ClockChủ Nhật, 02/04/2017 09:46

Điểm sáng xuất khẩu: Rau quả bán cho nước ngoài gần gấp 3 lần nhập về

Rau quả là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2016 và cũng là mặt hàng mà ta đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác mở rộng thị trường.

Xuất khẩu rau quả là ngành hàng có tăng trưởng nổi bật nhất trong nhóm nông sản

Báo cáo xuất nhập khẩu 2016 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2016 đạt 2,46 tỷ USD, tăng mạnh 33,6% so với năm 2015.

Đây là ngành hàng có tăng trưởng nổi bật nhất trong nhóm nông sản, trong khi các ngành hàng khác gặp khó khăn do sụt giảm lượng và giá xuất khẩu thì ngành hàng này liên tục tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây (cụ thể, năm 2014 tăng 28,4%, năm 2015 tăng 23,7%).

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao 45,8% đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD; tiếp theo là Hoa Kỳ tăng 44,2% đạt 84,5 triệu USD, EU tăng 22,1% đạt 93,2 triệu USD; Hàn Quốc tăng 23,4% đạt 82,6 triệu USD; ASEAN tăng 14,3% đạt 133,7 triệu USD...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả năm 2016 đạt khoảng 925 triệu USD, tăng khoảng 48,7% so với cùng kỳ. Rau quả Việt Nam nhập khẩu từ khá nhiều thị trường trên thế giới nhưng tập trung kim ngạch lớn nhất ở khu vực thị trường châu Á. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Thái Lan, với kim ngạch nhập khẩu năm 2016 đạt khoảng 410 triệu USD, tăng 98,6% so với cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc, kim ngạch đạt 219,4 triệu USD, tăng 17,4%, tiếp theo là Hoa Kỳ, khoảng 85 triệu USD, tăng 16%. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu rau quả từ một số nước như Australia, Myanmar, New Zealand, Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc,..

Trong thời gian qua, nhiều loại trái cây Việt Nam đã được thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường “có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng” như nhãn, vải thiều, thanh long vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore...

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đánh giá nhu cầu tiêu thụ rau quả các loại trên thị trường thế giới trong giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng khoảng 3,6%/năm trong khi khả năng tăng trưởng sản xuất toàn cầu chỉ ở mức 2,6%/năm. Dân số thế giới gia tăng, mức thu nhập của người dân trên toàn cầu ngày càng được cải thiện nên nhu cầu rau quả tươi và giá rau quả ngày càng cao.

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, trên 70% dân số làm nghề nông và diện tích canh tác rau quả trên 1,5 triệu ha, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ổn định, lâu dài trong sản xuất rau quả. Mặt khác, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến nay mới đạt trên 2,4 tỷ USD, chiếm tỷ phần rất nhỏ trong tổng thương mại rau quả toàn cầu là gần 1.000 tỷ USD, chưa kể đến thị trường nội địa hơn 90 triệu dân có nhu cầu ngày càng gia tăng. Hơn nữa, xu hướng đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh.

​Nhiều năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và các hộ nông dân (doanh nghiệp bỏ vốn và xây dựng quy trình, người nông dân tập trung đất đai và lao động hình thành nên những hình thức hợp tác xã kiểu mới). Những mô hình này đã tạo điều kiện cho sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và thực tế đã mang lại hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam tuy chỉ đứng thứ 12 trong các nước xuất khẩu rau quả lớn nhưng đã tăng từ 1-3 bậc so với vài năm trước (thị phần toàn cầu tăng từ 2,1% lên 2,4%), đứng trên nhiều nước khác như Pháp, Đức, Philippines, Ấn Độ,... Đối thủ cạnh tranh về rau quả của Việt Nam chủ yếu hiện nay tập trung vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu rau quả vẫn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, trong đó bao gồm cả việc biến động thời tiết bất thường ngày càng nhiều tác động mạnh đến sản xuất rau quả của Việt Nam cũng như sức ép cạnh tranh ngày càng cao từ các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Myanmar,...

Tình trạng sản xuất manh mún, các công nghệ chế biến sau bảo quản cũng được đánh giá là hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhất là các loại rau quả có đặc tính thời vụ cao; Việt Nam còn thường xuyên gặp các rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu và gặp khó khăn trong việc mở cửa thị trường,...

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thu thuế thương mại điện tử 10%” là vi phạm pháp luật về thuế

Theo thông tin từ Cục Thuế thành phố Huế, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thông báo có nội dung: “Từ 01/01/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ đánh thuế hết tất cả các giao dịch có nội dung chuyển tiền là “mua – bán” để quyết định cưỡng chế, thu hồi thuế.

“Thu thuế thương mại điện tử 10 ” là vi phạm pháp luật về thuế
Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

TIN MỚI

Return to top