ClockThứ Hai, 06/06/2022 10:58

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc năm nay sẽ tăng trưởng rất khả quan

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc tạm đình chỉ nhập khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên bao bì sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp này xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên TTXVN thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.

Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu nămCơ hội để nông sản Việt khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầuXúc tiến thương mại thay 'áo mới'Kiến nghị thiết lập vùng đệm cho hàng hóa trao đổi với Trung Quốc

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cho biết, để phòng chống rủi ro dịch bệnh COVID-19 thâm nhập từ bên ngoài vào trong nước, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu/cảng biển đối với con người, hàng hóa nhập cảnh, đặc biệt là tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Trường hợp kiểm tra, phát hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa dương tính với virus SARS-CoV-2, cơ quan hải quan sở tại sẽ tạm dừng thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài trong một thời gian nhất định theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo ông Nông Đức Lai, thời gian vừa qua nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra, xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 trên bao bì và cả trên sản phẩm. Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh luôn duy trì liên lạc với đầu mối của bộ phận chức năng Hải quan Trung Quốc nhằm nắm bắt, trao đổi thông tin và thông báo một cách sớm nhất tới cơ quan phụ trách ở trong nước để kịp thời thông báo tới doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp. Đến nay, ngoài việc bị áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu, doanh nghiệp vi phạm còn phải tự điều tra làm rõ nguyên nhân lây nhiễm và áp dụng biện pháp khắc phục, sau đó phía Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.

Tham tán Thương mại Nông Đức Lai cũng dẫn số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản (Mã HS 03) sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 9% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ các nền kinh tế bên ngoài. Ông Nông Đức Lai nhận định đến nay có thể nhận thấy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng rất khả quan vì nhiều lý do.  

Trước hết, dư địa xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh khi quy định hạn chế các hoạt động công cộng, dịch vụ giải trí, du lịch tại nhiều nơi được nới lỏng sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Mặc khác, các doanh nghiệp thủy sản ngày càng nhanh nhạy với thông tin, nhu cầu của thị trường, nắm vững các quy định, tiêu chuẩn và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian vừa qua, cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp mã cho nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép tham gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tham tán Thương mại Nông Đức Lai nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trong nước cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ những quy định, hướng dẫn của chính phủ, bộ ngành chức năng về công tác phòng chống dịch COVID-19; tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Trung Quốc về phòng chống virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong quá trình sản xuất thực phẩm và chuỗi đông lạnh; đồng thời tăng cường kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... để đảm bảo hàng thủy sản của Việt Nam không còn bị cảnh báo nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc vi phạm tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Nông Đức Lai nhấn mạnh thêm rằng, do các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng khắt khe và trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nên các doanh nghiệp thủy sản cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

TIN MỚI

Return to top