ClockThứ Bảy, 01/06/2024 16:26

Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc: Nhìn từ phố đi bộ

TTH - Phú Lộc là một trong những địa phương thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng việc giữ chân khách ở lại lưu trú vẫn là bài toán gây nhiều trăn trở. Sự ra đời của tuyến phố đi bộ ở Lăng Cô sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, song, phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ đã có từ trước.

Kinh tế đêm Huế cần sự kiên trìCơ hội mới cho du lịchPhát triển kinh tế đêmKinh tế đêm vị nhân sinh

 Khách tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm ở phố đi bộ đường Nguyễn Văn

Phố đi bộ là lựa chọn thu hút khách về đêm

Có mặt trong tối khai trương tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô, mới thấy rõ “sức hút” từ tuyến phố đi bộ này. Hàng ngàn người đến phố đi bộ để đi dạo, vui chơi, trải nghiệm tuyến phố mới. Có người còn so sánh: “Phố đi bộ này còn đông hơn một số phố đi bộ tại TP. Huế”.

So sánh đó có phần khập khiễng, bởi thông thường giai đoạn khai trương tuyến phố nào cũng rất đông. Nhưng xét về khía cạnh tích cực, đó là điều đáng mừng cho du lịch Phú Lộc nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung khi lâu nay địa phương này đang thiếu dịch vụ về đêm để giữ chân khách ở lại lưu trú. Năm 2023, lượng khách đến Phú Lộc du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách. Lượng khách tăng so với các năm, nhưng doanh thu chưa tăng mạnh, một trong những nguyên nhân là thiếu các điểm vui chơi, nhất là về đêm nên việc giữ chân khách ở lại lâu chưa được như mong đợi.

Để khách “tiêu tiền” khi đi du lịch phải có giải pháp tăng thời gian lưu trú của khách, giữ chân họ ở lại. “Phú Lộc rất gần Đà Nẵng. Nhiều khách du lịch đến các điểm du lịch ở Phú Lộc, hoặc đến Lăng Cô tắm biển, thưởng thức hải sản rồi đêm lại quay vào Đà Nẵng là điều rất đáng tiếc cho du lịch Phú Lộc và cả du lịch Huế, cũng là điều mà chính quyền địa phương, ngành du lịch hết sức trăn trở”, ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc chia sẻ.

Trăn trở của chính quyền địa phương được giải quyết bằng sự ra đời của tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn ở thị trấn Lăng Cô, với rất nhiều kỳ vọng. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, việc xây dựng phố đi bộ đường Nguyễn Văn nhằm mục đích tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo của thị trấn Lăng Cô, kỳ vọng tạo nên không gian giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Huế vào việc thu hút khách du lịch; góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại, đặc biệt là bổ sung sản phẩm du lịch hoạt động về đêm hấp dẫn trên địa bàn.

Nhìn sang các nước du lịch phát triển, gần nhất là Thái Lan, Malaysia, Indonesia… các tuyến phố đêm đều là những điểm đến hút khách và “nơi tiêu tiền” của khách. Điển hình như Bangkok (Thái Lan), phố Khao San Road, Cowboy Soi tập trung vào ăn uống và giải trí với các quán bar, nhà hàng, ẩm thực được tổ chức tới sáng. Tạo được điểm nhấn khác biệt gắn với các hoạt động trải nghiệm, các khu phố đi bộ đã thực sự lôi cuốn khách để phát triển. Ngành du lịch từ đó dễ dàng “hốt bạc” từ du khách nhưng tạo được sự hài lòng từ họ.

Để phố đi bộ hoạt động hiệu quả

Khi nhắc đến các mô hình phát triển kinh tế đêm, sự ra đời của các tuyến phố đi bộ, hay phố đêm là lựa chọn được nhắc đến. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải phố đi bộ, phố đêm nào cũng hoạt động hiệu quả.

Nhìn từ thực tiễn ở Huế, phố đêm Hoàng Thành Huế ra đời ban đầu thu hút rất đông du khách, nhưng sau đó lại khá vắng vẻ hay gần đây, nhiều người bắt đầu lo ngại khi tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng không còn đông đúc mỗi dịp cuối tuần. Làm sao để hiệu quả hút khách xứng đáng với kỳ vọng và sự đầu tư cũng là câu hỏi lớn. Ở trong nước, một thực trạng chung ở nhiều phố đi bộ là khác xa với không khí tưng bừng, hoành tráng của lễ khai trương, sau thời gian hoạt động đã không thu hút được người dân, du khách. Đây là nỗi lo xa mà gần cho phố đi bộ đường Nguyễn Văn và cần phải nhìn thẳng vào vấn đề để có chiến lược lâu dài.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều chợ đêm, phố đi bộ ban đêm ế khách, đó là mô hình tổ chức na ná nhau giữa các địa phương và mặc dù có điểm nhấn, đặc trưng riêng nhưng vẫn chưa rõ nét, chưa thực sự thu hút người dân và du khách. Dịch vụ nhìn chung nghèo nàn, công tác quy hoạch, sắp xếp, trung bày chưa chuyên nghiệp, bắt mắt. Các dịch vụ mua sắm, hàng lưu niệm giống nhau, nhàm chán; ẩm thực, giải trí đơn điệu, giá rẻ, chất lượng hàng hóa chưa thực sự đảm bảo… Bên cạnh đó, một số chợ đêm sau một thời gian hoạt động lại biến tướng, nhếch nhác không như mục đích ban đầu đề ra. Một nguyên nhân khác, là do thời tiết miền Trung không thuận lợi, những tháng mùa đông mưa rét cũng đã ảnh hưởng phần nào hoạt động tại các chợ đêm, phố đêm.

Để các phố đi bộ, phố đêm, trong đó có phố đi bộ đường Nguyễn Văn ở Lăng Cô thực sự mang lại hiệu quả “kinh tế ban đêm”, rất cần sự hợp lực nghiên cứu tìm giải pháp từ các cấp chính quyền, sở ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ. Đặc biệt, sự ra đời của phố đi bộ mới như đường Nguyễn Văn phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ trước đây, nhận diện đâu là điểm mạnh, điểm yếu, những vướng mắc thực tại, lâu dài tại chợ đêm, phố đêm. Từ đó, tìm giải pháp khắc phục.

Về lâu dài, căn cơ cần đào tạo đội ngũ nhân lực trong kinh doanh, buôn bán ở chợ đêm, phố đêm; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết giữa các địa phương và các đơn vị lữ hành du lịch để đưa vào chương trình phục vụ du khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top