ClockThứ Tư, 16/08/2023 07:25

Nhiều lợi thế để nhà đầu tư nước ngoài chọn Huế dừng chân

TTH - Dù có nhiều lợi thế về tài nguyên, cảng nước sâu, nguồn lao động…, song Thừa Thiên Huế chưa thể lọt top 10 những tỉnh, thành có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước.
leftcenterrightdel
 Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số 52 tỉnh, thành phố được các nhà đầu tư nước ngoài “rót vốn” có Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác, con số 5 dự án FDI với vốn đăng ký 39 triệu USD vẫn còn khá khiêm tốn.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong top 10 các địa bàn thu hút tốt dòng vốn FDI, dẫn đầu vẫn là Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD. Vị trí thứ 3 là TP. Hồ Chí Minh rồi đến Bắc Giang, Bình Dương...

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Nghệ An nằm trong danh sách này, với tổng vốn đăng ký hơn 427 triệu USD. Đây cũng không phải là năm đầu tiên Nghệ An nằm trong top 10 địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI nhất cả nước.

leftcenterrightdel
 Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô là điểm đến đẳng cấp, sang trọng được doanh nghiệp FDI đầu tư. Ảnh: H. Thu

Nghệ An đã được biết đến là tỉnh có nhiều cách làm hay để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Và một trong những giải pháp được cho là hiệu quả để dòng vốn FDI đổ về Nghệ An là nhờ chính quyền tỉnh này thường xuyên chủ trì đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chủ động tiếp cận, quảng bá cơ hội, vận động các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào tỉnh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có tính động lực, tạo làn sóng đầu tư mới.

Thừa Thiên Huế cũng tổ chức khá nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước bằng hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Sau các hội nghị, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Huế là điểm đến. Như mới đây là dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế có tổng mức đầu tư tối thiểu 3.916 tỷ đồng đã khởi công từ đầu năm 2023. Trước đó là một số dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả như Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, Công ty Scavi Huế, Nhà máy bia Huda… và một số dự án đang triển khai như Nhà máy Kanglongda Huế, Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế có tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng…

Thực tế đã chứng minh, càng có nhiều nhà máy đi vào hoạt động thì sẽ giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân và đóng góp đáng kể cho ngân sách. Như Nhà máy bia Huda thuộc Tập đoàn Carlsberg (DN có vốn đầu tư FDI), mỗi năm đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 30% trong tổng số thu ngân sách của tỉnh. Nếu có một vài nhà máy khác như thế, ngân sách tỉnh sẽ không lo hụt thu. Đây còn được đánh giá là nguồn thu có tính bền vững cao. Không như thu tiền sử dụng đất, năm được năm không theo biến động thị trường và đất đai không tự nhiên sinh ra, bán đấu giá hoài cũng hết.

Song, vấn đề là làm thế nào để kêu gọi được doanh nghiệp FDI vào Thừa Thiên Huế? Có lẽ cần thêm những chiến lược, giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả hơn. Như Thanh Hóa lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cụ thể là doanh nghiệp Nhật Bản, khi họ thấy doanh nghiệp từ xứ sở hoa anh đào quan tâm đầu tư vào Thanh Hóa và những lợi ích từ việc này mang lại. Bắc Ninh thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp. Hà Tĩnh thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ nhà đầu tư…

Thừa Thiên Huế cũng đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ các nhà đầu tư. Nhờ đó, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, tiến độ một số dự án được đẩy nhanh. Dù vậy thì so với một số tỉnh khu vực miền Trung, Thừa Thiên Huế vẫn đứng sau Thanh Hóa và Quảng Ngãi trong kêu gọi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thế nên, vẫn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực để hút dòng vốn FDI trong lúc Thừa Thiên Huế là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế như cảng nước sâu, thị trường lao động dồi dào, sân bay quốc tế…

Để làm được điều đó, cần thiết cũng có thể thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp FDI; tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại và lắng nghe doanh nghiệp FDI. Vướng đến đâu xử lý rốt ráo đến đó thì sẽ cải thiện được môi trường đầu tư và xây dựng được hình ảnh chính quyền thân thiện. Khi môi trường đầu tư tốt, doanh nghiệp được lắng nghe, xem trọng... thì lo gì nhà đầu tư không đến.

Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top