ClockChủ Nhật, 25/09/2022 13:04

Lãi suất ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng mới

Chỉ trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng công bố ngay sau quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hànhThêm ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy độngLãi suất tiếp tục tăng

Khách hàng giao dịch tại VPBank Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng mạnh lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Khách hàng gửi tiền tại VPBank kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất kịch trần là 5%/năm với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, tăng đến 1%/năm so với trước đó. Còn với khoản tiền gửi từ 3 đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất là 4,9%/năm; gửi từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất 4,8%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng tăng 0,5 - 0,6%/năm so với trước, dao động từ 6,4-7,2%/năm tùy theo giá trị khoản gửi.

Đáng chú ý, lãi suất cao nhất được VPBank niêm yết là 7,7%/năm dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này đã tăng 0,7%/năm so với trước đó và trở thành mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống ngân hàng đối với các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có một thời gian dài niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên tới 7,55%/năm, dẫn đầu hệ thống. Trong lần điều chỉnh này, SCB vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 7,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, gửi tiền trực tuyến và chỉ tăng lãi suất với các kỳ hạn ngắn.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 5%/năm. Lãi suất cao nhất tại HDBank hiện là 7,65%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất huy động vốn bằng VND các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tuy không tăng kịch trần nhưng cũng thêm đến 0,8-0,9%/năm so với trước đó, lên dao động từ 4,38-4,9%/năm.

Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tại SHB tăng thêm 0,4-0,5%/năm lên dao động từ 5,73-7,35%/năm. SHB đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,1%/năm cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,9%/năm cho sản phẩm này kỳ hạn 6 năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)... cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn và đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn chưa có động thái mới. Hiện, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng này niêm yết từ 5,6-5,8%/năm với tiền gửi online và 5,6%/năm với tiền gửi tại quầy. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở mức 3,1-3,4%/năm.

Theo biểu lãi suất ngân hàng mới nhất, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống đang là 8,8%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với khoản gửi kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đó là 7,85%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Trước đó, chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm trước đây lên thành 0,5%/năm; có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

Quyết định số 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.

Theo dự báo của Tập đoàn Maybank Investment Banking (Maybank IBG), Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022 sau động thái trên. Đồng thời, việc tăng mạnh lãi suất điều hành vừa qua sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi kinh tế, Maybank IBG giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP lần lượt là 8% cho năm 2022 và 6% cho năm 2023.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất
Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng
Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chiều 14/11.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top