ClockThứ Sáu, 23/10/2015 11:29

Người dân là chủ thể đô thị

TTH - Danh hiệu “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” đã đem lại thương hiệu cho Huế, là cách để khẳng định thêm lần nữa về TP văn hóa, xanh sạch đẹp từ lâu đã được công nhận trong lòng du khách và người dân xứ Huế. Để làm tròn sứ mệnh là TP văn hóa, bền vững môi trường, lãnh đạo TP Huế cho rằng, mỗi người dân Huế phải ý thức rõ hơn vai trò chủ thể đô thị, là đại sứ văn hóa để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Huế ra thế giới.

Những con đường rợp bóng cây là nét đẹp riêng có của đô thị Huế

Bán đúng giá

Một việc làm khá thiết thực mà tiểu thương các chợ trên địa bàn đã triển khai là niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trong đó chợ Đông Ba là nơi tiên phong triển khai và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân cũng như du khách.

Trước đây, rất nhiều du khách đến Huế, dù rất muốn đến chợ Đông Ba để mua sắm nhưng ngại tình trạng nói thách, hét giá. Một số du khách đã từng là nạn nhân của tình trạng trên chia sẻ, họ ngại quay trở lại Huế, nhất là ngại đến chợ Đông Ba. Kinh nghiệm trả giá khi mua hàng chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5, 1/10 so với giá tiểu thương đưa ra cũng đã được lan truyền cho người thân bạn bè khiến chợ Đông Ba mất một lượng khách không nhỏ. Hiện nay, tình trạng này đã cải thiện đáng kể, hầu như các mặt hàng ở chợ Đông Ba, từ cái cài, kẹp, nơ, mỹ phẩm, đến vải, áo quần, thực phẩm đều được niêm yết giá. Hàng tuần, hàng tháng, quý, cơ quan quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý với các trường hợp vi phạm nên tình trạng không niêm yết giá đã cải thiện rõ rệt.

Hầu hết các mặt hàng ở chợ Đông Ba đều được niêm yết giá

Các chợ lớn khác trên địa bàn cũng dần triển khai việc niêm yết, dù không phải tất cả các mặt hàng, nhưng điều đó cho thấy, tiểu thương cũng dần hướng đến việc kinh doanh, làm ăn theo hướng chuyên nghiệp, lấy uy tín làm trọng. Nhiều tiểu thương cho hay, khi thực hiện niêm yết giá, ban đầu một số khách chưa quen còn trả giá nhưng trước thái độ cương quyết của tiểu thương, người mua đã mua theo giá niêm yết. Dần dần khách hàng quen dần với giá niêm yết nên không còn trả giá. Cả người bán lẫn người mua đều hài lòng với cách mua bán mới.

Các mặt hàng thực phẩm, ăn uống cũng bắt đầu thay đổi thói quen kinh doanh bằng việc công khai bảng giá trước quán, nhất là hàng đặc sản như bún bò, cơm hến, các sản phẩm từ hạt sen... Ở khá nhiều quán ăn nổi tiếng trên địa bàn, giá thức ăn được niêm yết công khai. Du khách có thể yên tâm khi ăn uống mà không lo bị “chặt chém”, hoặc phải hỏi giá trước.

Hàng quà tặng như mè xửng, tôm chua, nón lá từ lâu đã thực hiện việc công khai niêm yết giá trên mỗi sản phẩm. Khi mua hàng, du khách không phải phân vân về giá cả. Điều du khách quan tâm là chất lượng sản phẩm, thế nên những thương hiệu có tiếng luôn được lựa chọn như mè xửng Thiên Hương, Nam Thuận, trà cung đình Đức Phượng, tôm chua Tấn Lộc...

Bắt đầu từ những việc làm nhỏ

Dù có nhiều chuyển biến trong ý thức, nhận thức của người dân trong văn hóa ứng xử, cư xử hàng ngày, trong cả thói quen giao tiếp buôn bán, song, tình trạng cò mồi du lịch, chặt chém du khách, bán không đúng giá thực tế vẫn đang xảy ra.

