ClockThứ Bảy, 04/03/2023 11:43

Nông nghiệp hữu cơ “bén rễ” với vùng cao A Lưới

TTH - Trên cơ sở vùng sản xuất nông nghiệp đã có quy hoạch, kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, Tập đoàn Quế Lâm đã hợp tác cùng huyện A Lưới đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (NNHC, NNTH), chăn nuôi an toàn sinh học đối với một số cây trồng, vật nuôi. Từ những mô hình “manh nha” đầu tiên, giờ đây nông dân A Lưới đã “sống được” với chính sản phẩm nông sản của mình.

Bảo vệ sức khỏe, môi trường thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ

leftcenterrightdel

Giống ngô VN10 của Tập đoàn Quế Lâm xuống giống trên cánh đồng Quảng Nhâm (A Lưới) 

Từ trước năm 2020, khái niệm NNHC, NNTH còn khá xa lạ với nông dân A Lưới. Cho đến khi, UBND huyện ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, những mô hình chăn nuôi lợn, đậu tương, ngô… an toàn sinh học được ra đời dưới sự hỗ trợ của những cán bộ kỹ thuật, nông dân mới bắt tay sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Tại buổi tọa đàm mới đây về NNHC, NNTH giữa các ban ngành, đoàn thể, nông dân A Lưới và Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, làm thế nào để chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa như A Lưới là điều chúng tôi luôn trăn trở. Câu chuyện làm NNHC, NNTH cốt lõi là xây dựng lòng tin để thay đổi nhận thức người nông dân. Để làm được điều đó, không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng các mô hình sản xuất để phát triển bền vững về sau.

Anh Hồ Văn Teo (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) cho biết, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2021 được sự hỗ của chính quyền địa phương giúp anh tiếp cận được vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn 250m2, thực hiện nuôi “gia công” cho Tập đoàn Quế Lâm. Công ty cung ứng vật tư đầu vào, con giống cùng kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng chuồng trại. Từ đó anh Teo phát triển mô hình lên 10 con lợn nái, 50 con lợn thịt và dần chủ động nguồn lợn giống cho gia trại của mình.

“Sau một thời gian tham gia chăn nuôi theo mô hình NNHC, NNTH của Quế Lâm tôi thấy, mặc dù quá trình chăn nuôi dài hơn, đòi hỏi tính kiên trì, không “ăn xổi” như nuôi công nghiệp, nhưng thành quả thì bền vững và ít rủi ro về dịch bệnh, giá cả hơn. Hơn nữa, mô hình chăn nuôi này không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, không sử dụng chất tăng trọng vật nuôi, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, lợn không sử dụng nước tắm… nên an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ nguồn phân chăn nuôi có thể quay ra bón lại cho cây trồng và bán cho các hộ có nhu cầu. Với mô hình này, bình quân mỗi con lợn xuất chuồng mình lãi từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, gia trại thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm”, anh Teo cho biết thêm.

Tương tự, thực hiện liên kết sản xuất NNHC, NNTH với Tập đoàn Quế Lâm, hơn 70 hộ dân thôn Pi Ây, xã Quảng Nhâm đã góp hơn 10ha đất để trồng ngô giống VN10. Ông Hồ Văn Trình, Trưởng thôn Pi Ây cho biết, dải đất nằm bên dòng sông Tà Rinh nhiều năm nay là đất canh tác trồng ngô của người dân. Từ cây trồng chủ lực đã mang lại sinh kế cho hàng chục hộ dân. Tuy nhiên, việc canh tác theo tập quán lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học làm cho đất ngày càng bạc màu. Hơn nữa, diện tích trồng ngô của bà con thường xuyên gặp nhiều sâu bệnh, ảnh hưởng năng suất, thiếu máy phơi sấy nên không thể trồng ngô 2 vụ được.

“Bắt tay triển khai mô hình NNHC, NNTH với Tập đoàn Quế Lâm, người dân Pi Ây đã được tập đoàn hướng dẫn quy trình trồng ngô hữu cơ và đầu tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm sinh học, đồng thời thu mua với giá cao hơn 10-20% giá thị trường. Sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm, không chỉ đất đai được cải tạo mà đời sống nông dân còn đảm bảo sinh kế lâu dài. Hiện chính quyền địa phương đang xúc tiến chuyển diện tích đất nông nghiệp tại thôn sang hợp tác với công ty để sản xuất NNHC”, ông Hồ Văn Trình khẳng định.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, hiện tại Tập đoàn Quế Lâm đã hướng dẫn người dân và địa phương xây dựng, phát triển mô hình NNHN, NNTH tại 3 hộ chăn nuôi lợn hữu cơ ở xã A Ngo, mô hình trồng ngô hơn 10ha ở xã Quảng Nhâm, gần 1ha đậu tương ở xã Sơn Thủy, 65ha trồng lúa Zadư ở xã Hồng Thủy.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị có sự tham gia của các doanh nghiệp. Hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm chăn nuôi, trồng trọt… có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế sẵn có của địa phương...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá, việc định hướng đẩy mạnh phát triển NNHC, NNTH của huyện là phù hợp với xu hướng và tình hình thực tiễn tại địa phương. Thời gian qua, với sự hợp tác cùng Tập đoàn Quế Lâm, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn tập trung rà soát, quy hoạch xây dựng mô hình thí điểm sản xuất NNHC, NNTH, đồng thời nhân rộng trên địa bàn, giúp người nông dân phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững của huyện A Lưới.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định, trên cơ sở các vùng sản xuất NNHC, NNTH tập trung hiện có tại huyện A Lưới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các mô hình mới, chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu. Ngoài cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, tập đoàn sẽ cùng chính quyền địa phương xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ, cam kết thu mua các sản phẩm NNHC, NNTH do công ty ký kết với nông dân đảm bảo lợi nhuận của nông dân.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ

Sáng 11/3, tại Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, hơn 300 học sinh tiểu học của thành phố Huế tham gia chương trình “EDUBIOFARM - Hướng nghiệp và trải nghiệm về công nghệ sinh học và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.

Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ

TIN MỚI

Return to top