ClockThứ Sáu, 18/12/2020 07:30

Ngân hàng Chính sách xã hội Hương Trà: Ba năm không phát sinh nợ xấu

TTH - 3 năm liên tục, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TX. Hương Trà không phát sinh nợ xấu nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay.

Tiếp tục bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sáchTín dụng chính sách tiếp sức nông dânLãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm

Về cơ sở hỗ trợ người dân 

Hỗ trợ từng khách hàng  

Trong quá trình tìm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trần Thị Phụng, phường Hương Vân quyết định vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi. Với những kiến thức đã học, chị vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm thông qua kênh ủy thác của hội phụ nữ phường. Chị Phụng đầu tư xây dựng chuồng trại, bắt tay vào nuôi gà đẻ trứng với gần 1.000 con và đàn lợn nái hơn 5 con, mỗi tháng thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, lượng trứng tiêu thụ không ổn định, cán bộ phụ nữ phường và cán bộ tín dụng ngân hàng thường xuyên đến tìm hiểu khó khăn, hỗ trợ rất nhiều trong tiêu thụ trứng như giới thiệu các đầu mối tiêu thụ. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình chị Phụng ổn định, việc trả nợ, lãi ngân hàng đảm bảo.

Bà Cao Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hương Vân chia sẻ, việc đánh giá, phân loại hộ vay ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quá trình xác minh, phê duyệt hồ sơ vay vốn của các hội viên được Hội chú trọng; không chỉ bình xét qua thôn mà còn được chính quyền, cán bộ tín dụng xác minh nên đảm bảo đúng đối tượng vay.

Theo kinh nghiệm của bà Vân, những khách hàng nợ quá hạn chủ yếu rơi vào những hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thường xuyên tuyên truyền gia đình, người thân vận động đóng tiền đúng quy định nên hạn chế nợ quá hạn (NQH). Hội và các thành viên tổ TK&VV phân loại từng đối tượng NQH, nợ lãi tồn đọng để có biện pháp hỗ trợ và thu hồi nợ phù hợp.

Với những trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, ốm đau bệnh tật, không còn khả năng lao động hoặc qua đời cán bộ tổ trực tiếp đề nghị Ngân hàng CSXH xử lý rủi ro. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, kỹ năng cho thành viên các tổ TK&VV, hạn chế NQH phát sinh.

3 năm liền không phát sinh nợ xấu

Chăm chút từ những khâu đầu tiên của quá trình vay vốn đến khâu thu hồi vốn chính là bài học được Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà rút ra sau nhiều năm chất lượng tín dụng duy trì mức tốt.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà - Trương Công Huy, trước khi phê duyệt hồ sơ giải ngân, triển khai các chương trình mới, cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn nắm chắc một số nội dung như nhu cầu thực sự của hộ vay, mục đích sử dụng vốn vay và các cam kết liên quan.

Trong quá trình giải ngân, tổ trưởng tổ tín dụng tuyên truyền các nội dung, quy định liên quan để người vay nắm các thông tin. Sau khi nhận tiền vay, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Hội, tổ và cán bộ tín dụng thường xuyên đôn đốc hộ vay thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vốn vay và các cam kết để thực hiện.

Nhờ đó, 3 năm liên tục trên địa bàn Hương Trà đều không phát sinh nợ xấu. Tính đến tháng 11, tổng dư nợ các chương trình đạt 343 tỷ đồng với 14.496 khách hàng còn dư nợ. Với nguồn vốn tín dụng chính sách này, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trương Công Huy chia sẻ, đối tượng chính của các chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH chủ yếu là các hộ nghèo, hộ chính sách. Vì thế, khả năng phát sinh nợ xấu rất cao, nhất là các chương trình hỗ trợ vay vốn nhà ở phòng chống lụt bão, nhà ở theo các quyết định 167, 33, cho vay hộ nghèo,… vì phần lớn đối tượng này là hộ già cả neo đơn.

Ngoài phối hợp các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác rà soát bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, ngân hàng còn thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro theo quy định; tập trung phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể xử lý thu hồi NQH, nợ bị chiếm dụng, lãi tồn đọng, có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội các cấp, hoạt động của Tổ TK&VV và kiểm tra sử dụng vốn vay của hộ vay cũng được tăng cường. Các cán bộ tín dụng, tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau nhằm kiểm tra mức độ thực hiện các nhiệm vụ và tính minh bạch trong quá trình vay.

Việc tổ chức điểm giao dịch về tận cơ sở xã, phường, thị trấn không kể ngày lễ hay thứ 7, chủ nhật cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình vay vốn.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

TIN MỚI

Return to top