ClockThứ Tư, 29/01/2025 12:50

Sạch hơn, xanh hơn

TTH - Giấc mơ về một Huế xanh - sạch - sáng bao lâu nay đã thành hiện thực.

Lan tỏa những hành động đẹpKhởi động ngày mớiHiệu ứng qua các phong trào

 Thành phố Huế trong lành, hiền hòa. Ảnh: Huy Hải

Đường nào cây ấy

Năm 2016, tôi lúc ấy đang là sinh viên, thường đi “săn khách Tây” để rèn khả năng nói tiếng Anh. Những du khách, như: John (Anh), Sophia (Pháp), Carry (Mỹ)… đều tỏ ra ấn tượng với những mảng xanh đô thị được phân bố hài hòa ở đôi bờ sông Hương. Tôi nhớ John đã tỏ ra khoan khoái khi ngồi bên bờ sông Hương trong lành và nhận xét: “Thiên nhiên và di sản Huế rất tuyệt vời. Nhịp sống ở đây yên bình khiến tôi hạnh phúc khi lưu lại”.

Huế là thành phố đầu tiên của cả nước được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) công nhận là “Thành phố xanh quốc gia” vào năm 2016. Từ đó đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Huế dần định hình là một đô thị xanh - sạch - sáng, giữ vững thương hiệu “Thành phố Xanh quốc gia”. Hiện, 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa có hơn 70 nghìn cây xanh được trồng tại các điểm xanh và tiếp tục được trồng mới, bổ sung hàng năm. Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) quận Thuận Hóa cho biết: “Đề án Huế - Thành phố bốn mùa hoa” được triển khai từ năm 2020. Các tuyến đường lớn đã được trồng bổ sung theo phương châm “đường nào cây ấy”, vì như đường Lê Lợi trồng long não, đường Hùng Vương trồng cây muối, đường Hà Nội trồng cây nhạc ngựa…

“Đối với tuyến đường lớn, trước đây, Trung tâm CVCX Huế trồng những loài cây đặc hữu, tán lớn. Ở tuyến đường nhỏ, lựa chọn cây tiểu mộc, trung mộc (chiều cao trưởng thành dưới 15m). Trong khi ở các dải phân cách, trung tâm bố trí nhiều cây tiểu mộc, có hoa đẹp tạo cảnh quan. Bên cạnh việc trồng bổ sung Trung tâm CVCX Huế cũng thay thế, cắt bỏ dần các cây đã đến tuổi, mục ruỗng, hư hại, không tiến hành thay thế ồ ạt bởi chúng tôi tôn trọng những yếu tố lịch sử, văn hóa”, ông Đặng Ngọc Quý khẳng định.

Theo nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm, thảm thực vật ở Huế có hơn 300 loài, trong đó có hơn 60 loài cây đang được sử dụng cho các mảng xanh trong trung tâm TP. Huế, phổ biến nhất là phượng đỏ, phượng vàng, bằng lăng, long não… Trung tâm CVCX đang nghiên cứu thêm những chủng loại cây thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại Huế, có rễ đâm sâu để trụ được với thiên tai, đồng thời có hoa, tán đẹp góp phần tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị.

“Một trong những loài cây mà chúng tôi đề xuất trồng tại các tuyến đường trong tương lai là cây nhạc ngựa nhờ bộ rễ sâu, tán dày tạo bóng mát, xanh quanh năm, ít rụng lá và có khả năng lọc bụi, giảm tiếng ồn. Hiện cây nhạc ngựa đang được trồng nhiều tại tuyến đường Bùi Thị Xuân và Hà Nội, trong tương lai có thể nhân rộng, trồng bổ sung thêm ở những tuyến đường khác”, ông Đặng Ngọc Quý thông tin thêm.

Sạch, sáng, thân thiện

Trở lại Huế sau 8 năm, chị Carry, một người bạn Mỹ bày tỏ sự bất ngờ trước hình ảnh những người công nhân vệ sinh môi trường đạp xe nhặt rác trên các tuyến đường trong thành phố: “Ồ, tôi không nghĩ đến hình ảnh này và thấy thật vui. Huế vốn đã rất trong lành, nay càng thêm thân thiện với môi trường khi dùng xe đạp thu gom rác”. Chị Carry cũng bày tỏ niềm vui mừng vì Huế phát triển hơn, sạch hơn, sáng hơn nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp yên bình, thơ mộng.

Nhiều du khách khác cũng có cảm nhận tương tự khi Huế giữ môi trường, không khí trong lành, với những dòng sông trong xanh là điểm nhấn. Đó là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả chính quyền và người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là thu gom rác thải.

