ảnh hưởng đến việc cân đối mùa vụ nhằm tránh mùa bão, lũ, hoặc hạn hán. Nguồn giống khai thác, ươm dưỡng bao nhiêu thì nuôi bấy nhiêu nên diện tích nuôi, thời vụ không ổn định, khó phát triển sản xuất. Hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, không kịp thời thu hoạch bị lũ cuốn trôi. Giống khai thác từ tự nhiên còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tỷ lệ hao hụt trong quá trình ươm dưỡng, nuôi thương phẩm khá cao.

Theo phản ánh của người dân, mới đây, giống cá nâu tự nhiên có kích cỡ, trọng lượng 6.000 – 7.000 con/kg trôi vào vùng gần bờ biển xã Hải Dương (TP. Huế) và cửa biển Vinh Hiền (Phú Lộc) khá nhiều. Đây là nguồn cá giống bản địa có giá trị kinh tế cao phục vụ nuôi xen ghép trên vùng đầm phá. Dù lượng giống xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, nhưng do nguồn nước ngọt hàm chứa lượng phù sa khá lớn từ các con sông đổ về làm nước đục nên khó phát hiện, khó thu vớt cá giống. Chỉ tiêu độ mặn đo được ở vùng biển gần bờ Hải Dương, Vinh Hiền cũng khá thấp, độ đục tại Vinh Hiền cao hơn gấp đôi ngưỡng cho phép. Đây là yếu tố môi trường bất lợi, ảnh hưởng đến chất lượng giống khi thu vớt, sức khoẻ cá sẽ yếu do bùn bám vào mang khi hô hấp, làm tỷ lệ sống thấp trong quá trình ươm dưỡng.

Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền) thừa nhận, dù có thâm niên trong nuôi tôm sú và xen ghép tôm, cua, cá nhưng ông cũng như các hộ nuôi đều mù mờ về chất lượng nguồn giống. Người dân luôn ý thức việc tìm đến những trung tâm, trại giống uy tín, có thương hiệu để mua giống về nuôi, nhưng thực chất không thể kiểm định được nguồn giống có chất lượng, tiềm ẩn dịch bệnh hay không. Hơn nữa, các cơ sở cung cấp giống tôm sú, chân trắng chủ yếu ở phía Nam, quá trình vận chuyển đường xa ảnh hưởng đến sức khỏe nên người dân mua về thường thả giống ngay, không qua khâu kiểm tra dịch bệnh bằng máy PCR.

Nuôi tôm, cá còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nguồn lực tài chính có hạn nên hầu hết người dân đều chưa thể tự mua sắm thiết bị, máy kiểm tra dịch bệnh PCR. Trong khi việc kiểm định chất lượng giống bằng mắt thường, kinh nghiệm rất khó và hoàn toàn không thể phát hiện mầm bệnh. Theo người dân, việc mua giống ở các tỉnh xa có phần không yên tâm, lại tăng chi phí đầu tư nhưng vì hiện nay, một số trại ươm dưỡng giống trên địa bàn tỉnh không đáp ứng nhu cầu sản xuất nên phải mua nơi khác.

Chỉ đáp ứng 10%

Trại giống thủy sản Vân Nam ở xã Phú Thuận (Phú Vang) là cơ sở giống thủy sản đầu tiên, có quy mô khá lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Lê Ngọc Tấn (phụ trách trại giống), sau hơn 10 năm hoạt động nhưng đến nay quy mô ươm dưỡng mới chỉ khoảng 100 triệu con tôm giống và một số loại giống cá nước lợ. Trong khi đó, bình quân mỗi vụ nuôi tôm toàn tỉnh cần trên 2 tỷ con giống thủy sản các loại. Trại giống đang hướng đến đầu tư sản xuất giống thủy sản tại chỗ, quy mô lớn nhưng do thiếu mặt bằng và nguồn vốn đầu tư thiết bị, giống bố mẹ, trình độ kỹ thuật cao là trở lực lớn đối với cơ sở. Đây cũng là trở lực chung khiến trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có cơ sở nào sản xuất tôm giống và một số loại giống thủy sản nuôi vùng nước lợ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh - ông Võ Giang đánh giá, hầu hết nguồn giống do các cơ sở, trại giống trên địa bàn tỉnh ươm dưỡng đều đảm bảo chất lượng, giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra bằng máy PCR. Tuy nhiên số lượng giống tôm, cá nước lợ tại các cơ sở    này rất ít, chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh khoảng 10%. Hằng năm, các cơ sở này cung ứng khoảng trên 200 triệu con con giống thủy sản; trong đó khoảng 120 triệu con tôm sú, 50 triệu tôm thẻ chân trắng, 2,1 triệu con cá giống, 2,58 triệu con cua… 

Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, trong điều kiện khó khăn về nguồn giống như hiện nay thì việc mua giống từ tỉnh khác là điều bắt buộc, nhưng trước khi thả nuôi yêu cầu người dân cần kiểm tra bằng máy PCR (tại Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Thủy sản). Đối với nguồn giống cá khai thác tự nhiên, người dân chuẩn bị tốt điều kiện, ao hồ, kỹ thuật ươm dưỡng đảm bảo chất lượng, kích cỡ phục vụ nuôi kịp thời vụ. Về lâu dài, các hộ, nhóm hộ cần đầu tư thiết bị, máy PCR kiểm tra dịch bệnh nguồn giống để loại bỏ, xử lý mầm bệnh trước khi thả nuôi.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, điều kiện sản xuất nguồn thủy sản tại chỗ trên địa bàn tỉnh tuy khó nhưng có thể thực hiện được nếu có sự đầu tư đúng hướng, thỏa đáng, nhất là nguồn kinh phí, nhân lực, thiết bị kỹ thuật, mặt bằng phù hợp… Ngành nông nghiệp cũng đã định hướng, có kế hoạch đầu tư hạ tầng, kêu gọi và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Một lợi thế hiện nay là Nghị định 17 ngày 2/2/2018 bổ sung, sửa đổi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung; trung tâm giống thủy sản cấp vùng; trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản… cũng là cơ hội để đầu tư sản xuất giống tại chỗ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

TIN MỚI

Return to top