Một nhà nghiên cứu Huế cho hay, ông cảm thấy khá xấu hổ khi cùng vào quán ăn bún bò với khách phương xa, nhưng tô bún của ông được tính 30 ngàn đồng, trong khi vị khách cũng một tô y như vậy thì bị tính 40 ngàn đồng. Sau khi giải thích, chủ quán lấy 30 ngàn đồng, nhưng tâm trạng khách không thoải mái.

Trong buổi đối thoại với doanh nghiệp mới đây do UBND TP Huế tổ chức, đại diện lãnh đạo Khách sạn Mường Thanh cho hay, du khách thường xuyên phản ánh bị cò mồi chèo kéo, làm giá. Nhiều khách vừa bước xuống xe thì bị đội xe thồ, cò mồi bao vây, có người sợ quá còn không dám xuống xe phải gọi điện nhờ nhân viên lễ tân ra đón.

Tương tự, tình trạng taxi, xe thồ chở khách không đúng lộ trình, chạy lòng vòng để tăng thêm tiền dù không phổ biến nhưng vẫn đang tồn tại, ít nhiều làm xấu hình ảnh Huế, nhất là con người Huế trong mắt du khách.

Tại buổi đối thoại mới đây và cũng là lần đầu tiên với đội ngũ xích lô, xe thồ, taxi trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành cho rằng, hơn ai hết, mỗi tài xế xích lô, xe thồ, taxi là người đầu tiên, trực tiếp tiếp xúc với du khách, hình ảnh Huế sẽ thể hiện qua cách ứng xử của tài xế. Do đó, dù là nghề kiếm cơm, song cách giao tiếp, cư xử của mỗi tài xế phải thể hiện được tính lịch sử, thái độ nhã nhặn và lòng hiếu khách phải luôn luôn có. Mỗi tài xế còn phải là hướng dẫn viên du lịch mới góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Huế hiệu quả nhất với du khách. Dù không dễ, song nếu mỗi người dân Huế đều nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh Huế, chắc chắn môi trường du lịch Huế sẽ cải thiện đáng kể.

Việc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp cũng phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người dân. “Chúng ta cần nhìn nhận rằng, các danh hiệu được trao tặng là dành cho người dân Huế. Vì thế, từ những hành động nhỏ nhất cũng phải có sự cân nhắc, như việc vứt rác không đúng nơi quy định là hành động cần lên án và chỉnh sửa ngay tức thì. Việc đốt vàng mã trong thùng, dần tiến tới loại bỏ cũng là cách để giữ thành phố sạch đẹp” ông Nguyễn Văn Thành nói.

Hành động thả vàng mã, rác xuống sông cần được điều chỉnh ngay cả với những người không sống trên sông nước. Nhân nói về thành phố văn hóa, môi trường KTS Huỳnh Quang cho rằng, du khách đến Huế rất thích ngắm sông Hương. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đang ngồi bên bờ sông thơ mộng, nhâm nhi ly cà phê thơm ngon buổi sáng mà trước mắt bạn là hình ảnh người dân ném rác xuống sông, thậm chí còn có hành động không đẹp mắt khác? Cho nên, tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen không đẹp mắt là bức bách và cần thiết.

TP Huế cũng đã tính tới phương án xây dựng các nhà vệ sinh công cộng ở những điểm tham quan, gần nhà ga, công viên... Các nhà vệ sinh sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại thay thế dần những nhà vệ sinh..., mất vệ sinh - nỗi ám ảnh của không ít người dân, du khách. TP Huế cũng sẽ hướng tới mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch. Các nhà hàng, quán ăn ven đường..., nhất thiết phải tạo điều kiện cho du khách, người đi đường được sử dụng nhà vệ sinh. Những hành động đó, dù nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn, nhất là trong việc quảng bá hình ảnh Huế thân thiện, mến khách.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế

Ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế. Đây là một trong những hoạt động chính liên quan đến đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng mai Huế" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì và PGS.TS Đặng Văn Đông là chủ nhiệm đề tài.

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế
Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

TIN MỚI

Return to top