Theo ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO), Công ty được giao nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường cho TP. Huế. “Năm 2024, công ty tiến hành thu gom rác thải ở 31 phường trên địa bàn tỉnh, với tần suất 1 lần/ngày ở các khu vực trung tâm và 2-3 lần/tuần đối với các khu vực vùng ven. Công nhân thường xuyên thu gom rác tận nhà dân ở các kiệt ngõ, đồng thời quét dọn ở đường phố. WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) Việt Nam nhận định TP. Huế là địa phương thực hiện tốt trong việc quản lý chất thải rắn. Để giữ cho những dòng sông luôn trong xanh, HEPCO cũng thường xuyên thu gom bèo, vớt rác trên các sông An Cựu, sông Hương, sông Đông Ba, sông Ngự Hà… với tần suất 1 lần/tuần”, ông Trần Hữu Ân cho hay.

Trong những dịp lễ lớn như Festival Huế, HEPCO lắp đặt và vận hành các nhà vệ sinh di động phục vụ sự kiện. Công ty cũng thực hiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị như chỉnh trang vỉa hè, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng tại tuyến đường Lê Duẩn, Tố Hữu hay điện chiếu sáng trang trí cầu Trường Tiền.

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc HEPCO khẳng định: “Hiện, công ty đảm nhận hai mảng chiếu sáng là chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật. Chiếu sáng công cộng hiện đã mở rộng đến từng ngõ, hẻm trên địa bàn thành phố, đồng thời kéo dài thời gian chiếu sáng ban đêm hơn trước. Chiếu sáng nghệ thuật cũng được cải tiến theo công nghệ hiện đại, nổi bật với các công trình, như các cầu Trường Tiền, Dã Viên, hai bờ sông Hương và các tuyến đường trung tâm: Lê Lợi, Lê Duẩn. Thành phố cũng hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chiếu sáng các di tích quan trọng vào ban đêm, đặc biệt trong các dịp lễ lớn nhằm thu hút du khách”.

Trong cái nhìn tổng quan, Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố cho rằng, TP. Huế trực thuộc Trung ương vẫn đủ điều kiện để nhận được danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia”. Dự kiến, Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố sẽ tiếp tục làm hồ sơ xin cấp danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” cho TP. Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các mục tiêu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường càng được chú trọng hơn, với kỳ vọng sẽ mang lại một diện mạo mới cho Huế: Hiện đại, năng động mà vẫn giữ nguyên sự thanh bình vốn có.

Đăng Trình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch Thuận Hóa “ghi điểm” bằng sự thân thiện, an toàn

Từ những nụ cười thân thiện ở các khu du lịch đến thái độ niềm nở tại các chợ truyền thống, nhiều điểm đến ở quận Thuận Hóa đang “ghi điểm” trong mắt du khách, từng bước xây dựng môi trường du lịch “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”.

Du lịch Thuận Hóa “ghi điểm” bằng sự thân thiện, an toàn
Zhi Shan Foundation hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thủy Vân

Ngày 15/4, Tổ chức Zhi Shan Foundation phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thuận Hóa tổ chức lễ khánh thành thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thủy Vân và trao tặng tủ sách lớp học cho 3 trường: Tiểu học Dương Nỗ, THCS Phú Thanh, THCS Nguyễn Thị Minh Khai.

Zhi Shan Foundation hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thủy Vân
Khánh thành thư viện, trao tặng sách cho các trường học

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, chiều 8/4, Quỹ Chí thiện vì trẻ em phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phong Điền tổ chức Lễ khánh thành thư viện thân thiện và trao tặng sách cho hai trường TH&THCS Điền Hòa và THCS Phong An.

Khánh thành thư viện, trao tặng sách cho các trường học
Hội nghị Khí hậu và không khí sạch năm 2025: Đầu tư bổ sung 10 triệu USD vào Liên minh Khí hậu và không khí sạch

Trong khuôn khổ Hội nghị Khí hậu và không khí sạch năm 2025 (CCAC 2025), Quỹ Global Methane Hub đã công bố khoản tài trợ bổ sung 10 triệu USD cho Quỹ tín thác của Liên minh Khí hậu và không khí sạch, một sáng kiến của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đánh dấu bước tiến lớn trong việc thúc đẩy đầu tư vào giải pháp nhanh nhất nhằm kiềm chế nhiệt độ toàn cầu.

Hội nghị Khí hậu và không khí sạch năm 2025 Đầu tư bổ sung 10 triệu USD vào Liên minh Khí hậu và không khí sạch

TIN MỚI

Return to top