ClockThứ Hai, 02/12/2024 15:07

Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam

Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề Khu Thương mại tự do-Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics do Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Triển khai chương trình nâng cao hiệu quả logisticsLogistics chuyển mình đón đầu cơ hội

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới (chiếm 5,33% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước) với tổng số vốn đăng ký là 36,55 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28,9 nghìn lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, kho bãi thành lập mới có 6.503 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.

 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.

Cũng trong 9 tháng năm 2024, hơn 86,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 4.519 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 10,2%. Gần 13 nghìn doanh nghiệp hoàn tất làm thủ tục giải thể, trong đó, doanh nghiệp vận tải kho bãi có 490 doanh nghiệp, chiếm 3,79% tổng số doanh nghiệp giải thể cả nước. Nhìn chung, bên cạnh một số công ty logistics có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng thì các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa ghi nhận sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh, thua lỗ và thậm chí, rút khỏi thị trường.

 Các đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Về năng lực cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp: năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc top 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nếu xét trong các thị trường mới nổi thì Việt Nam thuộc nhóm 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility. Trong số đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.

Với mục tiêu trở thành một điểm đến cung cấp nhiều dịch vụ cho đối tác và khách hàng (one-stop-service), tăng cường tính cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường vận tải đa phương thức, tăng cường liên minh, liên kết giữa các hãng vận tải, cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Hoạt động vận tải biển trong nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tình hình vận tải biển trên thế giới làm cho giá cước tăng cao và thay đổi hàng tuần, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Việc biến động giá cước nhanh chóng như trên do tác động của các yếu tố như xung đột Nga-Ukraine, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, hay tình trạng khô hạn kéo dài tại kênh đào Panama. Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics đã phải hướng đến mục tiêu tối ưu hóa vận tải đa phương thức, thay vì một phương thức như trước đây.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới. Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số Hiệu quả Logistics.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2013 đến nay với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.

Qua 11 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành thương hiệu uy tín, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, các Tổ chức quốc tế và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp; là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của Ngành và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ quan trọng này.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, nhận thức của chúng ta về vai trò, vị trí của logistics trong nền kinh tế quốc dân ngày càng cao; vai trò, vị trí của nước ta ở trung tâm châu Á-Thái Bình Dương, rất dễ phát triển thành trung tâm trung chuyển quốc tế; Chính phủ cũng dần hoàn thiện thể chế cho phát triển logistics; về hạ tầng cho logistics được đầu tư, phát triển hệ thống đường bộ, đường không, đường thủy nội địa, đường sắt để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn.

Thủ tướng vui mừng trước việc hệ thống hạ tầng logistics phát triển nhanh, nhất là hệ thống đường cao tốc, đang khẩn trương triển khai đường sắt tốc độ cao bắc-nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Lào…; phát triển hệ thống sân bay. Thủ tướng cũng nêu rõ, cần khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm vào giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 2025-2030, các không gian này sẽ phục vụ cho logistics là cơ bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hệ thống sân bay những năm qua phát triển tương đối tốt, nhưng thể chế để huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế, do đó cần nghiên cứu sửa đổi lại các quy định trong Luật về hợp tác đối tác công-tư trên các lĩnh vực theo hướng mở rộng quy mô, đối tượng thì mới huy động được nguồn lực của xã hội, của nước ngoài. Vừa qua số doanh nghiệp trên lĩnh vực logistics đang tăng lên, đi vào hiện đại, mang tính cạnh tranh cao; phát triển logistics có xu hướng tích cực hơn , đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần vận tải đường bộ; tốc độ phát triển ngành logistics thuộc loại cao trên thế giới; có đội ngũ nhân lực logistics cao.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, chủ thể liên quan đã góp phần tạo diện mạo mới, vị thế mới, kết quả mới cho ngành logistics Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta thấy còn những điểm nghẽn liên quan phát triển ngành, đó là nhận thức đã có nhưng chưa tới, nhất là vai trò, vị trí, tầm quan trọng của logistics, vị trí và vai trò của đất nước trong trung chuyển hàng hóa thế giới; chi phí logistics còn cao, chiếm khoảng 17-18%; quy mô ngành logistics còn thấp so quy mô nền kinh tế (10% GDP), so yêu cầu phát triển logistics của thế giới; nhân lực quản lý nhà nước về logistics còn thiếu về số lượng, yếu và chất lượng; doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn thiếu, đặc biệt là kho bãi trong nội địa (cảng cạn); hạ tầng logistics còn lạc hậu,...

Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, quy mô thương mại thế giới ngày càng phát triển, Việt Nam không thể không hội nhập được; cần sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển; phải đi theo xu thế của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… có những liên hệ với logistics, do đó phải tiếp tục đổi mới sáng tạo, hội nhập, liên kết để phát triển. Việt Nam phải hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi liên kết để phát triển. Tình hình thay đổi thì phải thay đổi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận. Phải có tư duy toàn cầu, toàn diện, toàn dân; logistics là phương tiện để thực hiện việc này. Đó chính là logistics nằm trong tổng thể các vấn đề của thế giới. Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu luôn luôn phải đổi mới vì thực tiễn luôn đi trước lý luận; trong quá trình làm phải luôn tổng kết, luôn đổi mới; nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; “thể chế là nút thắt của nút thắt”, là “đột phá của đột phá”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải giảm chi phí logistics trong GDP của đất nước từ 18% xuống 15% trong năm 2025; nâng quy mô của logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu đạt 20%; nâng quy mô logistics của Việt Nam trong quy mô logistics thế giới từ 0,4% lên 0,5%, phấn đấu đạt 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics từ 14-15% nâng lên 20%.

Nâng cao nhận thức, vị trí, tầm quan trọng của logistics trong quá trình phát triển đất nước, phải hiểu sâu hơn vị trí vai trò tầm quan trọng của đất nước ở trung tâm châu Á-Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi phát triển logistics của thế giới; đột phá vào thể chế, hoàn thiện thể chế để ngành logistics đạt 3 mục tiêu, góp phần để đất nước đạt tăng trưởng 2 con số những năm tới, hiện thực hóa mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của đất nước giàu mạnh và thịnh vượng. Thể chế phải thông thoáng để phát triển ngành logistics phát triển xứng tầm sự phát triển của đất nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp: chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”.

Xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao; xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics, tái cơ cấu ngành logistics phù hợp sự phát triển trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ngoại giao logistics đồng thời hiện đại hóa logistics nội địa; xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, đường cao tốc, kết nối với các khu thương mại tự do của thế giới, kết nối các phương thức giao thông này với hệ thống giao thông quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các bộ, ngành trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình thực hiện tốt các nhiệm vụ trên; xây dựng đề án phát triển quốc gia thương mại tự do; xây dựng khu thương mại tự do ở biên giới. Chúng ta phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước độc lập, tự do; xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tính tự lực, tự cường, tự chủ, điều chỉnh là tính chủ động theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Trung ương phải phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra. Chính phủ phải kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân, xây dựng chiến lược, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển; tạo môi trường cho sự phát triển thông thoáng của đầu tư; xây dựng các cơ chế huy động nguồn lực; thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng mong doanh nghiệp, các đối tác nâng cao tính tự chủ; xuất phát từ thực tiễn, từ đó đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách với tinh thần tất cả vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường và xã hội; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đối với bạn bè quốc tế, chúng ta phải xây dựng mối quan hệ tốt, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tốt, tin cậy với tất cả các nước trên thế giới.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

Ngày 30/11, theo thông tin từ Tỉnh đoàn, người dân Thừa Thiên Huế đang học tập và lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có thể đăng ký tham gia Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 để nhận được vé xe và máy bay miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

TIN MỚI

Return to top